Hướng đến lễ hội xuân lành mạnh

Những ngày cuối năm, khi đất trời sắp chuyển sang xuân thì công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động lễ hội lại trở nên cấp tập hơn, quyết tâm hơn. Những câu chuyện tiêu cực chướng tai gai mắt, thương mại hóa, giẫm đạp lên nhau để cướp lương, cướp ấn, rải tiền lẻ; dắt tiền vào tay, vào mũi tượng Phật… trong lễ hội mùa xuân dường như vẫn là bài toán nan giải đối với các nhà quản lý.
Hướng đến lễ hội xuân lành mạnh

Những ngày cuối năm, khi đất trời sắp chuyển sang xuân thì công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động lễ hội lại trở nên cấp tập hơn, quyết tâm hơn. Những câu chuyện tiêu cực chướng tai gai mắt, thương mại hóa, giẫm đạp lên nhau để cướp lương, cướp ấn, rải tiền lẻ; dắt tiền vào tay, vào mũi tượng Phật… trong lễ hội mùa xuân dường như vẫn là bài toán nan giải đối với các nhà quản lý.

Hàng vạn du khách trẩy hội chủa Hương mỗi dịp xuân về

Lo lắng bạo lực lễ hội

Năm 2015, công tác quản lý và tổ chức lễ hội bước đầu đã có chuyển biến. Điển hình là tình trạng chen lấn, phản cảm ở một số lễ hội đã giảm, hiện tượng hàng quán lộn xộn, chèo kéo du khách cũng đã hạn chế. Song cũng phải thừa nhận rằng, tính thương mại hóa cùng các yếu tố lai căng đang ngày càng xâm nhập, lấn át làm biến dạng lễ hội; nhiều cá nhân, đơn vị vẫn coi lễ hội là cơ hội để kiếm tiền, trục lợi. Hàng quán, ki-ốt được xây mới, đình chùa được tu bổ tôn tạo cũng theo xu hướng to hơn, sặc sỡ hơn; còn người đi lễ thì luôn có tâm lý cảnh giác đối phó với đủ mọi cạm bẫy từ các dịch vụ “chặt chém”, “cò” vé cho đến những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), là lễ hội được coi là có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất miền Bắc cho tới thời điểm này cũng đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị cho mùa hội mới. Theo đó, năm nay, không có điểm kinh doanh nào được sắp xếp ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp, vực sâu không an toàn như khu vực sân Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích... Việc quảng cáo, tổ chức dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội cũng bị cấm. Đối với nạn cò vé đò, cáp treo... địa phương cũng tuyên bố rõ không hề có vé VIP, khoang VIP đối với cáp treo, vì thế du khách không nên nghe lời dụ dỗ mà mất tiền oan cho các dịch vụ này. Tương tự, tại đền Trần, Nam Định, do năm nay lễ dâng hương và khai ấn diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng, rơi vào cuối tuần, dự kiến lượng du khách về dự lễ đông hơn nên ban tổ chức lễ hội đã quyết định sẽ tiến hành phát ấn cho nhân dân và du khách sớm hơn năm trước 30 phút nhằm tạo điều kiện cho những người ở xa về có thể nhận ấn sớm, hạn chế tính trạng chờ đợi, ùn tắc. Lễ phát ấn sẽ bắt đầu từ lúc 5 giờ 30 ngày 15 tháng Giêng, tại khu vực nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày đền Trùng Hoa.

Tuy nhiên, trong khi các lễ hội lớn, dường như công tác chuẩn bị ngày càng đi vào nề nếp thì điểm “nóng” khiến các nhà quản lý đau đầu nhất hiện nay chính là sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của những lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm. Tại lễ hội chém heo làng Ném Thượng, Bắc Ninh, mùa hội năm 2014 và 2015, cả ngàn người có mặt trước sân đình tay lăm lăm máy ảnh và điện thoại có chức năng chụp ảnh, chứng kiến và ghi lại màn khai đao, chém heo. Tiếp đó tại Tam Nông, Phú Thọ, còn có lễ hội Cầu Trâu. “Ông Trâu” này được nuôi nấng cẩn thận, trước khi vào lễ, còn được tắm rửa, buộc vào cọc, 12 thanh niên trai tráng nhất làng dùng vồ thay nhau đập vào đầu trâu. Hay lễ hội cướp phết Hiền Quan, cũng ở Tam Nông, Phú Thọ trở thành một màn hỗn chiến kinh hoàng. Cả ngàn thanh niên trai tráng mình trần đánh nhau đến đổ máu và ngất xỉu chỉ để cướp cho được quả cầu với hy vọng được lộc đầu năm. Lễ hội Gióng - Sóc Sơn (Hà Nội), mùng 6 tháng Giêng âm lịch, người người lao vào cướp lộc, gậy tre vung lên vun vút…

Siết chặt công tác tổ chức

Là một trong những địa phương có nhiều lễ hội lớn về quy mô và sức lan tỏa, Hà Nội cũng đã có buổi làm việc riêng về nội dung này trong những ngày cuối năm. Trong cuộc họp này, một lần nữa hành vi cướp lộc bị biến tướng ở Hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) trong nhiều năm qua cũng đã được đưa ra bàn bạc, cân nhắc xem có nên bỏ. Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thì cướp lộc ở Hội Gióng đền Sóc là truyền thống, được ghi trong hồ sơ di sản thế giới nên không thể bỏ. Song kịch bản lễ hội sẽ được xây dựng chặt chẽ hơn. “Năm nay, chúng tôi sẽ huy động khoảng 200 thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo công tác an ninh, trật tự, đặc biệt là 2 đoàn rước trong ngày chính hội (mùng 6 tháng Giêng). Lực lượng bảo vệ đám rước, 2 đoàn tham gia rước được quán triệt không được sử dụng bạo lực để ngăn cản việc cướp lộc. Ban tổ chức sẽ nhờ hàng chục chiến sĩ cảnh sát tạo vòng vây bảo vệ đoàn rước, ông Lê Hữu Mạnh nói.

Hy vọng sẽ không còn cảnh hàng quán nhếch nhác, lộn xộn trước chốn cửa thiền Ảnh: Lã Anh

Ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng Nếp sống (Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh) cũng cho rằng, nếu đối chiếu các quy định của pháp luật, các nghị định, thông tư đã ban hành thì lễ hội chém heo ở Ném Thượng không hề vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy khẳng định địa phương tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía dư luận, hướng dẫn, vận động, điều chỉnh một số nội dung trong lễ hội chém heo, song khi trả lời câu hỏi năm nay Ném Thượng còn chém heo nữa hay không thì ông Nguyễn Hữu Hoa chỉ trả lời chung chung rằng: “Sẽ vận động nhân dân cố gắng chuyển vào chỗ hợp lý”.

Chia sẻ về công tác an ninh, ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử khu văn hóa Đền Trần (Nam Định) điểm nóng với nạn cướp lộc, giật lộc gây phản cảm thời gian qua cũng cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân và du khách thập phương giải pháp khắc phục trong lễ hội năm nay”.

Dưới con mắt của một nhà khoa học, GS-TS Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, giải pháp đẩy lùi vấn nạn chính là phải giữ được tính thiêng của lễ hội. Theo ông, khi  người đi trẩy hội có niềm thành kính hướng về tổ tiên thì sẽ tự giác kiểm soát hành vi ứng xử của mình và những người xung quanh. Nếu hướng về các bậc tiền nhân, thấy thiêng liêng đến với nơi cửa Phật, cửa đền thì con người sẽ sợ, không dám ngồi lên di tích, không dám ăn mặc hở hang, không dám “chặt chém” du khách và càng không dám lao vào “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” như tại một số lễ hội vừa qua.

Trong mùa hội 2016, Bộ VH-TT-DL ra văn bản siết lại các hoạt động tổ chức lễ hội, yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh, không thả tiền xuống ao, hồ, giếng, không cài tiền lên tay tượng Phật, không bày bán thịt tươi sống, thịt động vật hoang dã… Trong đó yêu cầu các địa phương không tổ chức các lễ hội với nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị… Văn bản cũng quy định không tổ chức những lễ hội có nội dung mê tín dị đoan, gây tác động xấu về nhận thức như cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép; lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, yểm bùa...

MAI AN

Tin cùng chuyên mục