“Cơn bão” mới trên chính trường Mỹ - Bài 3: Phản pháo từ đồng nghiệp cũ

“Cơn bão” mới trên chính trường Mỹ - Bài 3: Phản pháo từ đồng nghiệp cũ

Sau khi tìm hiểu nội dung cuốn hồi ký, Ari Fleischer, người mà McClellan đã thay thế vào năm 2003 trên cương vị phát ngôn viên Nhà Trắng, tỏ ý “không nhận ra” đồng nghiệp cũ: “Tất cả mọi người đều đã từng nghe những bản báo cáo của Scott và giờ đây những phát biểu của ông lại thay đổi hoàn toàn”. Fleischer dù sao cũng thừa nhận rằng, dường như Scott là người cuối cùng “có thể nói hay viết những điều tương tự”.

Tổng thống bối rối

“Cơn bão” mới trên chính trường Mỹ - Bài 3: Phản pháo từ đồng nghiệp cũ ảnh 1
McClellan và Tổng thống Bush thời còn “nồng ấm”

Cùng với giọng điệu tương tự nhưng lại gay gắt hơn là phát biểu của Trent Duffy, người từng làm phó của McClellan trong vòng 2 năm. Duffy tuyên bố rằng, xếp cũ của mình “từng mang ơn George Bush vì tất cả những thành công trong sự nghiệp, giờ đây lại dùng dao đâm vào  lưng ông ấy”.

Người kế nhiệm McClellan - hiện là phát ngôn viên Dana Perino - đã thông báo với các phóng viên rằng, tổng thống khi biết được về nội dung cuốn sách của McClellan đã lấy làm ngạc nhiên và bối rối, “không thể nhận ra Scott McClellan, người mà ông đã nhận vào làm việc, đã tin tưởng và hợp tác trong nhiều năm”.

Về phần mình, khi được phóng viên mời trả lời phỏng vấn về cuốn hồi ký trên, McClellan cũng cho biết là ông ta đã lường trước được thái độ phản ứng tiêu cực của nhiều đồng nghiệp cũ: “Bạn bè tôi và những đồng nghiệp cũ, những người đã hoặc đang làm việc bên trong cái mớ bòng bong đó rất có thể không hài lòng với quan điểm của tôi trong cuốn sách này”.

Kết thúc tình bạn tuyệt vời

Nếu đúng theo những gì được kể trong cuốn sách thì độc giả không lấy gì làm ngạc nhiên với lời nhận xét của Duffy về việc Bush đã phải nhận một cú dao đâm vào lưng. Chẳng hạn như McClellan có nhắc tới một cú điện thoại của tổng thống với một trong những đồng minh chính trị của ông, trong đó bàn về những tin đồn đã xuất hiện trong thời gian tranh cử tổng thống về việc Bush đã từng sử dụng cocaine.

Nếu đúng theo McClellan nói, tổng thống đã bác bỏ tin đồn này nhưng trong thâm tâm ông đã vô tình thừa nhận: “Vào thời đó chúng ta đã có những buổi tối khá thoải mái và tôi trên thực tế chẳng thể nhớ nổi” - Bush đã nói như vậy với người bạn cũ. Nói tóm lại, cựu nhân viên thân cận trong cuốn sách trên không chỉ phê phán chính sách điều hành đất nước của Bush, mà còn đả động tới những chuyện sinh hoạt bê bối trong quá khứ của ông ta.

Người ta còn nhớ khi McClellan rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2006, lời từ biệt của ông ta với tổng thống khi đó vẫn tỏ vẻ rất nồng ấm: “Mối quan hệ của chúng ta đã bắt đầu từ Texas - McClellan nói trước mọi người - Và tôi hy vọng rằng, nó sẽ được tiếp tục, đặc biệt là khi cả hai chúng tôi quay trở về Texas”.

Ngay trong cuốn sách, McClellan cũng có những lời lẽ tương đối tốt đẹp dành cho Tổng thống Bush khi kể về buổi chia tay này. “Ông ấy đã thể hiện rất rõ tình cảm nồng hậu nhưng sẽ rất khó để có thể hiểu được đây là chuyện từ đáy lòng hay chỉ đơn giản muốn làm vừa lòng tôi - McClellan viết - Nhưng trong cuộc trò chuyện này, ít nhất tôi đã được chứng kiến điều mà mình chưa bao giờ được thấy: những giọt nước mắt đã lăn trên má ông ấy”.

Còn Bush về phần mình lại hình dung ra cảnh hai chiến hữu cũ sẽ cùng đi nghỉ tại một nơi ưa thích, trò truyện về quá khứ và ông một lần nữa có thể khen Scott vì đã hoàn thành tốt công việc. Viễn cảnh này chắc chắn sẽ không thể xảy ra. Với quyết định từ bỏ quan hệ thân thiện cũ với Bush và “lộ diện”, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng sẽ có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và sung túc sau này, đúng như diễn giải của Duffy, McClellan “đang lượm tiền trên ngôi mồ chính trị của ông ta”.

“Vì sao bây giờ mới chịu nói ra?”

Cuốn sách hiện nay của McClellan khiến nhiều người nhớ lại những lời nói của chính ông ta hồi 4 năm về trước. Năm 2004, khi cựu cố vấn về chống khủng bố của Nhà Trắng Richard Clark phát hành một cuốn sách phê phán gay gắt chính sách chống khủng bố của Bush, chính McClellan trên cương vị phát ngôn viên đã tỏ vẻ ngạc nhiên: “Nếu ông ta đã có những nghi ngờ nghiêm trọng đến như vậy, vì sao giờ đây ông ta mới chịu nói ra?”.

McClellan khi đó cũng tự đưa ra câu trả lời: “Ông ta làm việc này vào đúng giai đoạn căng thẳng nhất của chiến dịch tranh cử tổng thống. Tất nhiên ông ấy đã viết ra cuốn sách và giờ đây muốn quảng cáo cho nó”. Hiện giờ, McClellan lại đứng trên cương vị của Clark và cũng không cần phải nhắc tới khả năng quảng cáo về cuốn sách của ông, khi nó đang là đề tài hàng đầu thu hút những nhận xét phẫn nộ của những đồng nghiệp cũ, cũng như sự chú ý đầy hân hoan của phe Dân chủ.

Hay theo như nhận xét của tờ USA Today, cuốn sách của McClellan lại đang gợi lên một câu hỏi quen thuộc: Đây có phải là sự đóng góp sớm vào lịch sử nước Mỹ hay chỉ là một trò phản bội chính trị tầm thường vì tiền? Nhưng dù trong bất cứ trường hợp nào, thành công về tài chính cho cuốn sách của McClellan đã được đảm bảo. Cuốn hồi ký của cựu phát ngôn viên Nhà Trắng đang chiếm những vị trí đầu tiên trong danh sách những ấn phẩm best-seller của Mỹ .
_________
Kỳ tới
Bài 4:  Bắt đầu trò chơi quyền lực tại Washington

LINH NGA (tổng hợp)
(SGGP 12G)

- Bài 1:Cú đâm từ sau lưng George Bush

- Bài 2: Những “đồng phạm” trực tiếp

Tin cùng chuyên mục