Thanh Tâm: Tâm và sắc

Nhớ về thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương nửa thế kỷ trước, người mộ điệu khó quên những tên tuổi đoạt giải Thanh Tâm, một giải thưởng không thi thố mà do một hội đồng giám khảo xem diễn trong suốt năm để bình chọn. Giải được sáng lập và tổ chức bởi nhà báo Trần Tấn Quốc, bút danh Thanh Tâm.
Thanh Tâm: Tâm và sắc

Nhớ về thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương nửa thế kỷ trước, người mộ điệu khó quên những tên tuổi đoạt giải Thanh Tâm, một giải thưởng không thi thố mà do một hội đồng giám khảo xem diễn trong suốt năm để bình chọn. Giải được sáng lập và tổ chức bởi nhà báo Trần Tấn Quốc, bút danh Thanh Tâm.

Thanh sắc và đạo đức

Nhà báo Hoài Ngọc, thành viên ban tổ chức giải, kể lại trong cuốn Nghệ thuật cải lương - những trang sử về ba tiêu chuẩn chọn nghệ sĩ trao giải: thanh (làn hơi), sắc (sắc vóc) và đạo đức. Hoài Ngọc viết: “Dĩ nhiên nghệ sĩ muốn có được tương lai hứa hẹn thì phải có thanh và sắc, còn phần đạo đức, theo lời người sáng lập giải Thanh Tâm, là cốt ngăn chặn, kiềm chế phần nào nếp sống thác loạn, tai hại có thể xảy ra đối với nghệ sĩ”.

Trong chục năm tồn tại, giải Thanh Tâm trao cho các nghệ sĩ lúc còn rất trẻ và họ đều trở thành tấm gương cho thế hệ sau học hỏi. Không chấm qua thi thố với vài lần diễn, ban giám khảo xem tất cả vở diễn trong năm để chọn, nên nghệ sĩ phải phấn đấu suốt năm, hết năm này sang năm khác. Nghệ sĩ trẻ ra sức trau dồi nghề nghiệp, sống chuẩn mực để được vinh danh. Qua đó, tài- sắc- đức- nhân của người nghệ sĩ phát tiết tối đa.

Ông Trần Tấn Quốc (giữa) trong đêm trao giải đầu tiên, năm 1959 Nguồn: Ban Quản trị sankhaucailuong.com

Người nhận giải đầu tiên năm 1958 là Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga sinh năm 1942 ở tỉnh Tây Ninh, có “giọng ca rất tự nhiên” được mô tả: “Nó không mùi mẫn, cũng không sướt mướt khóc than. Thế mà khi cô ngân, cách rung ở làn hơi lại nghe buồn như tiếng khóc”. Thanh Nga còn có mái tóc dài óng ả, vóc dáng mảnh mai đài các, diễn xuất thần vai Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh cho đến cuối đời.
NSND Bạch Tuyết nhận giải Thanh Tâm hai lần, năm 1963 và 1965, có  “chất giọng thổ kim, trầm ấm ngân xa”. Bà tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh năm 1945 ở tỉnh An Giang, hồi nhỏ tính đi tu và 16 tuổi đã có pháp danh Diệu Lộc, nhưng duyên đưa đến cải lương. Soạn giả Năm Châu nhận xét: “Bạch Tuyết biết cách phát âm, ca rất truyền cảm và diễn xuất có chất liệu”. Cùng nhận giải Thanh Tâm năm 1963 với Bạch Tuyết có Diệp Lang, một điển hình được giải thưởng chắp cánh nghệ sĩ. Trước năm 1963, có thời gian ông bị “hư hơi”, giọng không còn trầm bổng, tính bỏ nghề nhưng thấy bạn bè được vinh danh với Thanh Tâm nên quyết tập luyện, năm trước nhận giải, năm tiếp theo nhận bằng danh dự “nghệ sĩ giữ phong độ tốt”.

Giải Thanh Tâm năm 1966 - nghệ sĩ Phượng Liên kể, lúc nhỏ bà xem cảnh nhận giải đã quyết phấn đấu và bà là nghệ sĩ được người hâm mộ khen ngợi có giọng ca rõ lời bậc nhất. Ngọc Hương giải Thanh Tâm năm 1962, sau năm 1975 làm chấn động màn ảnh nhỏ với Gánh cỏ sông Hàn. Thanh Tú giải Thanh Tâm 1963, chưa ai qua được tiếng ca Nhuận Điền trong vở Bên cầu dệt lụa. Ngọc Bích đoạt giải Thanh Tâm năm 1967, sau 1975 nổi tiếng với vai Jackly Hương trong vở Tìm lại cuộc đời. Các nghệ sĩ từng đoạt giải như Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Sang, Thanh Nguyệt, Phương Quang, Bảo Quốc… đều làm nghề bền bỉ.

Giải Thanh Tâm đã đạt được mục đích cao cả là phát hiện, khích lệ và nâng đỡ lớp nghệ sĩ trẻ phấn đấu, tiếp nối lớp nghệ sĩ lành nghề ngày càng lớn tuổi. Đồng thời, cổ vũ tinh thần yêu nghề kính nghiệp của các nghệ sĩ đương thời.

Sân khấu và đời thực

Bây giờ, bên dòng sông Cao Lãnh của TP Cao Lãnh, mấy vị ở Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp còn chỉ cho vị trí ngôi nhà xưa sinh ra Trần Tấn Quốc. Tuy nhiên, ngôi nhà đã được bán và cảnh cũ không còn, bà con họ hàng của ông cũng không ai biết nay sinh sống ở đâu. Nhưng TP Cao Lãnh đã có con đường mang tên Trần Tấn Quốc ở phường Mỹ Phú và cuộc đời ông thì nhiều người vẫn nhớ.

Ông Trần Tấn Quốc sinh ngày 25-9-1914, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Từ tiểu học, ông đã mơ ước làm nghề viết báo. Năm 1930, dân Cao Lãnh biểu tình chống chính quyền, ông Quốc tham gia và bị kết án 5 năm đày Côn Đảo. Ở tù 4 năm, ông được “phóng thích có điều kiện”, về quê phải trình diện hàng tuần. Nhằm lúc diễn ra lễ “14 Juillet”, kỷ niệm ngày dân chúng Pháp nổi dậy phá ngục Bastille trong cách mạng 1789, địa phương bày nhiều trò chơi lố bịch. Ông xem, “thấy buồn thấm thía vì bày ra nhiều trò vô ý thức, hạ thấp phẩm cách con người, làm tổn thương truyền thống oai hùng của dân tộc”, nên viết bài “Cảm nghĩ khi xem Lễ 14 Juillet tại Cao Lãnh” đăng nhật báo ở Sài Gòn. Quận trưởng lập tức buộc ông phải trình diện hàng ngày nên ông trốn lên Sài Gòn.

May mắn ông gặp được vị giáo sư tư thục dạy Pháp văn Đinh Nho Hàng, giáo sư đã nuôi ông và cho học tiếng Pháp. Ông được nhận làm phóng viên nhật báo Việt Nam từ tháng 6-1936. Khởi đầu, ông đạp xe đi săn tin vặt ở sở cảnh sát. Dần dần, ông cộng tác với nhiều báo, viết nhiều đề tài nhưng nổi bật là về nghệ thuật cải lương mà ông mê từ nhỏ. Năm 1950, ông được ông Phan Văn Thiết cùng quê Cao Lãnh nhường cho tờ Tiếng Dội, liền mở trang kịch trường, mỗi tuần hai kỳ. Làm chủ nhiệm kiêm chủ bút nhưng ông đích thân lo trang này. Có người ham cải lương hỏi sao không ra chuyên trang hàng ngày, ông trả lời: “Mỗi tuần hai ngày mà tôi còn muốn điên cái đầu đây rồi, nếu làm suốt tuần chắc tôi phải vô Chợ Quán hay lên Biên Hòa”.

Ông Quốc tâm sự trên báo chí đương thời, trang kịch trường của ông muốn nối liền sân khấu và đời thực. Những trang báo phản ánh không khí sôi động của sân khấu cải lương bằng tiếng nói đồng cảm, sẻ chia với đời nghệ sĩ, đấu tranh giành quyền lợi cho nghệ sĩ, lên án việc bầu gánh ăn chặn, vắt kiệt sức. Được tiếp sức, cải lương phát triển rực rỡ, cải tiến không ngừng cả kịch bản lẫn trang trí sân khấu. Những cải tiến lôi cuốn như vở Cây quạt lụa hồng, đào Ngọc Hương vai Công chúa Huyền Trân bước ra sân khấu thì ánh đèn rọi theo và hai chai dầu thơm được đổ vào hai chiếc máy lạnh, tỏa hương ngào ngạt, khán giả vỗ tay “thiếu điều bể rạp”.

Năm 1954, tờ Tiếng Dội đình bản, ông Trần Tấn Quốc tiếp tục làm chủ bút nhiều tờ báo khác, vẫn duy trì trang kịch trường. Năm 1958, ông bỏ tiền túi lập giải thưởng cải lương cho nghệ sĩ từ 13 đến 21 tuổi, lấy tên theo bút danh Thanh Tâm. Năm đầu chỉ chọn được một nghệ sĩ để trao giải, mấy năm sau chọn hai nghệ sĩ (nam và nữ) và sau nữa chọn nhiều hơn vì nhiều người xứng đáng. Còn trao bằng danh dự cho nghệ sĩ trẻ có triển vọng. Từ năm 1965, thêm “Nghệ sĩ xuất sắc” (không hạn tuổi) và “Tuồng hay nhất trong năm”.

Năm 1968, chiến sự ác liệt, lệnh giới nghiêm ban đêm thì giải Thanh Tâm chấm dứt. Ông qua đời tại quê hương ngày 28-4-1987, và nay không chỉ ở quê hương mà tại TPHCM cũng có con đường mang tên Trần Tấn Quốc.

SÁU NGHỆ

Tin cùng chuyên mục