Gần 400 người lao động VN bị chết tại Malaysia: Cái giá của việc ồ ạt đưa lao động đi mà không kiểm soát chất lượng

Thị trường xuất khẩu lao động Malaysia đang nổi lên một sự thật đáng rùng mình, đó là con số lao động chết tại đây (vì nhiều nguyên nhân) rất cao. Vấn đề này đã được báo chí đề cập trong thời gian gần đây và thu hút sự quan tâm rộng rãi của công luận. Chiều qua 4-3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thanh Hòa đã chủ trì cuộc họp báo về vấn đề này.

6 ngày có 1 lao động tử vong

Từ tháng 4-2002, Việt Nam chính thức khai phá thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Malaysia và đến nay đã có khoảng 150.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại đây. Hiện tại, có khoảng 120.000 lao động đang làm việc tại đất nước này. Thị trường lao động này từ trước đến nay vốn được coi là thị trường XKLĐ dễ tính vì cần nhiều lao động ở nhiều ngành nghề, nhiều lao động phổ thông. Chính vì vậy, hầu hết NLĐ đi làm việc tại thị trường này đều là lao động phổ thông, ở nông thôn, trình độ tay nghề thấp.

Tuy nhiên, cùng với việc khoảng 1-2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp XKLĐ gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển lao động đi Malaysia, thì vấn đề có nhiều lao động tại Malaysia bị chết, trong đó có lý do đột tử đang khiến dư luận hết sức lo ngại. Năm 2005, báo chí đã từng đề cập vấn đề này và đến nay, sau hơn 2 năm, vấn đề lại được khơi lại.

Theo con số mà ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài đưa ra hôm 4-3, năm 2005 có 0,13% nguời chết (khoảng 100 người chết/70.000 lao động), năm 2007 tỷ lệ chết là 0,09% (107 người chết/120.000 lao động). Theo một con số thống kê chính thức, từ năm 2004 đến nay đã có gần 400 NLĐ bị chết tại Malaysia, trung bình cứ 6 ngày có 1 người tử vong.

Ông Quỳnh thừa nhận, đây là những con số cao bất bình thường khi so sánh với các thị trường XKLĐ khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo thống kê, 1/3 trong số các lao động bị chết được xếp vào diện đột tử. Đây là một dạng biến chứng của các căn bệnh liên quan đến tim mạch, hô hấp. Mặt khác, nhiều lao động sinh hoạt không điều độ, uống rượu nhiều, làm việc quá sức và ăn uống không tốt cũng là những nguyên nhân dẫn đến chết người.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, năm 2005, khi nhận thấy tỷ lệ lao động chết bất thường ở Malaysia, liên bộ Y tế và LĐ-TB và XH đã cử đoàn cán bộ sang tận nơi để tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình. “Thời tiết cơ bản giống Việt Nam. Điều kiện làm việc, ăn uống, sinh hoạt tương đương Việt Nam”, đó là kết luận sơ bộ của liên bộ lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hòa thừa nhận, lúc đó vấn đề khám sức khỏe qua loa cho NLĐ sang làm việc tại Malaysia (gần như tất cả các trung tâm y tế quận huyện đều được phép khám) đã được chỉ ra như một nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ chết cao của NLĐ, trong đó có việc đột tử. Sau đó, năm 2005, để khắc phục tình trạng này, liên Bộ Y tế, LĐ-TBXH đã ban hành thông tư quy định về việc khám sức khỏe cho NLĐ, trong đó chỉ rõ các bệnh viện được quyền khám. Và theo ông Hòa, so sánh tỷ lệ chết của năm 2005 và năm 2007 (sau khi thông tư này có hiệu lực), tỷ lệ chết của NLĐ tại thị trường này đã giảm từ 0,13% xuống còn 0,09%.

Thị trường lao động Malaysia bị bỏ ngỏ?

Một vấn đề gây bức xúc hiện nay là NLĐ khi bị tử vong không nhận được đền bù thỏa đáng. Về nguyên tắc, NLĐ khi làm việc tại nước ngoài đều được tham gia nhiều loại hình bảo hiểm. đối với thị trường Malaysia, NLĐ hợp pháp tử vong do tai nạn lao động sẽ được Chính phủ Malaysia bồi thường khoảng 23.000 ringgit (70-80 triệu đồng).

Tuy nhiên, theo phản ánh, với gần 400 trường hợp lao động Việt Nam chết tại Malaysia, đến nay chỉ có khoảng vài chục trường hợp được nhận khoản tiền này. Đa số gia đình họ chỉ nhận được khoảng 20 - 30 triệu đồng từ hỗ trợ của doanh nghiệp đưa đi, và mức hỗ trợ này là tùy tâm, không có quy định cụ thể.

Nhưng ông Hoà lại khẳng định, tất cả các trường hợp là NLĐ hợp pháp tử vong đều được cơ quan chức năng đứng ra lo thủ tục và nhận được số tiền bồi thường trên. Trong nhiều trường hợp chưa nhận được, là do thời gian giải quyết còn kéo dài, có khi phải mất từ 3 tháng đến 1 năm mới xong. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/người (tuy nhiên hiện nay quỹ này vẫn chưa được triển khai).

Dù nói gì đi nữa, việc nhiều NLĐ phải bỏ mình ở mảnh đất xa xôi là bài học đau xót của cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp XKLĐ và những ai có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài mà chưa thực sự hiểu biết để tự bảo vệ mình. Vấn đề đặt ra là, cần phải coi đó là bài học đắt giá, là cái giá mà chúng ta phải trả quá đắt cho việc ồ ạt đưa NLĐ sang làm việc tại Malaysia mà không kiểm soát chặt chẽ chất lượng lao động đưa đi, chưa có cách để trao cho NLĐ những kỹ năng cần thiết về kỷ luật lao động, về cách tự bảo vệ mình cũng như cách làm thế nào để liên hệ với cơ quan chức năng khi gặp nguy hiểm. 

PHAN THẢO 

Vụ gần 200 lao động Việt Nam ở Jordan kêu cứu
85/261 người đã đi làm

Liên quan đến thông tin khoảng 200 lao động Việt Nam kêu cứu tại Jordan (SGGP đã đưa tin), ngày 4-3, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho biết: Tính đến thời điểm này, theo báo cáo của tham tán sứ quán Việt Nam tại Cairo Trần Việt Tú (được cử sang Jordan giải quyết vụ việc) thì trong số 261 lao động tại Jordan, còn 176 người đình công, 85 người đã đi làm. Qua quá trình làm việc với 176 lao động đình công, họ thừa nhận là đã ném quần áo, vật dụng cá nhân của nhóm lao động không đình công (vẫn đi làm) vào toilet. Hiện có 1 người bị sốt đã có bác sĩ đến tận nhà máy điều trị; một người bị đau bụng. Ông Tú cũng thừa nhận có một số người có biểu hiện bị thâm tím thân thể, có khả năng do xô xát với cảnh sát.

Ông Nguyễn Thanh Hòa nhận định, tình hình phức tạp chủ yếu do 176 lao động này trong đó có một số lao động rất cực đoan, kích động, xúi giục lao động khác đình công. Nguyên nhân đình công là do các lao động đã hiểu không đúng về cách tính lương của phía bạn. Theo hợp đồng, 3 tháng đầu tiên NLĐ được tính lương công nhật, từ tháng thứ tư trở đi tính lương theo sản phẩm. Vì năng suất lao động của một số người không cao nên lương bị giảm đi, vì vậy họ đã đình công, và lôi kéo một số khác đình công dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 nhóm đều là lao động người Việt Nam. Cũng theo ông Hòa, hiện chưa có đủ thông tin để khẳng định việc cảnh sát có đánh NLĐ Việt Nam hay không. Quan điểm của Việt Nam là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thể xác định nguyên nhân, trách nhiệm của vụ việc này, kết luận cuối cùng chỉ được đưa ra sau một thời gian nữa, khi cơ quan chức năng kết thúc cuộc điều tra. Hiện tại, những lao động nào có nhu cầu ở lại làm việc sẽ tiếp tục làm việc (vì phía bạn rất cần lao động); còn những ai muốn về nước sẽ được tạo điều kiện đưa về. Những ai có hành vi xúi giục, kích động đình công sẽ bị xử lý.

Q.PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục