Giang Thanh toàn truyện (*)

Khởi bước đường tình

Khởi bước đường tình
Khởi bước đường tình ảnh 1
Giang Thanh

Giang Thanh - người được mệnh danh là Nữ hoàng đỏ, Nữ hoàng không đội mũ, từng gây nên những biến động chính trị sâu sắc trong lịch sử Trung Quốc. Cuốn Giang Thanh toàn truyện của tác giả Diệp Vĩnh Liệt sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về cuộc đời của Giang Thanh.

Giang Thanh từng chụp một bức ảnh mây mù ở Lư  Sơn và tự đắc đề thơ: Giang thượng hữu kỳ phong/Tỏa tai vân vụ trung/Tầm thường khán bất kiến/Ngẫu nhĩ lộ tranh vanh (dịch: Ngọn núi lạ bên sông/Khóa trong mây trên không/Bình thường nhìn chẳng thấy/Bỗng nhiên lộ kiêu hùng).

  • Tuổi thơ lưu lạc

Xoay quanh năm sinh của Giang Thanh có nhiều ý kiến khác nhau. Theo lời khai của Giang Thanh ở Diên An năm 1944 thì bà sinh tháng 3-1914. Về sau mọi người đều lấy đó là năm sinh của bà nhưng theo tư liệu của ký giả Snow (Mỹ) trong tác phẩm “Tây hành mạn kỷ” thì Giang Thanh sinh năm 1912. Về tên họ của Giang Thanh cũng có nhiều dư luận khác nhau: có tư liệu nói Giang Thanh vốn họ Loan tên Thục Mông. Thực ra Loan là họ mẹ còn Giang Thanh họ Lý. Khi Giang Thanh ra đời bố đã 60 tuổi. Ngoài tên mụ là Lý Tiến Hài, tên đúng của Giang Thanh là Lý Vân Hạc.

Giang Thanh sinh tại Đông Quan, Chư Thành, Sơn Đông. Bố Giang Thanh là Lý Đức Văn, làm nghề mộc. Tính tình của Lý Đức Văn rất nóng nảy, thô bạo. Lý Đức Văn có hai vợ và Giang Thanh là con vợ bé. Mẹ của Giang Thanh bỏ nhà đi đúng vào dịp Tết Nguyên tiêu khi chỉ vì làm vỡ một cái bát mà bà bị Đức Văn dùng xẻng sắt đánh đến đứt cả ngón tay. Giang Thanh khóc ré vì hoảng sợ cũng bị ông cho một cái tát làm gãy mất một cái răng. Sau bận đó, mẹ Giang Thanh cõng con gái cắm đầu chạy một mạch không hề ngoảnh lại, rời khỏi nhà họ Lý. Không có nơi nương tựa, mẹ Giang Thanh phải làm người hầu, con ở cho người ta để duy trì cuộc sống và gửi Giang Thanh cho một gia đình thân thích nhờ nuôi giúp.

Năm 1926, lúc 12 tuổi và vừa tốt nghiệp tiểu học, Lý cùng mẹ rời khỏi Chư Thành đến ở nhà chị gái tại Thiên Tân. Lý Vân Hạc không học lên trung học mà tính kế khác. Năm 1931, Lý Vân Hạc bước vào Viện Kịch thực nghiệm của tỉnh Sơn Đông. Sau đó, có thời gian Giang Thanh làm làm nhân viên quản lý thư viện Trường Đại học Thanh Đảo. Theo lời Giang Thanh kể thì mười bảy tuổi Giang vừa làm nhân viên quản lý thư viện vừa học dự thính hệ Trung văn Trường Đại học Thanh Đảo. Giang đã xin giáo sư Triệu Bính Ân dạy cho cách viết kịch bản. Giang cũng đã làm thơ. Sống trong một môi trường văn hóa lành mạnh, Giang rất muốn có một thành tựu nào đó trong văn học.

  • Cuộc tình đưa Giang Thanh vào chính trường

Những năm còn làm ở thư viện của Trường ĐH Thanh Đảo, Giang Thanh quen với một sinh viên ngành vật lý và người này có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của Giang Thanh. Đó là Du Khởi Uy, người này sau là cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau này đổi tên là Hoàng Kính. Hoàng Kính là em của Du San - một ngôi sao kịch nói của Trung Quốc khi đó. Giang Thanh rất ngưỡng mộ Du San và thường lân la đến nhà nhờ chỉ bảo và cuộc tình với Hoàng Kính đã bắt đầu từ đó. Du Khởi Uy là con cháu của nhà họ Du cao sang vọng tộc ở Bắc Kinh lúc trước và Du Đại Thuần - bố của Du Khởi Uy - gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo con đường hoạt động chính trị.

Lúc mới quen Giang Thanh, Du Khởi Uy chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoàng Kính và Giang Thanh tham gia vụ biểu tình của sinh viên ĐH Thanh Đảo phản trước sự kiện quân Quan Đông Nhật bất thình lình nã pháo vào trại lính Bắc Đại Thẩm Dương mà Tưởng Giới Thạch không “đề kháng” rất sôi nổi. Qua cuộc thử thách thực tế này, chi bộ bí mật Đảng Cộng sản Trung Quốc của Trường ĐH Thanh Đảo quyết định chuẩn y Hoàng Kính gia nhập Đảng. Hoàng Kính gia nhập vào Đảng có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng cấp tiến của Giang Thanh.

Lúc này hai người đang yêu nhau và ở với nhau. Giang Thanh và Hoàng Kính sống chung với nhau, không làm giấy giá thú, cũng không tổ chức hôn lễ. Có lẽ vì cả hai đều là người của trào lưu mới nên không câu nệ gì vào những lễ nghi này, cũng có thể do họ Du là danh môn vọng tộc, kén dâu kén rể đều mong muốn môn đăng hộ đối. Giang Thanh xuất thân thấp hèn khó mà được cha mẹ bên họ Du chấp nhận.

Qua sự giới thiệu của Hoàng Kính, tháng 2-1933, Giang Thanh gia nhập vào Đảng. Vào tháng 7 năm đó, Hoàng Kính vì có kẻ tố giác nên bị bắt. Mùa đông năm 1933, Hoàng Kính được bố mẹ bảo lãnh tại ngoại. Sau khi ra khỏi nhà lao đã lập tức đến tìm Giang Thanh. Lúc gặp nhau, Giang Thanh vui sướng quá, nước mắt tự nhiên trào ra. Họ lại về với nhau. Nhưng khi đưa Giang Thanh về nhà, mẹ họ Du vẫn không chấp nhận. Hai người phải dìu dắt vào ở tạm trong một gian nhà bếp nhỏ gần chùa Tĩnh An.

Sau cuộc biểu tình kỷ niệm hai năm ngày kháng Nhật ngày 28-1, Hoàng Kính đưa Giang Thanh rời khỏi Thượng Hải về Bắc Bình lẫn trốn. Sau đó vì không chịu cảnh túng quẫn nơi đây, Giang Thanh trở lại Thượng Hải và được Hội nữ thanh niên Cơ Đốc giáo giới thiệu dạy học, dạy âm nhạc và kịch. Lúc này Giang Thanh lấy bí danh là Trương Thục Trinh. Được một thời gian Giang Thanh bị bọn mật thám theo dõi và bắt vào tù. Ở trong tù một tháng, Giang Thanh được Hội nữ thanh niên Cơ Đốc giáo Thượng Hải bảo lãnh. Sau khi ra tù, Gianh Thanh đi lánh mặt ở một vùng núi hẻo lánh của Triết Giang. Hoàng Kính đến bến cảng tiễn và từ đó Giang Thanh đi tiếp những nẻo tình khác.

Mạnh Minh Lược ghi


Bài 2: Ngôi sao trên kịch trường

(*) Người dịch: Nguyễn Doanh Hải, sách do NXB CADN phối hợp với Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa phát hành

Tin cùng chuyên mục