Góp ý Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Tổ chức Quốc hội

Sáng 22-9, đồng chí Huỳnh Thành Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chủ trì  buổi hội thảo góp ý cho Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức.

 (SGGPO).- Sáng 22-9, đồng chí Huỳnh Thành Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chủ trì  buổi hội thảo góp ý cho Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức.

Đa số ý kiến đóng góp về việc nên tăng thời gian thi hành Nghĩa vụ quân sự (NVQS) từ 18 tháng như hiện nay lên 24 tháng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội ngày càng tinh nhuệ, chính quy và từng bước hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hiện nay xã hội đang có quá nhiều trường công lập, dân lập, tư thục… do đó nên quy định cụ thể việc tạm hoãn gọi thanh niên nhập ngũ đối với những thanh niên là HSSV đang học tại các trường trung học phổ thông hoặc các trường đại học chứ không nên quy định chung chung để tránh tình trạng trốn tránh thực hiện Luật NVQS hoặc chạy trường để lách luật.

 *Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đa số ý kiến tán thành tên gọi và nội dung dự án Luật Tổ chức Quốc hội, tuy nhiên nhiều câu chữ trong Luật cần chuẩn xác, ngắn gọn và xúc tích hơn để tránh tình trạng luật chung chung, trùng lắp một cách không cần thiết.

Một số ý kiến cho rằng nên tăng thực quyền cho Quốc hội để nâng cao vị thế của Quốc hội. Luật cần quy định theo hướng Quốc hội nên chủ động trong xây dựng pháp lệnh; Quốc hội phải là cơ quan quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước, tổng biên chế nhà nước… Về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, các ý kiến cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vì đây là một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội được cử tri và dư luận đồng tính đánh giá cao. 

 Về vị trí, vai trò của ĐBQH cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn để đảm bảo tính độc lập cho ĐBQH, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu. Về tiêu chuẩn của ĐBQH cần quy định cụ thể hơn về trình độ, phầm chất đạo đức, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, độ tuổi, cơ cấu thành phần…; phân biệt rõ tiêu chuẩn và số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách và không chuyên trách, giảm bớt số đại biểu kiêm nhiệm để hoạt động của ĐBQH có hiệu quả hơn; nên thành lập cơ quan dân nguyện của Quốc hội và giao cho cơ quan này ghi nhận thu thập các ý kiến của cử tri, còn tổ chức Mặt trận Tổ quốc tăng cường phát huy vai trò giám sát phản biện; ĐBQH nên gần gũi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giải quyết kịp thời những bức xúc của cư tri…

         MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục