Nhà tình thương xuống cấp

Không ít căn nhà tình thương ở Cần Giờ, TPHCM bằng lá dừa đã rách nát tứ bề. Nếu không có tấm biển xanh thì không ai nghĩ rằng đó là nhà tình thương. Nhiều người dân đặt câu hỏi: “Tặng chi cái lều khó coi vậy”?
Nhà tình thương xuống cấp

Không ít căn nhà tình thương ở Cần Giờ, TPHCM bằng lá dừa đã rách nát tứ bề. Nếu không có tấm biển xanh thì không ai nghĩ rằng đó là nhà tình thương. Nhiều người dân đặt câu hỏi: “Tặng chi cái lều khó coi vậy”?

Rách nát

Trên con đường xuyên ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), căn nhà bằng lá dừa, mái tôn của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (41 tuổi) đã xuống cấp trầm trọng. Nhà nền đất, mặt tiền nhà được ghép bằng gỗ, 3 mặt còn lại của căn nhà được dựng bằng lá dừa. Bên trong, căn nhà trống rỗng, ánh mặt trời xuyên qua từng mảng tường lá rách. 2/3 chiều cao từ dưới lên của bên tường bằng lá dừa đã móp lại, chủ nhà phải vá bằng cả chục tấm bìa các tông.

Bà Khổng Thị Lãm (mẹ chị Hằng) cho biết: “Cách đây khoảng chục năm, gia đình chị Hằng được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Bộ đội Biên phòng hỗ trợ xây nhà. Hồi đó hai đơn vị không cho tiền mà cho vật liệu, cột, gỗ và mái tôn, gia đình lấy lá dừa dựng thành căn nhà. Giờ nhà rách nát, mưa nắng, gió bão đều khổ”. Chị Nguyễn Thị Hằng có hoàn cảnh khó khăn, con lớn 16 tuổi đã sớm nghỉ học, con nhỏ mới 6 tuổi. Gia đình chị có mấy công muối, chỉ làm muối được trong 6 tháng nhưng phải căn cơ cho chi dùng cả năm. Năm nay giá muối xuống thấp, bằng 1/3 so với mọi năm nên “muốn lột lá ra lợp lại mà đâu có tiền”. “Gia đình đã trình bày với ấp, cũng có đoàn xuống khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thấy hỗ trợ xây, sửa gì”, chị Hằng cho hay.

Nhiều căn nhà tình thương ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM được làm tạm bợ, rách nát

Cũng ở ấp Thiềng Liềng, một căn nhà tình thương khác còn “độc đáo” hơn: duy chỉ có cửa sổ chớp bằng gỗ sơn xanh, còn cả căn nhà được dựng bằng lá. Ngôi nhà lá giờ đã bạc phếch, xộc xệch. Bà Phan Thị Liễu (76 tuổi), chủ căn nhà trên cho biết, bà nhượng lại căn nhà này của chủ trước. Căn nhà tình thương này tuy không cấp cho bà nhưng bà ở nhiều năm nay, hơn nữa gia đình hiện nay cũng khó khăn. Chồng bà Liễu là ông Trương Văn Diêm đã 78 tuổi, đau yếu thường xuyên nên ông bà không có khả năng xây sửa nhà.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, những căn nhà trên đều đã được hỗ trợ xây dựng từ lâu, cách đây cả chục năm. Lúc đó, kinh phí hỗ trợ làm nhà tình thương rất thấp, có khi chỉ 5 - 7,5 triệu đồng/căn. Trong khi đó, xã đảo xa xôi, cách đất liền gần 1 giờ đi đò, việc vận chuyển vật liệu khó khăn và chi phí đắt đỏ. “Hơn nữa, đặc thù người dân ở đây làm muối, họ không ở nhà thường xuyên nên nhà càng nhanh xuống cấp”, ông Tuấn giải thích.

Chưa căn nhà tình thương nào được xây lần 2

Trên địa bàn TPHCM, việc xây nhà tình thương được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết 15 năm qua, TP đã trao tặng 24.771 căn nhà tình thương và sửa chữa chống dột 13.380 căn, với tổng kinh phí gần 404 tỷ đồng. Mức hỗ trợ nhà tình thương hiện nay là 40 triệu đồng/căn, riêng huyện Nhà Bè, Cần Giờ là 50 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, mức hỗ trợ trong những năm đầu 2000 rất thấp, chỉ 8 triệu đồng/căn.

Về những căn nhà tình thương đã cả chục năm tuổi, đang xuống cấp trầm trọng cần được xây lại (lần 2) hoặc sửa chữa, bà Triệu Lệ Khánh cho biết, 15 năm qua, TP chưa hỗ trợ xây dựng lại căn nhà tình thương (lần 2) nào. Theo bà Khánh, đến nay nhu cầu về hỗ trợ xây dựng nhà tình thương (mới) vẫn còn, vì vậy Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - Ban vận động Vì người nghèo các cấp ưu tiên trước cho những trường hợp chưa được hỗ trợ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn giãi bày, địa phương chưa thấy hướng giải quyết nhà tình thương xuống cấp. Bởi nếu đã được cấp nhà tình thương rồi thì rất khó được cấp nhà tình thương lại, không có chuyện một gia đình được cấp nhà 2 lần. Còn muốn phá nhà tình thương thì phải đợi hết thời gian sử dụng - hết vòng đời của căn nhà đó (khoảng 15 - 20 năm). “Giờ đập cái cũ xây cái mới, vậy cái biển nhà tình thương cũ (do mạnh thường quân trước tặng) có thể bỏ được không, khi vòng đời của căn nhà chưa hết? Cũng không thể nào vận động mạnh thường quân mới hỗ trợ rồi một căn nhà mà treo hai bên 2 biển nhà tình thương; nếu 2 đơn vị mạnh thường quân họ hợp tác để chung tên trên 1 tấm biển thì được”, ông Tuấn chia sẻ.

Trước mắt, xã Thạnh An đang lập danh sách tất cả những nhà tình thương xuống cấp và đề xuất Đồn Biên phòng Thạnh An báo cáo Biên phòng TP, thay vì vận động hỗ trợ nhà tình thương mới cho người dân khác, thì có thể hỗ trợ xây lại (lần 2) nhà tình thương cho những căn đã hơn 10 tuổi. Trong trường hợp phải đợi hết vòng đời của căn nhà, chưa xây dựng lại được, thì nhờ Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Biên phòng TP liên hệ lại với các đơn vị mạnh thường quân trước kia tặng nhà, vận động họ đến khảo sát lại, hỗ trợ một phần kinh phí giúp dân sửa chữa.

Bà Triệu Lệ Khánh cho hay, trước tình trạng này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đang hướng dẫn các quận, huyện phối hợp rà soát và nắm bắt nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn mới), trong đó có khảo sát việc hỗ trợ xây dựng nhà tình thương và sửa chữa chống dột. Nếu qua khảo sát đợt này, nhận thấy có những trường hợp nhà tình thương được xây dựng đã xuống cấp và thực tế hộ dân vẫn còn khó khăn không có khả năng để sửa chữa, xây dựng lại, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - Ban vận động Vì người nghèo các cấp sẽ xem xét và có kế hoạch hỗ trợ.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục