Một tài năng lớn của văn hóa Việt đã ra đi

Một tài năng lớn của văn hóa Việt đã ra đi
Một tài năng lớn của văn hóa Việt đã ra đi ảnh 1

Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo (ảnh) là con cả cụ Cao Xuân Huy, nhà Hán học và nghiên cứu triết học nổi tiếng. Cụ Huy là con trai Phó bảng Cao Xuân Tiếu; chánh chủ khảo các kỳ thi Hương cuối thế kỷ 19 và cụ Tiếu là con trai cụ Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ Học, nhà nghiên cứu triết học (tác phẩm “Nhân thế tu tri” và các tác phẩm khác). Cụ Cao Xuân Huy và cụ Cao Xuân Dục đều được đặt tên đường tại TP Hồ Chí Minh; cụ Huy được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sinh ra trong một gia đình văn hóa nổi tiếng xứ Nghệ như vậy, tài năng của Cao Xuân Hạo gần như là một tài năng bẩm sinh. Nhưng sự rèn luyện, lao động công phu, kiên trì, rộng lớn là điều không thể thiếu.

Trong kháng chiến chống Pháp, anh Hạo gia nhập Vệ quốc quân. Trong thời gian ấy, anh sáng tác nhiều bản nhạc. Nhưng sau này, khi học Dự bị Đại học ở Thanh Hóa vào gần cuối kháng chiến, và sau khi học xong Đại học Văn khoa sau hòa bình, anh chuyên tâm nghiên cứu tiếng Việt, chuyên sâu ngữ âm học. Anh giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga đến trình độ “tinh diệu nhập thần”; tiếng Hán học ít hơn, nhưng cũng đủ cho nghiên cứu so sánh với tiếng Việt.

Trước khi nói về tài năng nghiên cứu của Cao Xuân Hạo, xin kể qua một vài tài nghệ tạm gọi là “vặt” so với tài năng anh, để hiểu thêm một con người. Cao Xuân Hạo học tiếng nước ngoài ở trong nước, mà phần lớn là tự học (như với tiếng Nga). Khi viết xong công trình “Âm vị học tuyến tính” bằng tiếng Pháp để đưa sang Paris in, anh Hạo có nhờ hai vị đại sứ Nguyễn Khắc Viện và Trần Đức Thảo xem lại về tiếng Pháp. Hai cụ đều nhất trí nhận định: tiếng Pháp của Cao Xuân Hạo không có chút tì vết nào”. Tôi có dự buổi thuyết trình của GS Handricourt người Pháp chuyên nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt và các nước Đông Nam Á tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, trước 1975. Hôm đó, Cao Xuân Hạo phiên dịch.

Rất rành rẽ, nhanh chóng, không thể có người thứ hai thay thế vì đó cũng là chuyên môn của Cao Xuân Hạo. Khi viện sĩ Liên Xô Gube đến thăm viện và nói về khảo cổ học; một nhà nghiên cứu đã học Liên Xô 7 năm về ngành này, đã không phiên dịch được vì vấp quá nhiều thuật ngữ chuyên dùng. Người ta đã “kiệu” Cao Xuân Hạo đến và mọi việc êm xuôi. Cao Xuân Hạo đã dịch “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tônxtôi, “Con đường đau khổ” của A.Tônxtôi, truyện ngắn Tchekhốp... và nhiều tác gia Nga đương đại khác. Đó là chút “tài vặt” giúp ông dịch “kiếm sống”. Một người bình thường chỉ cần một chút “tài vặt” như thế, đủ để thành danh.

Nhưng lĩnh vực chuyên sâu của Cao Xuân Hạo là tiếng Việt, chủ yếu là ngữ âm học, ngữ pháp học... Tiếp xúc với anh, thấy anh là người am tường lý thuyết ngữ học thế giới và rất rành rẽ thực tiễn tiếng Việt. Nghiên cứu tiếng Việt mà thiếu một trong hai vế đó thì rất dễ hỏng. Có nhiều ngoại ngữ, anh đọc rất nhiều, nghiền ngẫm nhiều trường phái lý thuyết cổ điển và hiện đại của ngữ học, trang bị cho mình một tầm nhìn, một phương pháp, một sức khai phá, sáng tạo khi đi vào tiếng Việt. Nhưng lý thuyết mới chỉ là lý thuyết. Anh hiểu, phân tích tiếng Việt đến độ tinh vi, sâu sắc. Những công trình của anh, từ những công trình cơ bản, chuyên sâu, ít người thấu hiểu, đến những công trình có tính thực hành (như “Viết nhịu”…) đều chứng tỏ bản lĩnh hiếm có của một nhà ngữ học bậc thầy, một nhà nghiên cứu lớn và một nhà văn hóa toàn diện. Một nhà ngữ học Pháp chẳng đã gọi Cao Xuân Hạo là một Copernic trong ngữ học đó sao!

Có lẽ luận điểm cơ bản của Cao Xuân Hạo là bám chặt vào thực tiễn tiếng Việt, bài bác quan điểm “dĩ Âu vi trung” (lấy quan điểm ngữ học châu Âu làm trung tâm). Ông chứng minh rằng nếu lấy ngữ pháp tiếng Pháp để làm chuẩn và giải thích tiếng Việt, thì chỉ có độ 30% câu tiếng Việt là giải quyết được, còn 70% câu tiếng Việt nói theo kiểu Việt, kết cấu Việt... sẽ lọt ra ngoài. Suốt đời, ông chuyên tâm, nghiêm túc, say mê nghiên cứu tiếng Việt, giảng dạy đào tạo nhân tài nghiên cứu tiếng Việt, thảo luận tranh luận về văn hóa, về tiếng Việt... Bình sinh ông là người vui tính, hóm hỉnh, kể rất có duyên những câu chuyện đùa... Đó là chỗ ông khác tính bố ông - cụ Cao Xuân Huy, cụ nghiêm nghị mà “Lão Trang”, quên hết sự đời, chỉ biết đọc sách, dạy học... Cao Xuân Hạo nghệ sĩ hơn, “đa tình” hơn - chỗ ông giống mẹ ông, một tôn nữ trong hoàng tộc - và vì cái máu nghệ sĩ đó mà đời ông đôi lúc thăng trầm, nhưng là một người thông tuệ, ông hiểu rõ những hoàn cảnh lịch sử đặc thù, và biết vượt lên cao hơn những cái tầm thường của lịch sử, của cuộc đời... để đi trọn con đường bác học của mình, có những cống hiến lớn lao, đặc sắc... cho khoa học và văn hóa. Ông là một nhà nghiên cứu, vì nhiều lẽ, có thể xem là biểu tượng tuyệt vời cho trí tuệ, văn hóa Việt Nam thời chúng ta.

Người viết mấy dòng sơ lược này về một tài năng lớn mà mình chưa hiểu hết vì khác chuyên ngành, có cái vinh dự là học trò và tổ viên Tổ nghiên cứu văn học cổ đại - cận đại - Viện Văn học do cụ Cao Xuân Huy phụ trách trước 1975. Vì thế, đối với anh Cao Xuân Hạo, con thầy, chúng tôi xem là “thế huynh” với một niềm kính trọng. Anh vui vẻ tham gia Hội đồng khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và đóng góp bài vở cho chuyên san “Hồn Việt”, dự định thực hiện một số công trình lớn trong Dự án nghiên cứu của trung tâm. Anh mất đi, đất nước mất một tài năng khoa học lớn, mà riêng tôi nghĩ, sẽ rất khó có lại. Chúng tôi và những đồng nghiệp, những học trò của anh từ nay cảm thấy trống vắng một ngọn nguồn sáng tạo đáng tự hào cho văn hóa Việt, người Việt. Nhưng anh sẽ mãi mãi là tấm gương cho nhiều thế hệ trẻ tiếp bước trên dặm đường dài của văn hóa Việt Nam.

Mai Quốc Liên
GS-TS, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học

Tin cùng chuyên mục