Những tiết lộ mới sau 10 năm vụ bê bối Monicagate

Bài 1: Câu chuyện “chiếc hộp đen”

Tiếp tục là chủ đề “hot”
Bài 1: Câu chuyện “chiếc hộp đen”

Tháng 4 vừa qua, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ đã quyết định công bố một số tài liệu của văn phòng đệ nhất phu nhân vào thời kỳ chủ nhân của nó chính là Hillary Clinton. Tổng số tài liệu này bao gồm 11.046 trang, trong đó có đến gần 4.800 trang bị xóa bằng mực đen - theo như giải thích của các quan chức cơ quan lưu trữ là để bảo vệ cuộc sống riêng tư của một số nhân vật thứ ba nào đó. Dù sao, số tài liệu được công khai hóa vẫn chứa đựng nhiều chi tiết thú vị, nhất là những trang liên quan đến những ngày tháng định mệnh đối với gia đình Clinton, khi vụ bê bối Monicagate diễn ra.

Tiếp tục là chủ đề “hot”

Bài 1: Câu chuyện “chiếc hộp đen” ảnh 1

Bức ảnh lịch sử về cú bắt tay giữa Bill Clinton với John Kennedy - hai vị tổng thống được coi là có tính trăng hoa nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Thấm thoắt 10 năm đã trôi qua kể từ khi nổ ra vụ bê bối Monicagate. Tại nước Mỹ kể từ sau vụ Watergate, vĩ từ “gate” cuối cùng đã được sử dụng để gắn với bất cứ một vụ bê bối lớn nào có dính dáng tới những nhân vật tai to mặt lớn.

Nhưng nếu như Tổng thống Richard Nixon buộc phải từ chức trước thời hạn vì vụ Watergate thì Bill Clinton lại không hề hấn gì, ngoài cái tội bị mang tiếng “phản bội vợ”. Nguồn gốc sâu xa, những hậu quả và số phận những nhân vật liên quan đến vụ Monicagate hiện vẫn là một chủ đề “hot” được công luận Mỹ quan tâm.

Christopher Andersen - tác giả của một loạt những cuốn sách gây chú ý, trong đó có cuốn sách được coi là chỉ trích kịch liệt nhất nhằm vào Hillary Clinton, người được mệnh danh là “Evita của nước Mỹ” - đã bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian để tìm tòi mọi dữ liệu nhỏ nhất về vợ chồng nhà Clinton kể từ khi họ được sinh ra.

Chính Andersen đã trực tiếp phỏng vấn hàng chục, nếu như không nói là hàng trăm người, từng quen biết nhà Clinton vào những giai đoạn khác nhau. Nhiều người cho biết, mẹ của Bill - bà Virginia - đã dạy con trai mình cách đấu tranh với những khó khăn trong cuộc sống như thế này: “Hãy xóa sạch mọi thứ khỏi trí óc. Vứt bỏ hết mọi buồn bực khỏi đầu con để chúng không thể cản bước con tiến lên phía trước. Hãy thử hình dung về một chiếc hộp kín, nơi con có thể bỏ tất cả những gì không muốn nhớ lại vào đó. Hãy tưởng tượng đó là một chiếc hộp màu đen và cứng như thép”. Bill đã lĩnh hội được “kỹ thuật” này để rồi sau đó chia sẻ nó cho Hillary.

Bill Clinton có không ít những điều muốn quên trong quá khứ. Vị tổng thống thứ 42 của nước Mỹ đã trải qua thời thơ ấu rất khó khăn. Bill chưa bao giờ được gặp mặt người cha ruột của mình - ông này gặp tai nạn và chết đuối trong một mương nước chỉ 3 tháng trước khi cậu con trai ra đời.

Bà Virginia đi bước nữa với người cha dượng Roger Clinton, một kẻ nghiện ngập và bạo lực, thường xuyên đánh đập vợ ngay trước mắt người con riêng của bà. Ngay từ khi mơi 14 tuổi, Bill thậm chí còn dám đứng ra “cảnh cáo” người cha dượng không được đụng tới mẹ mình.

Đối với bà Virginia, Bill luôn được coi là niềm hy vọng lớn nhất của cả cuộc đời. Cậu con trai được ở trong một gian phòng tốt nhất, nơi các bức tường dần dần được phủ đầy những giấy khen, chứng chỉ, bằng cấp - bằng chứng về những khả năng đặc biệt của Bill. Chính bà Virginia là người đầu tiên truyền cho Bill niềm tin rằng, cậu sẽ trở thành tổng thống Mỹ trong tương lai.

Khi người cha dượng đã già yếu, thường xuyên mắc chứng trầm cảm chỉ ngồi lỳ ở nhà uống bia và xem ti vi, bà Virginia lại thường xuyên ra khỏi nhà, thậm chí dắt cậu con trai 16 tuổi tới các hộp đêm để làm bạn nhảy với mình. Sau khi Roger qua đời, bà Virginia còn hai lần lấy chồng nữa dù chẳng tìm được một hạnh phúc gia đình thực sự nào cho tới khi chết.

Cuộc “trao gậy” giữa hai vị giám khảo

Không ai trong số những bạn bè hồi nhỏ của Bill biết được những chuyện rắc rối và xích mích trong gia đình cậu. Nguyên nhân bởi vì Bill luôn đặc biệt kín đáo, chẳng khác gì chiếc hộp mà người mẹ đã bắt cậu tưởng tượng ra từ nhỏ. Bill không chơi bất cứ môn thể thao nào nhưng lại học cách chơi kèn Saxophone và có mặt trong thành phần một dàn nhạc của trẻ em. Nhờ đó, Bill đã có dịp đặt chân vào Nhà Trắng và bắt tay với Tổng thống Kennedy.

Bức ảnh chụp với Kennedy về sau đã giúp ít nhiều cho Bill trên con đường thăng tiến của sự nghiệp. Trong khi nhiều người lại mệnh danh đó là cảnh trao gậy của cuộc đua tiếp sức giữa hai vị tổng thống thuộc loại “trăng hoa” hàng đầu ở Mỹ. Chẳng hạn như Kennedy từ trước khi trở thành tổng thống đã từng ba hoa với bạn bè rằng,qua tay ông ta đã có tới vài trăm người phụ nữ!?

Hillary lần đầu tiên gặp gỡ Bill Clinton là vào mùa thu năm 1970, khi còn đang trong thời sinh viên. Cô ngay lập tức chú ý đặc biệt đến chàng trai có bộ ria màu hung, thường xuyên quảng cáo về việc bang Arkansas có những trái dưa hấu lớn nhất thế giới. Bill cũng bắt đầu để mắt tới Hillary, cho dù gây ấn tượng nhất trong cái bề ngoài không có gì nổi bật của cô sinh viên này là cặp kính rất lớn. Vào thời điểm đó, Bill cũng mới từ Oxford trở về sau một thời gian học tập theo tiêu chuẩn học bổng dành cho những sinh viên xuất sắc.

Cũng phải mất một thời gian dài nữa, trước khi Bill và Hillary lại gặp nhau tại thư viện của trường đại học. Bill vừa trò chuyện với người bạn, vừa nhìn chằm chằm vào Hillary, lúc đó đang ngồi sau cả một đống sách lớn trên bàn. Cô gái cuối cùng không nhịn được đã phải đứng lên tiến đến sát và nói: “Nghe này, nếu anh cứ dán mắt vào tôi như thế, tôi ít nhất cũng có thể tự giới thiệu về mình. Tôi là Hillary Rodham”. Cũng phải mất đến 5 tháng nữa để hai bên gặp nhau sau lần giới thiệu đặc biệt này. Khi tình yêu nảy nở, cả hai dọn đến sống cùng nhau nhưng chưa vội vàng tính đến chuyện kết hôn.


LINH NGA (tổng hợp)


Bài 2: Kế hoạch tham vọng của hai người tham vọng?

Tin cùng chuyên mục