Khó quản lý lễ hội chém lợn

Hàng năm, nước ta có hơn 500 lễ hội, 70% số lễ hội lại diễn ra ở nhiều địa phương vào mùa xuân. Trong đó, Bắc Ninh luôn là một trong những địa phương được xem là điểm “nóng” trong mùa lễ hội xuân của miền Bắc. Ngày 27-1, trong buổi họp báo về công tác tổ chức lễ hội (do Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh tổ chức) rất nhiều tồn tại trong việc tổ chức lễ hội Lim, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng đã được đưa ra thảo luận.
Khó quản lý lễ hội chém lợn

Hàng năm, nước ta có hơn 500 lễ hội, 70% số lễ hội lại diễn ra ở nhiều địa phương vào mùa xuân. Trong đó, Bắc Ninh luôn là một trong những địa phương được xem là điểm “nóng” trong mùa lễ hội xuân của miền Bắc. Ngày 27-1, trong buổi họp báo về công tác tổ chức lễ hội (do Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh tổ chức) rất nhiều tồn tại trong việc tổ chức lễ hội Lim, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng đã được đưa ra thảo luận.

Khó quản lý lễ hội chém lợn ảnh 1

Chém hay không chém lợn?

Xoay quanh nghi lễ hiến sinh trong lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, ông Lưu Đình Thực, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh, cho biết: “Chúng tôi không dám khẳng định 100% sẽ không có cảnh chém lợn giữa sân đình tại lễ hội chém lợn. Năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan đã chỉ đạo, bàn bạc thống nhất với nhân dân đưa cảnh hiến sinh diễn ra cạnh sân đình. Thế nhưng, đến phút cuối người dân đã thay đổi kịch bản, diễn tiến hoàn toàn khác, đưa lợn ra giữa sân. Năm nay, có cơ sở pháp lý là Thông tư số 15 của Bộ VH-TT-DL, chúng tôi chỉ đạo quyết liệt hơn, quy hoạch nơi chém lợn là phía Tây sân đình, hy vọng sẽ chấm dứt hình ảnh phản cảm của lễ hội nơi đây”.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng chia sẻ, câu chuyện chém lợn của lễ hội chém lợn làng Ném Thượng rất nhạy cảm. Ở làng Ném Thượng có hai quan điểm, một số người dân ủng hộ tinh thần đưa lợn vào nơi kín đáo thực hành nghi lễ, nhưng các bô lão 80 - 90 tuổi lại không đồng tình. Vì thế, để thực hiện được tinh thần quản lý của Bộ VH-TT-DL tại lễ hội chém lợn làng Ném Thượng là vấn đề khó. Lãnh đạo địa phương cũng cho biết, song hành với việc kiên trì giải thích, vận động, việc xử lý trách nhiệm cũng đã được đặt ra. Nếu năm 2015, làng Ném Thượng đã bị cắt danh hiệu làng văn hóa thì năm nay, trách nhiệm tổ chức sẽ được gắn cho người đứng đầu, trưởng khu dân phố...

Riêng những hành động phản cảm như quẹt tiền vào máu lợn với tính chất cầu may, gây bức xúc trong dư luận, người dân làng Ném Thượng khẳng định họ không hề có tập tục này mà đây là hành động của các du khách.

Hội Lim sẽ vui hơn

Hội Lim năm nay diễn ra trong 2 ngày 12 và 13 tháng Giêng tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim), thị trấn Lim. Bên cạnh việc duy trì các canh quan họ cổ trong làng, năm nay có 4 lán trại quan họ và sân khấu lễ hội cũng được tổ chức cùng các trò chơi dân gian như đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, kéo co... Cùng với đó, các loại hình quan họ khác như quan họ cửa đình, cửa chùa, quan họ dưới thuyền cũng sẽ diễn ra sôi nổi ở các làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Lũng Giang, Duệ Đông, Duệ Khánh... Bà Nguyễn Thị Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, chia sẻ: “Trước lễ hội nhiều ngày, ban tổ chức đã lên kế hoạch nhằm đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế hiện tượng ùn tắc giao thông, giảm thiểu các hiện tượng tệ nạn xã hội, ăn xin, ăn mày tại khu vực lễ hội...”.

Trước phản ánh của phóng viên về các điểm hát quan họ nhếch nhác trong các ao, mương nước quanh khu vực lễ hội khiến du khách có những cảm nhận không đúng về lễ hội Lim, ban tổ chức cho biết đây là điểm hoạt động không chính thức. Năm nay địa phương sẽ không để tái diễn những hiện tượng này. Tuy nhiên, ban tổ chức cũng cho biết, do quy mô lễ hội lớn, có quá đông người tham dự, vì thế thay vì việc hát “chay” như truyền thống, năm nay các liền anh, liền chị quan họ sẽ tiếp tục hát qua tăng âm.


MAI AN

Tin cùng chuyên mục