Báo SGGP tổ chức tọa đàm

Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị

Phạm Phương Thảo
Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị

Phạm Phương Thảo: HĐND TP quyết định tiếp tục chọn năm 2009 là năm thực hiện năm Văn minh đô thị (VMĐT). Buổi tọa đàm hôm nay tập trung vào 2 nội dung: Thứ nhất, năm 2009 tập trung làm những việc gì cụ thể? Ví dụ, có ý kiến nêu rằng nên thực hiện "nụ cười công chức", người dân thì không xả rác, không nói tục, chửi thề, cũng như các biểu hiện bừa bãi. Thứ hai, các giải pháp để thực hiện nội dung công việc đề ra.

Ông Lê Tấn Tài, Bí Thư Đảng Ủy, Chủ tịch UBND Phường 6 quận 5, TPHCM:  Đại lộ Đông Tây đang xây dựng chạy qua địa bàn phường P6, quận 5 nên người dân hay đổ xà bần bừa bãi. Phường đã tiến hành xử phạt việc đổ xả bần và thưởng 100 ngàn đồng cho ai phát hiện ra người đổ xà bần bừa bãi. Phường đã phạt 30 trường hợp đổ xà bần và xử phạt nhiều vụ xả rác. Người dân đã nhiệt tình tham gia, phát hiện những hộ vi phạm. Trong quá trình thi công tuyến đường Đông Tây, có tình trạng xả nước ra đường, phường đã yêu cầu Ban quản lý dự án phải giải quyết việc này.

Ông Lê Hiếu Đằng- Phó Chủ tịch UBMTTQTPHCM: Chúng ta cần nhìn vào sự thật, nói rõ sự thật thì mới có những biện pháp hiệu quả. Chúng ta phải có những tranh luận. Theo tôi, sau 1 năm thực hiện nếp sống VMĐT, chúng ta chưa đạt. Lý do? Cần phải có những nghiên cứu  khoa học. Trong năm 2008 chúng ta đã vội vàng phát động rộng khắp năm thực hiện nếp sống VMĐT nên chính quyền các cấp bị lúng túng trong giải pháp thực hiện.

Chúng tôi đề nghị năm 2009, chúng ta tập trung 2 vấn đề: Thứ nhất là trật tự đô thị. Bắt đầu từ lòng lề đường, tập trung từ những tuyến đường mẫu. Cần xác định đường mẫu là đường nào? (có tiêu chuẩn cụ thể). Vấn đề thứ hai là rác thải và nước thải.

Giải pháp thực hiện hai vấn đề này như thế nào? Thứ nhất: Nơi nào chính quyền cơ sở làm quyết liệt, giám sát chặt thì sẽ có kết quả và ngược lại. Thứ hai: Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút mọi tầng lớp dân cư tham gia. Phải phát động phong trào thanh niên, Đoàn thanh niên, thanh niên xung phong tham gia. Ví dụ, các bạn thanh niên tham gia nạo vét kênh mương, không cần phải đợi đến khi các dự án vệ sinh môi trường, thoát nước kết thúc mới làm.

TS Nguyễn Hữu Nguyên- Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: khi chúng ta nói rằng thực hiện nếp sống VMĐT, chúng ta thường hướng đến người dân thực hiện. Thực ra, chính quyền và nhân dân cùng phải thực hiện, mà chính quyền là chính. 

Chúng tôi xin hiến kế với Chính quyền TP 4 điểm chính:

1/ Nên trực tiếp làm việc với nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, có định kỳ, với tư cách Chính quyền trình bày với nhân dân về các tiến độ, khó khăn, biện pháp giải quyết.

 2/ Chính quyền làm gương cho người dân.

 3/ Văn hóa pháp luật. Pháp luật chúng ta có, nhưng thực thi pháp luật mới là quan trọng.  Pháp luật là thanh kiếm, nhưng thanh kiếm giao vào tay ai? Người đó sẽ dùng kiếm chặt cái gì? Lẽ ra chặt cái này, họ lại chặt cái khác. Việc giao kiếm vào tay người không phải là "hiệp sĩ" sẽ tạo ra những lỗ hổng pháp luật đáng tiếc, lắm khi đau lòng.

 4/ Phải thường xuyên thăm dò dư luận, tổ chức điều tra xã hội học

Ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu HĐND TP: Theo tôi, nếp sống VMĐT có những đặc trưng mà khi thực hiện chúng ta phải luôn theo sát. Cụ thể là về:giao thông; Nếp sống văn hóa, vui chơi, tâm linh...; An toàn vệ sinh, sức khỏe, môi trường; Sinh hoạt khu dân cư; Hoạt động của cơ quan công quyền.

Về, giải pháp thực hiện, cần phải xem xét đến việc "ai thiệt, ai lợi". Cần chủ động và có biện pháp cụ thể, linh hoạt trong việc giải quyết đời sống của những người dân bị ảnh hưởng. 

Bà Trần Thị Ngọc Anh- Phó Chủ tịch UBND Quận Bình Thạnh:  Quận Bình Thạnh sẽ tập trung hệ thống chính quyền cùng vào cuộc; chọn từng địa điểm, từng đầu việc để thực hiện cho có hiệu quả, đồng thời thu hút người dân cùng tham gia.  

Bà Phạm Thị Kim Lệ, Phó Giám Sở Tài Chính TPHCM: Gần đây chúng ta quên mất một số phong trào như: "Ngày chủ nhật xanh", " Diệt chuột"... Cần phát động lại các phong trào này. 

Về tài chánh, 100% phí xử phạt vi phạm hành chánh sẽ để lại cho phường để dùng vào việc thực hiện nếp sống VMĐT trên địa bàn.

Ông Dương Hồng Thanh - Phó Giám độc Sở GTVT TPHCM: Đúng như ý kiến của nhiều đại biểu đã nêu, là đường phố ở TP mình còn nhếch nhác. Năm 2008, chúng tôi có tham gia đoàn đi kiểm tra và thấy rằng thực tiễn có những "lợi ích xung đột", cần phải làm hết sức cụ thể từng phường, từng quận. 

Về phía sở GTVT, thứ nhất, trong quý 1-2009 chúng tôi tiếp tục thi công một số công trình thuộc các dự án, vì vậy sẽ lại có 95 đến 110 rào chắn ( lô cốt) trên khoảng 80 con đường ở TP.Chúng tôi đã ban hành nhiều biện pháp chế tài xử lý các nhà thầu, làm sao để rào chắn không nhếch nhác, việc tái lập mặt đường đảm bảo.

Thứ hai, năm 2009, chúng tôi tập trung giải quyết tiếp vấn đề xe buýt.

Thứ Ba: thông xe trên một số chiếc cầu đang xây, sửa.

Thứ 4: tập trung vào giải quyết vấn đề vỉa hè, đặc biệt trên 15 tuyến đường điểm của TP.

Ông Huỳnh Công Minh- Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Năm 2008, chúng tôi đã đề ra những chỉ tiêu để học sinh giữ gìn môi trường trong trường lớp, chấp hành luật giao thông, văn hóa ứng xử. Kết quả tốt thấy rõ.

Năm 2009, ngành GD-ĐT TP kết hợp vấn đề VMĐT vào môn học, tiết học giáo dục công dân; phát động phong trào hiện đại hóa nhà trường về tác phong, sinh hoạt, lề  lối làm việc, từ hiệu trưởng, cán bộ-giáo viên đến lao công, bảo vệ..phải làm gương cho học sinh. Trong thực hiện nếp sống VMĐT ở học sinh, nhà trường, rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của các bậc phụ huynh, gia đình các em.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ Đại học Quốc gia TPHCM: Chúng tôi sẽ có những giải pháp tác động lên vai trò của sinh viên để chuyển biến thực hiện nếp sống VMĐT. Ví dụ, sinh viên sẽ được cộng thêm điểm đánh giá về tham gia thực hiện các phong trào công tác xã hội, VMĐT.

Theo tôi, người dân của một địa phương sẽ thấy gắn kết hơn khi địa phương đó có những sự kiện trọng đại. TP nên mạnh dạn đăng cai tổ chức những sự kiện lớn tầm quốc gia, quốc tế để chính quyền và người dân cùng tham gia.

Bà Đinh Thị Bạch Mai - Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể Thao- Du lịch TPHCM: Công tác triển khai và tuyên truyền thực hiện VMĐT của Sở VH-TT-DL năm 2009 sẽ đi vào chiều sâu, phù hợp từng địa phương, từng nhóm đối tượng.

PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, chuyên gia nghiên cứu đô thị: Vấn đề "Luật pháp đô thị " là trục chính trong thực hiện VMĐT, tiếp đến là vấn đề "văn hóa quản lý" và cách làm "đồng bộ". Năm 2009, tôi đề nghị TP chỉ tập trung vào 2 vấn đề: cải tạo môi trườnggiao thông; còn thực hiện văn hóa ứng xử chỉ tuyên truyền, vận động, chứ tạm chưa đặt mục tiêu trong năm 2009, vì đây là việc làm căn cơ, lâu dài. 

Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM: luật pháp về bảo vệ môi trường, giao thông, trật tự... đã khá đầy đủ rồi, việc còn lại là công tác thực hiện. Tôi đồng ý quan điểm xử phạt chỉ là biện pháp nhỏ, mà tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức mới là quan trọng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cần mạnh tay trong xử phạt. 

Theo tôi, năm 2009, các sở- ngành, địa phương triển khai ngay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cụ thể, triển khai ngay Quyết định 74 về Quản lý vỉa hè. 

Ngoài ra, phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân thực hiện nếp sống VMĐT. Cần quy rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quá trình thực hiện VMĐT.

Đại diện Công ty Khang Thông: Cần phải xác định rõ đối tượng vi phạm nếp sống VMĐT và xác định chính xác lý do vì sao họ vi phạm, thì mới có thể chữa trị đúng và dứt "bệnh".

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó Chủ tịch UBND TP: Xin cảm ơn các ý kiến phát biểu thẳng thắn, mang tính xây dựng của các đại biểu tham dự tọa đàm cùng ý kiến của bạn đọc gửi trực tuyến qua Báo SGGP online. UBND TP xin tiếp thu tất cả các ý kiến. Chúng tôi nhất trí là năm 2009, việc thực hiện VMĐT phải làm tập trung, không dàn trải và chính quyền có vai trò quyết định.

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐNDTP: Chúng tôi nhất trí năm 2009 chúng ta sẽ tập trung thực hiện 3 vấn đề: Bảo vệ môi trường, giao thông và văn hóa ứng xử. Chúng ta sẽ quyết tâm xây dựng TP văn minh, sạch đẹp, trong đó có 15 tuyến đường điểm không rác, lòng đường lề đường thông thoáng; 100.000 cán bộ - công chức TP phải thể hiện tốt trách nhiệm với dân, biết cười với dân; hơn 1 triệu học sinh có ý thức giữ gìn nếp sống VMĐT; TP đặt thêm 4000 thùng rác, 100 nhà vệ sinh công cộng....

Để có thể thu được kết quả tốt, HĐNDTP xác định: Biện pháp triển khai phải đồng bộ, trong đó nâng cao vai trò - trách nhiệm của các cấp chính quyền; đẩy mạnh tuyên truyền nếp sống VMĐT thật sâu, rộng; tăng cường các biện pháp chế tài, không chỉ áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền mà còn có thể áp dụng hình thức buộc lao động công ích.

Cảm ơn Báo SGGP, các báo, đài và các đại biểu đã tham gia buổi tọa đàm !

........................******.......................

Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị ảnh 4

Trên đây là một số ý kiến lược ghi tại buổi tọa đàm. Báo SGGP Online mời bạn đọc tiếp tục đóng góp ý kiến về giải pháp thực hiện nếp sống VMĐT tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2009, xin gửi email đến địa chỉ sggponline@sggp.org.vn. Chúng tôi sẽ chuyển trực tiếp các ý kiến đóng góp đến Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo và phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà.

Xin cám ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn đọc!.

Tin cùng chuyên mục