Những căn bệnh thời hiện đại

Bài 1: Béo phì - Thế giới trở nên chật chội

Bài 1: Béo phì - Thế giới trở nên chật chội

(SGGP 12G).- Khi đi các phương tiện giao thông công cộng, nhiều hành khách thường buộc tội các nhà kinh doanh vì lợi nhuận mà quên đi lợi ích của các “thượng đế”, bắt họ phải ngồi trên những chiếc ghế chật hẹp. Nhưng thực ra, kích cỡ của những chiếc ghế không hề thay đổi, chỉ có ngày càng nhiều hành khách trở nên quá cỡ mà thôi...

Khi cái bất thường trở thành bình thường

Bài 1: Béo phì - Thế giới trở nên chật chội ảnh 1

Ngày càng có nhiều người thừa cân và béo phì

Quả thực, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước đang phát triển, cứ ra đường là “đụng” phải người béo phì. Những chiếc ghế trong công viên cũng trở nên chật hẹp khi hai người béo phì chia sẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có ít nhất 400 triệu người trưởng thành trên thế giới bị béo phì. WHO dự đoán vào năm 2015, thế giới sẽ có 2,3 tỷ người trưởng thành thừa cân và hơn 700 triệu người béo phì. Ở châu Âu, hiện có 27% đàn ông và 38% phụ nữ được xếp vào diện béo phì.

Tỷ lệ người béo phì ở nhiều nước châu Âu lên tới 50% và cứ 5 trẻ thì có 1 em béo phì. Tại Trung Quốc, theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Bắc California (Mỹ), tỷ lệ thừa cân và người lớn béo phì cũng lên tới 30%. Về phần mình, Mexico đã trở thành quốc gia có tỷ lệ phụ nữ béo phì cao nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ: số phụ nữ ở nước này trên 20 tuổi bị béo phì là 34,5%, nam giới là 24,2%.

Điều đáng nói là ở nhiều quốc gia, cái “sự béo” đã trở nên quá đỗi bình thường bởi nó hiện hữu hằng ngày trong cuộc sống. Tại Mỹ, quốc gia có tới 66% người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì, không còn nhiều người quan tâm tới hình ảnh bề ngoài của mình nữa.

Nếu như năm 1985, có đến 55% người Mỹ “hoàn toàn đồng tình” với khẳng định rằng “những người không bị thừa cân có bề ngoài hấp dẫn hơn nhiều”; hiện chỉ có 25% người Mỹ nghĩ như vậy. Nhận thức thế nào, hành động thế đó: Nếu như năm 1990, có 39% phụ nữ và 29% nam giới Mỹ thực hiện chế độ ăn kiêng thì nay tỷ lệ này đã giảm còn lần lượt là 28% và 16%.

Những hệ lụy to lớn

Dù thế nào đi nữa, béo phì vẫn là một bệnh. Những người bị béo phì phải chịu nhiều nguy cơ khác nhau cả về khía cạnh sức khỏe, tâm lý và xã hội. Về sức khỏe, các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm khớp, giảm tuổi thọ, một số loại ung thư (ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng), rối loạn thông khí phổi, rối loạn nội tiết ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới...

Hiệp hội Gan của Mỹ (ALF) cảnh báo những trẻ vị thành niên quá cân, béo phì có nguy cơ cao bị hỏng gan do cơ quan nội tạng này bị nhiễm quá nhiều mỡ. Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia tại Trường Đại học Y tế cộng đồng quốc tế John Hopkins Bloomberg (Mỹ) cho kết quả những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (bệnh suy giảm trí nhớ) và bệnh tim mạch cao hơn những người không mắc bệnh này tới 80%... Số tiền mà thế giới phải bỏ ra để chăm sóc các bệnh liên quan đến béo phì cũng không hề nhỏ.

Về tâm lý và xã hội, theo Cơ quan giám sát phân biệt đối xử của Pháp, những người béo phì thường phải chịu nỗi đau về tâm lý và có xu hướng sống khép mình. Khi tới các trung tâm y tế, nhiều người béo phì không có đồng phục bệnh viện vì không có đồ hợp với kích cỡ của họ. Việc di chuyển đối với các bệnh nhân là người béo phì cũng rất khó khăn do các loại băng ca hay xe cứu thương quá chật hẹp…

Trong lĩnh vực nghề nghiệp, người bị bệnh béo phì có ít hơn 3 lần so với người được gọi là “bình thường” cơ hội được tuyển vào một vị trí trong lĩnh vực thương mại. Họ phải lựa chọn những công việc không coi trọng hình dáng bên ngoài, như lĩnh vực y tế và hoạt động xã hội (22%) và hành chính công (13%). Chỉ có khoảng từ 2% - 3% chỗ làm trong các bệnh viện hoặc các phòng dịch vụ của các doanh nghiệp dành cho người béo phì.

Chuyện không của riêng ai

Béo phì là tình trạng thừa cân do tăng khối lượng mỡ trong cơ thể. Số người béo phì ngày càng tăng chủ yếu xuất phát từ thói quen ăn uống và sự lười biếng vận động. Để hạn chế sự gia tăng người béo phì, Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc gắn cảnh báo lên đồ ăn nhanh và các loại snack có thể gây béo phì giống như cảnh báo trên thuốc lá. Theo kế hoạch này, các hãng sản xuất sẽ phải dùng các chỉ thị màu (đỏ - tác hại nhất, vàng - tác hại trung bình, xanh - an toàn) để ghi rõ lượng calorie, mỡ, đường… trong thực phẩm.

Ủy ban châu Âu (EC) lại thực hiện chương trình trị giá 90 triệu euro/năm cung cấp trái cây miễn phí cho các trường học tại 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu từ năm học 2009 - 2010. Với chương trình này, EC mong muốn lớp trẻ sẽ quan tâm hơn đến sức khỏe, ăn uống dinh dưỡng hơn; đồng thời thay đổi dần thói quen ăn uống, giảm béo cho các thế hệ công dân tương lai của châu Âu.

Tại Pháp, các nhà lập pháp đang có kế hoạch thông qua một dự luật cho phép tăng thuế giá trị gia tăng (TVA) từ 5,5% - 19,6% đối với các loại thực phẩm quá béo, quá ngọt hoặc quá mặn nhằm chống bệnh béo phì (hiện chiếm từ 7% - 8% chi phí chăm sóc sóc khỏe của Pháp).

Để trẻ không bị mặc cảm hoặc bị bạn bè chê bai, Chính phủ Anh quyết định từ tháng 9-2008, Cơ quan Kiểm tra sức khỏe của Anh sẽ không được dùng từ “béo phì” trong các báo cáo sức khỏe của trẻ dưới 12 tuổi gửi cho phụ huynh. Thay vào đó, Bộ Y tế Anh đề nghị diễn tả tình trạng thể trọng của trẻ bằng các từ “thiếu cân”, “đủ cân”, “thừa cân” và “rất thừa cân”.

Còn đối với từng cá nhân, các nhà khoa học khuyến khích mọi người bên cạnh một chế độ ăn hợp lý, nên dành thời gian từ 3 - 4 tiếng để tập thể dục một cách nhẹ nhàng và điều độ như đi bộ nhanh, lau nhà hay làm vườn, dùng cầu thang bộ thay cho thang máy…

Hà Vy (tổng hợp)

Bài 2: Thiếu và mất ngủ - xã hội “gà gật”
Bài 3: Stress từ công việc - gánh nặng của thời đại

Tin cùng chuyên mục