Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Nhiệm vụ cấp bách: Đối phó bão số 6

Nhiệm vụ cấp bách: Đối phó bão số 6

Chiều qua 28-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã triệu tập các bộ, ngành liên quan để bàn các biện pháp cấp bách đối phó diễn biến phức tạp của cơn bão số 6 (Xangsane).

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, lúc 22 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 15,6 độ vĩ Bắc; 118,5 độ kinh Đông, trên khu vực giữa biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (khoảng 118 - 133 km/giờ), giật trên cấp 12. Dự báo, trong khoảng 24 đến 48 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km về phía Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 10, cấp 11; vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội. Đuôi rìa Tây Nam của bão sẽ quét qua một vùng rộng lớn từ miền Trung cho đến mũi Cà Mau và cả vùng biển Kiên Giang. Đây là cơn bão có cường độ cực mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, tốc độ di chuyển nhanh.

Hướng di chuyển của bão tính đến 21 giờ 30 ngày 28-9.

Hướng di chuyển của bão tính đến 21 giờ 30 ngày 28-9.

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đối phó với cơn bão số 6 là công việc cấp bách của đất nước trong thời điểm hiện tại. Thủ tướng yêu cầu phải chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai các giải pháp với nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Bộ Thủy sản phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và các địa phương kêu gọi tàu về nơi trú ẩn an toàn hoặc sơ tán ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Bộ Quốc phòng bắn pháo hiệu, sử dụng máy bay kiểm tra trên biển và thông báo cho ngư dân; không để tàu, thuyền tiếp tục ra khơi.

Ngoài ra, cần chuẩn bị triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên sông, trên biển và đất liền… Các phương án bảo vệ hồ, đập, đê điều và công trình thủy lợi phải được Bộ NN-PTNT kiểm tra cẩn thận. Cần tập trung lực lượng, vật tư để củng cố các tuyến đê biển, đê cửa sông và chuẩn bị các phương án xử lý khi công trình có sự cố.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ với Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan, một số nước trong khu vực tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam được lên các đảo tránh bão.

* Cùng ngày, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương có công điện khẩn 49 CĐ-PCLBTW gửi tất cả tỉnh, thành ven biển và các bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, Thủy sản, GT-VT, Tổng cục Du lịch... yêu cầu chuẩn bị phương án sơ tán dân ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở núi và chủ động sơ tán trước khi nước biển dâng cao, gây lũ lớn và sạt lở đất.

Các tỉnh cần nhắc nhở người dân triển khai chằng chống nhà cửa, tổ chức cảnh báo và giám sát chặt chẽ hoạt động đò ngang, đò dọc, các ngầm qua sông suối khi có lũ, chuẩn bị tốt về nhân lực, vật tư yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt, tập trung chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, chăn, màn, áo phao, phao cứu sinh và các phương tiện để đảm bảo đời sống, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt đối với vùng có nguy cơ bị chia cắt khi có lũ.

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cũng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại TP Đà Nẵng để trực tiếp chỉ đạo, đối phó với bão số 6. Đồng thời, 3 đoàn công tác được thành lập để đi kiểm tra đôn đốc các địa phương.

Chủ tịch Ủy ban TKCN có công điện khẩn số 474 gửi Ban Chỉ đạo PCLB- TKCN các bộ, ngành, địa phương. Công điện khẩn nêu rõ, phải thường xuyên thông báo cho các tàu thuyền hoạt động trong khu vực bị ảnh hưởng của bão để kịp thời phòng tránh.

  • Đà Nẵng: Còn 283 tàu thuyền ngoài khơi

Nhiệm vụ cấp bách: Đối phó bão số 6 ảnh 2

Người dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) kéo thuyền lên bờ chiều 28-9 nhằm tránh bão số 6. Ảnh: NGUYỄN NGUYÊN

Sáng 28-9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp bàn biện pháp phòng chống bão số 6. TP chỉ đạo việc khẩn trương tổ chức PCLB, ưu tiên chống ngập úng, nhất là đối với khu Tây Nam Hòa Cường; giao UBND huyện Hòa Vang bảo vệ hai hồ chứa nước Đồng Nghệ (Hòa Khương) và Hòa Trung (Hòa Bắc) đề phòng vỡ hồ chứa… UBND TP bắt buộc tàu vào trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang; nghiêm cấm đậu tàu dọc bờ sông Hàn và vùng biển khu vực 3. Đà Nẵng hiện còn 283 tàu thuyền với 2.208 ngư dân ngoài khơi.

  • Thừa Thiên - Huế: Di dời trên 1.000 hộ dân

Tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức di dời trên 1.000 hộ dân ven vùng đầm phá (Thuận An, Tư Hiền, Hải Dương) đến nơi an toàn. Giao cho Bộ đội biên phòng tổ chức túc trực và sẵn sàng triển khai để gia cố đập Hòa Duân, cửa biển Thuận An nếu xảy ra sạt lở.

  • TPHCM: Hồ Trị An và Cần Đơn xả lũ

Tối 28-9, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB TPHCM Nguyễn Ngọc Công cho biết, TP đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng với Bộ đội Biên phòng TP liên lạc và thông báo các tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi xa tìm cách trở về đất liền. Đến tối qua, khoảng 80% tàu thuyền TP về đến Cần Giờ, số còn lại đã vào trú đậu tại Côn Đảo. Hiện nay hồ Trị An, Cần Đơn đã xả lũ để giảm bớt lượng nước tích trong hồ, chuẩn bị đối phó nếu bị ảnh hưởng bão. 

Nhóm PV 

Nhiệm vụ cấp bách: Đối phó bão số 6 ảnh 3
 

Thông tin liên quan

Xuất hiện bão mạnh trên cấp 12 ở Biển Đông 

Tin cùng chuyên mục