Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico

Bài 1: An ninh bất ổn và những hệ lụy về kinh tế

Quốc nạn của Mexico
Bài 1: An ninh bất ổn và những hệ lụy về kinh tế

Nhắc tới ma túy ở khu vực Tây bán cầu người ta hay nghĩ ngay đến Colombia. Quả thực Colombia là quốc gia đi đầu về trồng và sản xuất ma túy ở châu Mỹ nhưng việc kinh doanh mặt hàng siêu lợi nhuận này lại là thế mạnh của các tập đoàn ma túy của Mexico...

Quốc nạn của Mexico

Với 3.141km đường biên giới trên bộ tiếp giáp với Mỹ (ở các bang California, Arizona, New Mexico và Texas), Mexico trở thành tuyến đường huyết mạch vận chuyển cocaine và các loại ma túy bất hợp pháp khác vào nước Mỹ. Trong đó, khoảng 90% lượng ma túy sản xuất ở các nước Nam Mỹ với trị giá khoảng 25 tỷ USD/năm được đưa vào Mỹ qua Mexico. 

Bài 1: An ninh bất ổn và những hệ lụy về kinh tế ảnh 1

Đường phố vắng hoe, cửa hàng sập tiệm do bạo lực liên quan đến ma túy

Theo các thống kê sơ bộ, trong năm 2007, các cơ quan chức năng của Mexico đã tổ chức khoảng 50.000 chiến dịch truy quét tội phạm ma túy lớn nhỏ; bắt giữ khoảng 20.000 người có liên quan… Cuối năm 2007 và đầu năm 2008, các cơ quan chức năng của Mexico liên tục thông báo về các vụ thu giữ lượng lớn chất ma túy, với quy mô ngày càng mở rộng.

Chẳng hạn, ngày 6-10-2007, quân đội thành phố Tampico (bang Tamaulipas, Bắc Mexico) thu giữ 15 tấn cocaine được cất giấu trong kho của tập đoàn buôn lậu ma túy Golfo do tên Eduardo Costilla (bí danh El Cross) cầm đầu. Số ma túy này đang chuẩn bị được đóng vào container để chuyển sang Mỹ. Đây được coi là là lượng ma túy bị thu giữ lớn nhất trong lịch sử Mexico.

Đầu tháng 2-2008, Bộ An ninh công cộng Mexico thông báo một vụ truy quét khác. Lần này ngoài 9 tấn ma túy, lực lượng quân đội và cảnh sát Mexico còn thu được 4 tấn vũ khí các loại cùng nhiều phương tiện đi lại khác. Số hàng này được cho là của băng đảng Los Zetas khét tiếng - một cánh tay đắc lực của tập đoàn ma túy Golfo.

Tình trạng mất an ninh phổ biến

Tính tới giữa tháng 5-2008, khoảng 1.000 người thiệt mạng trên toàn Mexico trong các cuộc đụng độ giữa các băng nhóm buôn ma túy và lực lượng an ninh. Tỷ lệ này được cho là cao nhất kể từ năm 2006, thời điểm chính phủ chính thức đẩy mạnh các đợt truy quét tội phạm ma túy ở Mexico.

Năm 2007, số người chết trong các cuộc bạo lực liên quan đến ma túy cũng lên tới 2.500 người.
Tijuana là một trong những thành phố bạo lực nhất ở Mexico. Một băng nhóm từ bang Sinaloa đã tuyên bố cạnh tranh với tập đoàn ma túy Arellano Felix ở Tijuana để tiếp quản tuyến đường vận chuyển ma túy thu lợi nhuận lớn đến California, Mỹ.

Mối thù truyền kiếp giữa băng nhóm từ Sinaloa và tập đoàn ma túy Arellano Felix khiến thành phố rơi vào tình trạng bất ổn. Giới kinh doanh Tijuana hàng ngày phải nhận các cú điện thoại đe dọa tống tiền. Các vụ bắt cóc tống tiền đã gia tăng trong năm nay, khiến người dân phải sống thường trực trong không khí lo sợ. Từ đầu năm tới nay, chỉ riêng ở Tijuana, các băng nhóm buôn bán ma túy đã giết hơn 200 người.

Với tình trạng an ninh tồi tệ như vậy, Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) cảnh báo Mexico là quốc gia nguy hiểm nhất Mỹ Latin đối với phóng viên, thể hiện ở số lượng ngày càng gia tăng các vụ giết hại, bắt cóc và tấn công của các băng nhóm tội phạm có tổ chức nhằm vào giới báo chí trong những năm gần đây. Theo thống kê của CPJ, từ 2000-2006, 30 phóng viên đã bị sát hại.
Những cơ hội kinh tế bị bỏ lỡ

Đến Tijuana ngày nay, khó có thể tưởng tượng rằng 10 năm trước đây, thành phố này từng được các chuyên gia kinh tế coi là nơi hội ngộ của 2 lợi thế: lao động Mexico giá rẻ và nguồn tài chính dồi dào của Mỹ, từng thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế của châu Á tới mở nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đây, Tijuana thu hút rất nhiều khách du lịch nhờ các món đặc sản: rượu tequila giá rẻ; các nhà hàng có vũ nữ múa cột; cộng đồng nghệ sĩ; ngành y tế, đặc biệt là nha khoa phát triển… Thế nhưng, từ một thành phố náo nhiệt, Tijuana hiện đã trở nên vắng vẻ. Riêng trong năm 2007, số lượng khách du lịch Mỹ đến thăm các thị trấn giáp biên, trong đó có Tijuana, đã giảm 6 triệu so với năm 2006.

Tại đại lộ thương mại Revolution, người đi đường có thể thấy các biển hiệu “cho thuê” hoặc “bán nhà” khắp nơi. Manuel Cesena, 57 tuổi, chủ sở hữu một cửa hàng bán giày trên đại lộ Revolution, thất vọng nói: “Nhiều công ty lớn đang rút lui, nhiều công ty nhỏ đã phá sản. Tiền lãi thậm chí còn không đủ để trả tiền thuê cửa hàng và nhà xưởng”.

Cesena cho biết lượng hàng bán ra ở cửa hàng ông đã giảm 5 lần kể từ năm 2005. Giờ đây, ông luôn phải đóng cửa hàng trước khi trời tối vì sợ bị cướp hoặc bắt cóc. Sau 30 năm buôn bán giày và xuất khẩu sang Mỹ, hiện Cesena đang tính chuyện “nghỉ hưu sớm”.

Một số chủ kinh doanh khác vẫn quyết định tiếp tục buôn bán tại Tijuana nhưng họ buộc phải chuyển sang phía bên kia biên giới ở San Diego và chỉ quay lại Mexico hàng ngày nếu có vệ sĩ đi cùng. Jorge Cruz, một quan chức trong ngành công nghiệp thành phố khẳng định: “Vượt qua tình trạng mất an ninh này là vấn đề lớn nhất của Tijuana hiện nay”.

Tháng 3-2008, một nhà máy ở Tijuana chuyên lắp ráp các sản phẩm của hãng Panasonic để xuất khẩu đã phải đóng cửa, khiến 3.000 người bị thất nghiệp. Ban lãnh đạo nhà máy từ chối bình luận về quyết định này nhưng các quan chức thành phố cho rằng lý do lớn nhất là tình trạng thiếu an ninh.

Chính quyền Mexico cho biết sẽ làm tất cả những gì có thể để tái lập an ninh ở Tijuana và Baja California, một trong những bang bạo lực nhất ở Mexico. Từ tháng 1-2007, hàng ngàn quân đã được cử tới tuần tra ở các đường phố và quốc lộ Tijuana. Họ tham gia vào các cuộc đụng độ hàng ngày giữa các tập đoàn ma túy Arellano Felix và Sinaloa. Họ cũng nỗ lực tìm cách quét sạch những tên cảnh sát tham nhũng liên kết với bọn tội phạm ma túy. Nhưng để giành chiến thắng, cuộc chiến còn dài.

Hà Vy (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục