Xâm hại tình dục trẻ em - Bài 1: Thế giới cầm “đèn đỏ”

Xâm hại tình dục trẻ em - Bài 1: Thế giới cầm “đèn đỏ”

Thông điệp “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” luôn được nhắc đi nhắc lại trên toàn thế giới nhằm nhấn mạnh những nỗ lực chăm sóc và bảo vệ trẻ em vì tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, cùng lúc với những tiến bộ rõ rệt đạt được trong sự nghiệp trồng người, thế giới cũng rung hồi chuông lớn cảnh báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục.

Nhiều hình thức xâm hại

Xâm hại tình dục trẻ em - Bài 1: Thế giới cầm “đèn đỏ” ảnh 1

Trẻ em khắp nơi trên thế giới có nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc có hiệu lực từ năm 1990 quy định rằng mọi trẻ em trên thế giới đều có quyền được sống và nuôi dưỡng với sự yêu thương, đùm bọc của gia đình và xã hội. Thế nhưng, nhiều trẻ em trên thế giới đang không có được những quyền cơ bản này.

Theo báo cáo về “Tình trạng trẻ em trên thế giới” năm 2008 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hiện có khoảng 100 triệu trẻ em phải sống lang thang, chủ yếu tại các nước ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latin và Trung Đông. Các thống kê không đầy đủ chỉ ra rằng ít nhất có 300 triệu trẻ em là nạn nhân của các tệ nạn xã hội.

Báo cáo của UNICEF cho biết, gần 40% số trẻ em gái và 36% số trẻ em trai ở khu vực Nam sa mạc Sahara không được đi học, 35% số trẻ em trong độ tuổi từ 5-14 bị buộc phải lao động. Tại các nước Nam Á, 9% số trẻ em gái và 10% số trẻ em trai không được đi học và 13% số trẻ em bị buộc phải lao động. Tại các nước Mỹ Latin và Caribe, 9% số em gái và 10% số em trai ở độ tuổi đi học không được đi học và 9% số trẻ em phải đi làm…

Thay vì được cắp sách đến trường, nhiều trẻ em lại phải cầm súng tham gia các cuộc xung đột bạo lực nguy hiểm. Trên toàn thế giới hiện nay có khoảng 300.000 trẻ em bị bắt lính.

Tại các quốc gia chìm đắm trong các cuộc xung đột kéo dài như Afghanistan, Iraq…, trẻ em là những nạn nhân “thầm lặng”. Chẳng hạn như ở Iraq, chỉ có khoảng 50% học sinh tiểu học được tới trường; khoảng 40% trẻ em được tiếp cận với nguồn nước sạch; nhiều em bị huy động vào hoạt động đánh bom liều chết và khoảng 1.500 em đang bị cầm giữ.

Các em không được tiếp cận hầu hết các dịch vụ cơ bản và phải gánh chịu nhiều triệu chứng tâm lý mà bạo lực gây ra.

Ngay cả ở những nước không lâm vào tình trạng xung đột bạo lực, trẻ em cũng chưa được quan tâm đầy đủ.

Theo một nghiên cứu của UNICEF tại Mexico - quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), 47% trẻ em dưới 14 tuổi (chiếm khoảng 20% dân số, tương đương hơn 21 triệu người) hiện sống trong cảnh nghèo khổ và đối tượng này là nạn nhân chính của tình trạng bạo lực và bị bóc lột sức lao động.

Mỗi năm, có khoảng 700 trẻ em bị sát hại, trung bình 2 vụ/ngày, tập trung chủ yếu ở trẻ trong độ tuổi từ 5-14. Trong 3 thập niên gần đây tỷ lệ trẻ em nghèo đói đã tăng trung bình 3%/năm.

Mối nguy từ nạn xâm hại tình dục.

Không ngày nào báo chí không đưa tin về các vụ xâm hại tình dục ở trẻ em trên thế giới. Từ các nước phát triển cho tới các nước nghèo, từ các quốc gia ổn định đến các nước đang bất ổn do xung đột, trẻ em luôn là đối tượng bị xâm hại tình dục với nhiều hình thức khác nhau.

Tháng 4-2008 vừa qua, thế giới bàng hoàng khi nghe tin về thảm kịch giáo phái đa thê ở hạt Eldorado, bang Texas (Mỹ). 416 em gái đã được cứu thoát khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục và ngược đãi về thể chất.

Khó có thể tưởng tượng được rằng ngay ở thế kỷ 21 này, vẫn còn những trẻ em phải sống cuộc sống khép kín trong trang trại rộng 676,4ha của một giáo phái hủ bại. Nhiều em mới 16 tuổi đã là mẹ của 3 - 4 đứa con. Các em vừa đến tuổi dậy thì đã bị ép lấy chồng hơn mình 50 - 60 tuổi.

Trẻ em ở các quốc gia đang trong tình trạng bất ổn là những đối tượng bị rủi ro nhiều nhất.

Cuối tháng 5-2008, tổ chức Bảo vệ trẻ em của Anh đã công bố một báo cáo gây sốc, khi khẳng định một số nhân viên cứu trợ và nhân viên lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã xâm hại tình dục nhiều trẻ em, trong đó có những em mới 6 tuổi. Nạn nhân là trẻ em thuộc các lãnh thổ, quốc gia vừa trải qua các cuộc xung đột vũ trang, sắc tộc.

Báo cáo khẳng định tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra tràn lan nhưng không có biện pháp trừng phạt nào với các nhân viên thuộc các tổ chức cứu trợ hay lực lượng gìn giữ hòa bình.

Báo cáo còn dẫn chứng cụ thể về một em bé 13 tuổi người Bờ Biển Ngà đã bị 10 nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình cưỡng dâm tập thể tại một cánh đồng gần nhà. Sau khi thực hiện hành vi đồi bại, họ còn bỏ mặc nạn nhân đau đớn nằm trên mặt đất.

Những hành động trắng trợn như vậy diễn ra thường xuyên mà không bị bất kỳ sự ngăn cản nào và trẻ em tiếp tục là đối tượng bị lạm dụng, xâm hại.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Cuba là một trong số đó. Không phải là quốc gia giàu có và phát triển nhưng với những chính sách và nỗ lực của mình, Cuba đã được UNICEF coi là một tấm gương mẫu mực cho thế giới noi theo.

UNICEF đánh giá rất cao chương trình chăm sóc thiếu niên và nhi đồng toàn diện và đồng bộ mà Chính phủ Cuba triển khai trong hơn 45 năm qua nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo và tăng cường điều kiện thể lực và sức khỏe cho thế hệ trẻ.

Những nỗ lực của Cuba trong việc phòng chống tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em, một trong những tội ác đang gây nhức nhối trên thế giới hiện nay, khiến thế giới phải khâm phục.

Mô hình của Cuba cho thấy sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em không hoàn toàn phụ thuộc vào sự giàu nghèo của đất nước.

Hà Vy (tổng hợp)
(SGGP 12G)


Bài 2: Internet, con dao hai lưỡi

Tin cùng chuyên mục