“Cơn bão” mới trên chính trường Mỹ

Bài 1:Cú đâm từ sau lưng George Bush

Nhà xuất bản PublicAffairs tại Mỹ vừa tung ra cuốn hồi ký dày 341 trang của cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Scott McClellan, trong đó khẳng định: Chính quyền Tổng thống Bush đã cố tình lừa dối người dân Mỹ và những trò gian lận này là “chuyện như cơm bữa”.

Với nội dung và những tiết lộ đáng chú ý như vậy, không có gì khó hiểu khi cuốn sách này - với nhan đề “What Happened: Inside the Bush White House and Washington’s Culture of Deception” (Điều đã xảy ra bên trong Nhà Trắng của ông Bush và văn hóa lừa gạt của Washington) - đang gây ra một “cơn bão” thực sự tại nước Mỹ.

Phe chống đối chính quyền của ông Bush đã chuẩn bị sẵn sàng một đợt công kích mới dựa trên những tiết lộ gây chấn động này, trong khi có không ít quan chức tại Nhà Trắng lại một lòng tỏ ý sẵn sàng bảo vệ tổng thống…

Thất bại và những trò gian lận…

Nội dung cuốn sách của McClellan khẳng định rằng, một quá trình chuẩn bị toàn diện cho kế hoạch tấn công Iraq đã được chính quyền Bush khởi xướng ngay từ năm 2002.

Theo khẳng định của McClellan, ông Bush từ lâu đã nung nấu quyết định phải tấn công Iraq vì theo ông ta, chỉ có những vị tổng thống trong giai đoạn có chiến tranh mới là những người để lại dấu ấn rõ nét trong lịch sử nước Mỹ.

Để đạt được mục đích này, các quan chức tại Nhà Trắng đã triển khai một chiến dịch tuyên truyền đặc biệt quy mô, nhờ đó đến năm 2003 đã có vô số người lầm tưởng rằng, việc sử dụng sức mạnh quân sự chống lại chế độ của Saddam Hussein là một giải pháp duy nhất.

Trong khi bản thân tác giả cuốn sách giờ đây đánh giá, chiến dịch quân sự này rõ ràng là “một thất bại hoàn toàn về mặt chiến lược”, “một sai lầm thô thiển về chính trị”.

Ngoài Iraq, McClellan còn nhắc tới những hành động lúng túng và kém hiệu quả của chính quyền liên bang trong việc khắc phục những hậu quả của cơn bão Katrina - một thảm kịch to lớn đã cướp đi mạng sống của khoảng 1.800 người và khiến Mỹ phải chịu thiệt hại tới 80 tỷ USD.

Theo những gì diễn giải trong cuốn sách, chính phủ hoàn toàn không được chuẩn bị trong việc phòng ngừa cũng như khắc phục hậu quả từ thảm họa thiên nhiên trên. Gần như suốt một tuần sau cơn bão Katrina, “chính phủ dường như vẫn không muốn thừa nhận một thảm kịch rõ ràng như vậy”, hậu quả khiến cho những biện pháp cứu trợ và khắc phục vẫn chỉ được đặt trong “chế độ tự động”.

Trong vụ này, McClellan đổ lỗi cho Karl Rove đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổng thống bằng cách xúi ông này nên đi giám sát New Orleans bị tàn phá nghiêm trọng bằng máy bay trực thăng.

Khi Rove đưa ra đề xuất này, McClellan và Dan Bartlett (cố vấn hàng đầu của tổng thống về quan hệ công chúng) đã nói với Bush rằng đây là một ý tưởng tồi. Việc này chỉ khiến cho mọi người có cảm tưởng như tổng thống đã đánh mất mối liên hệ với dân chúng và đang cố gắng lảng tránh tình huống này. Nhưng cuối cùng thì ý kiến của Rove vẫn được chọn lựa.

Chối bỏ sự thẳng thắn và trung thực

Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của chính quyền Bush được McClellan nhận thấy trong cuốn sách lại không phải là cuộc chiến Iraq hay cơn bão Katrina, mà chính là quyết định sai lầm “chối bỏ sự thẳng thắn và trung thực vào đúng thời điểm đó là những yếu tố cần thiết nhất”.

Nói một cách đơn giản hơn, với việc Bush bước chân vào Nhà Trắng, chính sách đối nội của chính quyền chỉ chứa đầy những yếu tố mang tính lường gạt và gian lận.

Tác giả cuốn hồi ký ban đầu đã tâm sự rằng, ông ta đã đặt rất nhiều hy vọng vào khả năng của tổng thống mới loại trừ tận gốc những trò gian lận đang hoành hành tại Washington nhưng Bush đã không làm như vậy.

Ngược lại, những mánh khóe chính trị của chính quyền mới vẫn như vậy, nếu như không muốn nói là còn “nặng đô” hơn chính quyền của Bill Clinton trước kia.

Bản thân McClellan khi còn ở cương vị phát ngôn viên vào năm 2003 cũng đã phải đương đầu với trò gian dối trực tiếp từ ngay những đồng nghiệp. Theo khẳng định của tác giả, cả Karl Rove và Lewis Libby đã đánh lừa ông khi khăng khăng không hề dính dáng tới vụ bê bối tiết lộ danh tính điệp viên Valerie Plame của CIA.

Do hấp tấp tin tưởng vào đồng nghiệp, phát ngôn viên này của Nhà Trắng đã vội vàng chính thức khẳng định về “sự vô tội” của họ, do đó vô hình trung đã đánh lừa chính người dân Mỹ. “Tôi cho rằng Tổng thống Bush không biết được điều này - McClellan viết - Ông ấy cũng bị lừa và tất nhiên không muốn tôi bị lừa theo. Nhưng các quan chức cao cấp tại Nhà Trắng đã biết sự thật - trong số này có Rove, Libby và rất có khả năng cả phó Tổng thống Dick Cheney - đã cố tình để tôi, thậm chí bắt buộc tôi phải lặp lại điều giả dối này”.

Cần biết là về sau Lewis Libby là kẻ duy nhất chính thức bị tố cáo dính líu vào vụ Plame và đã thú nhận, nhưng phải nhờ sự can thiệp của đích thân tổng thống mới may mắn tránh được một án tù dài hạn. Còn Karl Rove nổi tiếng ranh mãnh, không uổng danh được gọi là “bộ não của Bush”, đã may mắn trốn tránh được trách nhiệm, dù hiếm có người tin vào khả năng vô tội của ông ta. 

Bài 2: Những “đồng phạm” trực tiếp

LINH NGA (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục