Những căn bệnh thời hiện đại

Bài 2:Thiếu và mất ngủ - xã hội “gà gật”

Để có giấc ngủ ngon, bạn đọc có thể tham khảo một số lời khuyên của các chuyên gia:
Bài 2:Thiếu và mất ngủ - xã hội “gà gật”

Cách đây 100 năm, con người ngủ khoảng 9 tiếng/ngày. Ngày nay, trung bình mỗi người chỉ vùi đầu vào gối ngủ từ 6-7 tiếng/ngày. Là một phần tất yếu của cuộc sống, tuy nhiên, trong thế giới hiện đại trọng năng suất và sự năng động, giấc ngủ đang bị cắt xén một cách phũ phàng, không thương tiếc.

Điều kỳ diệu của giấc ngủ

Bài 2:Thiếu và mất ngủ - xã hội “gà gật” ảnh 1
Thiếu ngủ ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất lao động

Hầu như ai cũng biết giai thoại về nhà cơ học thiên tài người Hy Lạp Archimede. Một hôm, khi đang lan man trong giấc ngủ trong bồn tắm, bỗng Archimede nhảy dựng và kêu lên “Eureka, Eureka!”. Khám phá của ông về định luật về đòn bẩy đã làm đảo lộn lịch sử khoa học.

Một thiên tài khác, Isaac Newton, cũng đang mơ màng dưới cây táo thì bỗng nhiên một quả táo rơi vào đầu. Sau đó, Newton tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn. Điểm chung của hai phát minh vĩ đại trên là “cha đẻ” của chúng đều đang thiu thiu trong giấc ngủ. Hai ví dụ này cho thấy giấc ngủ không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng sáng tạo.

Theo các nhà khoa học, ngủ đủ và có chất lượng sẽ giúp con người phục hồi sức khỏe và tâm lý. Giấc ngủ đảm bảo cho bộ máy cơ thể hoạt động tốt, cho phép hệ thống não và cơ thể phục hồi. Thời gian lý tưởng cho giấc ngủ tùy thuộc vào từng người nhưng trung bình là khoảng 8 tiếng 15 phút vào ban đêm. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, nhiều khi giấc ngủ lại bị coi nhẹ. Ở nhiều quốc gia, giấc ngủ bị coi là sự lãng phí thời gian và là biểu hiện của sự lười biếng nên nó bị cắt xén thậm tệ. Ví như tại Mỹ, thời gian ngủ trung bình đã giảm còn dưới 6 tiếng/ngày.Tại Pháp, theo Viện Quốc gia phòng ngừa và giáo dục sức khỏe (INPES), có 45% người Pháp tuổi từ 25 - 45 than phiền là thiếu ngủ. Những người này chỉ ngủ khoảng 5 giờ 48 phút/đêm, so với trung bình là 7 giờ/đêm.

Cái giá của sự thiếu ngủ

Thiếu và mất ngủ tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Các nhà khoa học đã xác định được rằng thiếu ngủ trong thời gian dài gây những ảnh hưởng về thần kinh cũng như hành vi ứng xử, như thiếu tập trung, giảm trí nhớ, giảm độ chính xác trong sự kết hợp tay - mắt, tính khí thất thường... Thường xuyên thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thậm chí dẫn tới nguy cơ tử vong.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Chicago (Mỹ), thiếu ngủ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Sở dĩ như vậy là vì tình trạng gián đoạn giấc ngủ khiến cơ thể không sản xuất đủ insulin cần thiết cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, khiến lượng đường trong máu gia tăng. Thiếu ngủ cũng khiến con người trở nên già trước tuổi: Một thanh niên 20 tuổi chỉ ngủ 4 tiếng/ngày trong 6 đêm liên tiếp sẽ có trạng thái sinh lý giống như một người đang ở tuổi… 60!

Riêng đối với trẻ em, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng thiếu ngủ gây ra những rối loạn ở vùng não có chức năng hình thành trí nhớ, khiến những trẻ có thói quen đi ngủ muộn thường không tỉnh táo khi học tập. Còn nghiên cứu của Viện Tâm thần học miền Tây ở Pittsburgh (Mỹ) cho kết quả ngủ ít hoặc không dành đủ thời gian cho giấc ngủ có liên quan đến sự tăng cân ở trẻ em và trẻ vị thành niên.

Các nhà nghiên cứu cho rằng ngủ ít hơn một giờ so với tổng thời gian ngủ làm tăng gấp đôi nguy cơ bị béo phì và nguy cơ béo phì sẽ tăng gấp ba nếu thời gian ngủ cứ giảm đi 1 giờ. Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Trường Đại học Tự do Brussels (Bỉ) cho kết quả trẻ em dưới 13 tuổi không được ngủ đủ giấc sẽ có những thay đổi về tính cách. Trẻ thiếu ngủ sẽ có những biểu hiện tiêu cực như dễ cáu giận hoặc nghịch ngợm quá mức, thậm chí là bị trầm uất, dẫn tới sức học và sức khỏe giảm sút.

Về kinh tế, sự thiếu ngủ cũng gây tác động tiêu cực. Thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn tới tình trạng nhiều người lao động xin nghỉ làm, năng suất lao động giảm, khả năng tập trung kém làm gia tăng tai nạn lao động và tai nạn giao thông… Ở Mỹ, mỗi năm chính phủ phải bỏ ra khoảng 100 tỷ USD, trong đó phân nửa là để dành cho việc giải quyết các tai nạn liên quan tới rối loạn giấc ngủ.

Quyền được ngủ trưa

Trong xã hội hiện đại, có quá nhiều lý do khiến người ta mất ngủ và thiếu ngủ. Các nhà máy chia 24 giờ vàng ngọc mỗi ngày thành 3 ca, không để máy móc và người lao động nghỉ ngơi. Các dịch vụ tốt nhất của thời hiện đại cũng phải đáp ứng nhu cầu của con người 24/24 giờ. Con người cũng ngày càng phải chịu sức ép lớn từ công việc và học tập. Bên cạnh đó, các kỹ thuật công nghệ mới xuất hiện, các hình thức giải trí ngày càng đa dạng và phổ biến làm đảo lộn nhịp sống bình thường. Các loại chất kích thích không có lợi cho giấc ngủ như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… trở thành gia vị không thể thiếu của trong đời sống hiện đại.

Nhưng như đã nói trên, thiếu và mất ngủ ảnh hưởng xấu tới công việc và học tập. Vì thế, ở Nhật Bản, không phải ngẫu nhiên mà các ông chủ lại “quan tâm” một cách bất thường đến giấc ngủ trưa của nhân viên. Dù nhân viên có muốn hay không, các ông chủ ở Nhật Bản vẫn bắt họ phải “nhắm mắt đếm cừu”. Quyền được ngủ trưa cũng được ghi trong Hiến pháp của Trung Quốc. Còn tại Pháp, năm 2007, chính phủ nước này chi 7 triệu euro nhằm giáo dục cho học sinh biết về lợi ích của giấc ngủ, truyền thông cho dân chúng, đào tạo bác sĩ chuyên lo về điều chỉnh giấc ngủ cho người mất ngủ, mở rộng các trung tâm chăm sóc đặc biệt cho giấc ngủ...

Để có giấc ngủ ngon, bạn đọc có thể tham khảo một số lời khuyên của các chuyên gia:

- Tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định.
- Dành đủ 7 tiếng vàng ngọc/ngày để ngủ.
- Trong khoảng thời gian từ 4 - 6 tiếng trước khi ngủ, không uống cà phê, ăn thức ăn cay, khó tiêu, rượu và các loại dược phẩm gây khó ngủ.
- Hình thành một thói quen trước giờ đi ngủ để thư giãn thoải mái trước khi chìm vào giấc ngủ.
- Tắt ánh sáng hay tiếng ồn gây sao nhãng.
- Chỉ nên sử dụng giường làm nơi ngủ hoặc sinh hoạt tình dục (không xem TV, đọc sách báo hay ăn trên giường).
- Tập thể dục thường xuyên nhưng không nên tập ngay trước khi đi ngủ.

Hà Vy (tổng hợp)
(SGGP 12G)

Bài liên quan:

- Bài 1: Béo phì - Thế giới trở nên chật chội
- Bài 3: Stress từ công việc - gánh nặng của thời đại

Tin cùng chuyên mục