Cuộc đời bi kịch của một nữ tướng cướp - Bài 1: Nữ hoàng giang hồ

Cuộc đời bi kịch của một nữ tướng cướp - Bài 1: Nữ hoàng giang hồ
Cuộc đời bi kịch của một nữ tướng cướp - Bài 1: Nữ hoàng giang hồ ảnh 1

Những người ủng hộ “Nữ hoàng giang hồ” Phoolan Devi đã gần như nổi loạn vào ngày nghe tin bà bị ám sát, ngày 25-7-2001. Các thành viên đảng Samajwadi ném đá và đập kính xe hơi ngoài phố, khi quy kết các đối thủ chính trị có thể gây ra cái chết cho người nữ anh hùng của mình.

Tại Uttar Pradesh - bang quê hương của Devi - một người đã bị giết khi cảnh sát nổ súng vào nhóm biểu tình gây bạo động bởi quá kích động trước cái chết bất ngờ của Devi.

Một nhóm ba tên mang mặt nạ đã vãi đạn vào người đàn bà từng danh chốn giang hồ 37 tuổi này khi bà trở về nhà từ Quốc hội. Thủ tướng Ấn Độ, Atal Behari Vajpayee, là một trong những người đầu tiên đến viếng tang lễ Phoolan Devi trước khi thi hài bà được thiêu...

“Robin Hood” của người nghèo Ấn Độ

Được xem là một huyền thoại trong xã hội Ấn Độ, Phoolan Devi từng trải qua những năm tháng dài sống đời thổ phỉ tại vùng hẻm núi Chambal, từng bị ngồi tù 11 năm và rồi trở thành thành viên Quốc hội.

Cuộc đời bà - đã được dựng thành phim (bản DVD mới phát hành) - đầy những chi tiết mang màu sắc huyền thoại... Một buổi chiều tháng 2-1983, Phoolan Devi - mệnh danh “dasyu sundari” (nữ tướng cướp xinh đẹp) - khoác tấm chăn len nâu, dẫn một nhóm gồm 12 người băng qua vùng hẻm núi Chambal thuộc bang Madhya Pradesh.

Trên vai mang súng, hông đeo dao găm và dây băng đạn quấn chéo ngực, Devi thỉnh thoảng liếc nhìn viên cảnh sát Rajendra Chaturvedi, người đã bỏ nhiều thời gian mạo hiểm vào khu vực này để thuyết phục Devi đầu thú.

Bốn năm đã trôi qua từ khi Devi cát cứ vùng Chambal. Đầu bà được treo với giá 10.400 USD, bởi tội danh thực hiện hàng loạt cuộc giết người cướp của và bắt cóc tống tiền. Hai năm trước, 1981, bà đã gây ra một sự kiện chấn động mà báo chí gọi là “cuộc thảm sát Ngày tình yêu”, với 22 nạn nhân bị giết. Từ đó, người ta gọi bà là bằng đủ biệt danh: Nữ hoàng giang hồ, Nữ thần hoa, Nữ tướng cướp xinh đẹp... Lúc ấy, Devi khoảng 16 tuổi.

Người nghèo yêu bà vì Devi đánh cướp kẻ giàu để ban phát cho họ. Phim ảnh huyền thoại hóa băng cướp của bà vì cho rằng đó là những kẻ phản loạn có nguyên cớ. Do đó, tin Devi chịu đầu thú đã gây một bất ngờ lớn.

Gần như tất cả phóng viên nước ngoài có mặt ở New Delhi đều chờ sẵn. Tuy nhiên, không ai biết Devi thật sự là người như thế nào và cũng không ai biết mặt bà. Cảnh sát Ấn Độ thời điểm đó thậm chí còn không có ảnh bà.

Sáng hôm sau (tháng 2-1983), với gia đình, những người trong băng cướp và đồng thủ lĩnh Man Singh của mình, Devi leo lên bục đài cao, trang trí bằng vải đỏ-xanh-vàng. Cô vận bộ đồng phục cảnh sát mới toanh, quấn băng đỏ ngang trán, vai đeo súng, cổ tay đeo chiếc vòng bạc biểu hiện cho niềm tin tôn giáo Sikh và ngực áo cài huy hiệu mang hình Durga - nữ thần Hindu Shakti tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh.

Sau khi cúi chào trước ảnh Gandhi và Durga, Devi quỳ gối và chạm vào chân Arjun Singh (thủ hiến bang Madhya Pradesh). Quay lại, cô được đám đông khoảng 80.000 người tung hô. Người ta bây giờ mới thật sự tin Devi ra đầu hàng, từ bỏ con đường giang hồ và những năm tháng sống trong rừng núi làm một “Robin Hood” cho người nghèo Ấn Độ.

Devi chấp nhận bị tù, dường như ân hận từ những gì mình gây ra. 11 năm sau, tháng 2-1994, Devi được thả, sau khi tân thủ hiến Mulayam Singh Yadav của bang Uttar Pradesh (nơi “cuộc thảm sát Ngày tình yêu” xảy ra) quyết định ban lệnh ân xá.

Cuộc thảm sát Ngày tình yêu

Sự kiện “cuộc thảm sát Ngày tình yêu” từng gây chấn động khắp Ấn Độ cũng như dư luận thế giới. Chuyện xảy ra vào năm 1981, tại làng Behmai trên bờ sông thiêng Yamuna, nơi ở của 50 gia đình bần nông thuê đất của những người thuộc Thakur (đẳng cấp hàng thứ hai theo thang bậc của người Brahman).

Không có con đường chính nào dẫn đến Behmai, muốn đến đó chỉ có cách duy nhất là lội qua sông hay băng qua những hẻm núi hẹp và các cánh đồng trống. Không ai ở làng Behmai chú ý đến nhóm người khoảng 12 gương mặt lạ, vận cảnh phục, do một cô gái dẫn đầu.

Cô cũng vận áo cảnh sát, quần jeans, giày bốt. Môi cô sơn đậm, móng tay đỏ và tóc búi theo kiểu lạ mắt. Một khẩu Sten mang trên vai và băng đạn quấn chéo ngực, cô gái cầm chiếc loa to, khi đám đông dân làng bắt đầu kéo ra xem nhóm người lạ đang tiến đến ngôi đền làng thờ vị thần phá hoại Shiva.

Nhóm người lạ ngồi xuống và bắt đầu cầu nguyện. Sau đó, cô gái cầm loa, nói: “Nếu các người còn quý mạng sống mình thì hãy nộp tất cả tiền, bạc và vàng. Tôi biết Lala Ram Singh và Sri Ram Singh (hai thổ phỉ đối thủ) đang trốn trong làng này. Nếu các người không nộp họ, tôi bắn nát thây các người. Đây là Phoolan Devi. Jai Durga Mata! (Chiến thắng cho Durga)”. Sau đó, đồng bọn của Devi lục soát các gia đình Thakur.

Sau gần một giờ, họ vẫn không thấy bóng dáng anh em thổ phỉ Ram và dân làng vẫn luôn miệng nói họ không biết gì. Nổi giận, Devi ra lệnh đàn em bao vây làng và 30 nạn nhân bị kéo đến cái giếng. Sau đó, các nạn nhân được đưa đến bờ sông. Họ bị buộc quỳ gối, mặt úp xuống đất. Tiếng súng vang lên. Thân thể 30 nạn nhân bật lên và gục xuống. 22 người bị chết.


Phúc cẩm
(SGGP 12G)


Bài 2: cuộc đời được huyền thoại hóa Phoolan Devi thời lăn lộn giang hồ

Tin cùng chuyên mục