Những căn bệnh thời hiện đại

Bài 3: Stress từ công việc - gánh nặng của thời đại
Những căn bệnh thời hiện đại

Bài 3: Stress từ công việc - gánh nặng của thời đại

Stress hiện đã trở thành vấn đề của toàn cầu. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuật ngữ “stress” để chỉ tình trạng “căng thẳng”. Trong thế giới hiện đại, stress đã trở thành nỗi ám ảnh nhưng không phải là không có thuốc chữa.

Sức ép từ công việc

Khi tình trạng stress kéo dài, sức khỏe của người lao động sẽ bị tác động tiêu cực. Theo Hội Cải thiện điều kiện lao động châu Âu, khoảng 20% người lao động ở lục địa này than phiền rằng sức khỏe của họ bị tác động bởi các vấn đề liên quan đến stress trong công việc. Với tỷ lệ trên, stress đã trở thành một trong những vấn đề sức khỏe gắn với lao động nghiêm trọng hàng đầu, sau các chứng bệnh đau lưng, rối loạn cơ xương (TMS) và mỏi mệt.

Những căn bệnh thời hiện đại ảnh 1
Stress trong công việc đang trở thành căn bệnh mới của thế kỷ

Các nghiên cứu khoa học cho thấy stress từ công việc khiến con người bị suy kiệt và có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh: ung thư, bệnh phổi, cúm, rối loạn tiêu hóa, huyết áp cao, tiểu đường; làm trầm trọng thêm các bệnh lý như loét dạ dày, tá tràng, suyễn, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục, rối loạn cơ xương; làm gia tăng tai nạn lao động...

Theo một nghiên cứu tại Anh đăng trên tạp chí European Heart mới đây, những người lao động dưới 50 tuổi bị stress công việc có khả năng mắc bệnh tim mạch vành (CHD) cao hơn những đồng nghiệp không bị stress gần 70%. Các nhà khoa học giải thích rằng stress xuất hiện làm phá vỡ phần hệ thống thần kinh điều khiển hoạt động của tim và kiểm soát nhịp tim. Bên cạnh đó, những người bị stress thường ít tập thể dục hoặc ăn đủ lượng rau quả tươi cần thiết cho việc ngăn ngừa bệnh tim.

Riêng đối với phụ nữ, theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y học và vệ sinh nhiệt đới London,  làm những công việc chịu nhiều sức ép có nguy cơ bị bệnh ung thư vú nhiều hơn 30% so với những người làm việc nhẹ nhàng. Sở dĩ như vậy là do stress làm gia tăng lượng hoóc môn oestrogen - làm tăng khả năng ung thư vú. Ngoài ra, stress cũng làm suy yếu hệ miễn dịch và làm thay đổi hành vi của phụ nữ (khiến họ có những thói quen không tốt cho  như hút thuốc và ít luyện tập). Một số nghiên cứu khác còn cho thấy stress công việc sẽ dẫn đến mãn kinh sớm, làm tăng sẩy thai ở phụ nữ mang thai, góp phần phát triển căn bệnh ung thư cổ tử cung…

Đáng chú ý, tại Nhật, những người ở độ tuổi 30 - 40 rất dễ bị stress do phải làm việc nhiều giờ hoặc do các mối quan hệ riêng tư tại nơi làm. Theo báo cáo của Bộ Y tế Nhật, năm 2007, có ít nhất 268 người mắc các bệnh về tâm thần như trầm cảm do liên quan tới công việc. Đặc biệt, có 81 người đã tự tử hoặc định tự tử vì căng thẳng trong công việc, tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Tình trạng người lao động tự tử để thoát khỏi stress cũng diễn ra tương tự ở Hàn Quốc.

Quẳng gánh lo để vui sống

Trước tiên, stress là vấn đề của từng cá nhân nên mỗi người phải tự học cách đối đầu với stress. Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để sống chung với stress là tìm cách hạn chế, loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến stress. Người lao động cần chuẩn bị về tâm lý (suy nghĩ tích cực, quen với cách chấp nhận sự việc mà họ không thể thay đổi); hình thành thói quen trong công việc (lập giới hạn cho công việc hàng ngày, học cách trả lời không với công việc); có chế độ ăn uống và thể dục hợp lý (ăn trái cây, rau, củ, chất đạm và hạt nguyên hột; hạn chế caféin và đường; tránh ăn quá nhiều hay không ăn đủ bữa, hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy; thường xuyên tập thể dục; ngủ đủ 8 giờ/đêm).

Khi có những dấu hiệu như: hồi hộp, buồn bã, tức giận; tim đập nhanh, khó thở, chảy mồ hôi; đau cổ, vai, lưng, hàm hay mặt; nhức đầu, mệt mỏi, khó ngủ; táo bón hoặc tiêu chảy, cồn cào bao tử, ăn không ngon hay bị sụt cân…, người lao động có thể đã bị stress. Khi đó, để xả stress cần thư giãn (hít thở sâu và chậm, tập yoga, xoa bóp, thiền, nghe nhạc, đọc sách, tắm nước nóng trong bồn hay dưới vòi hoa sen…). Trong trường hợp nặng hơn, người lao động nên chia sẻ vấn đề của mình với gia đình và bạn bè, thậm chí phải nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà tư vấn.

Khi tình trạng stress công việc gia tăng, sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng trước tiên nhưng doanh nghiệp cũng sẽ bị tác động. Nhân viên sẽ nghỉ làm nhiều hơn, dễ xảy ra tai nạn lao động, khả năng sáng tạo của nhân viên bị giảm sút, năng suất lao động giảm, không khí làm việc trầm hơn… từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể hạn chế stress công việc cho nhân viên bằng một số biện pháp sau: Giao việc phải phù hợp với khả năng của nhân viên; tổ chức công việc hợp lý nhất để khuyến khích và thúc đẩy nhân viên sử dụng khả năng của mình; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi người lao động; cho phép nhân viên tham gia các quyết định và những thay đổi có tác động tới công việc của họ; cải thiện khả năng đối thoại trong doanh nghiệp, giảm thiểu sự nghi ngờ; tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi và đối thoại xã hội giữa các thành viên trong doanh nghiệp.

Từ stress đến bệnh tật rất gần nên nếu không được ngăn ngừa hiệu quả, chi phí kinh tế gắn với stress mà xã hội phải chi trả sẽ rất lớn. Về khía cạnh này, cách làm của Hàn Quốc cũng đáng để tham khảo. Để hạn chế tình trạng tự tử (mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do stress), chính phủ đề ra một loạt biện pháp.

Về ngắn hạn, Bộ Giao thông cho lắp đặt thêm nhiều hệ thống cửa để ngăn người dân không nhảy xuống trước tàu điện ngầm tự tử; Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm điều chỉnh lại các quy định về mua bán thuốc trừ sâu nhằm hạn chế sự tiếp cận của người dân; Ủy ban Thông tin của Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngăn chặn các trang web kích động việc tự tử… Về lâu dài, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ cải thiện các chính sách về phúc lợi xã hội và sức khỏe cho người dân, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập thấp và người cao tuổi.


Hà Vy (tổng hợp) 

Bài liên quan

>> Bài 1: Béo phì - Thế giới trở nên chật chội
>> Bài 2:Thiếu và mất ngủ - xã hội “gà gật”

Tin cùng chuyên mục