Công điện của Thủ tướng Chính phủ:

Nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1)

  • Dập tắt ngay các ổ dịch

Ngày 22-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 2119/CĐ-TTg gửi lãnh đạo các địa phương và bộ ngành trên cả nước chỉ đạo một số vấn đề trước nguy cơ bùng phát dịch cúm trong thời gian gần đây.

Theo đó, Thủ tướng đánh giá: Sau một năm không để xảy ra dịch cúm gia cầm và không có trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) ở người trên phạm vi cả nước, nhưng đến đầu tháng 12 này, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một số xã tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu. Nguy cơ tái phát, lây lan dịch là rất lớn, đặc biệt là từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2007.

Để bao vây khống chế, ngăn chặn kịp thời dịch cúm gia cầm lây lan và tái phát, không để xảy ra dịch cúm A (H5N1) ở người, Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh ngay công tác tổ chức chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm ở địa phương và hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp.

Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải chỉ đạo quyết liệt, xác định phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và luôn đặt trong tư thế sẵn sàng tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Huy động các lực lượng, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch đến từng cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi. Khi trong đàn gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh cúm, phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, đồng thời phải tiêu hủy ngay các đàn gia cầm bị bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y để bao vây dập tắt ổ dịch ngay từ đầu, không để dịch bệnh lây lan.

Đối với vùng có nguy cơ cao, Thủ tướng chỉ đạo: ngoài việc áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch phải chỉ đạo tiêm phòng vaccine bắt buộc cho toàn bộ đàn gia cầm, kể cả gia cầm chưa được tiêm và gia cầm mới phát sinh.

Kiểm soát chặt chẽ về thú y trong vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, nhất là tại các đô thị, nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ cao về dịch; chỉ buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm soát về thú y.

Tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, nơi có ổ dịch cũ, chợ buôn bán và cơ sở giết mổ gia cầm. Các tỉnh có biên giới đường bộ với các nước láng giềng chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nước ta, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương để phòng, chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy do dịch cúm theo quy định hiện hành, trường hợp có khó khăn phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để dịch xảy ra do chủ quan, lơ là, chỉ đạo không quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ: NN-PTNT, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm; Bộ Y tế, Bộ VH-TT; Thương mại, Công an, GT-VT, Quốc phòng, TN-MT, KH-CN và các bộ, ngành chức năng chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các lực lượng liên ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công.

BÌNH CHÂU

Thông tin liên quan

- Chung sức vì một Việt Nam không cúm gia cầm

- Quyết liệt hơn trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm

- Có dấu hiệu lan rộng ở Cà Mau

Tin cùng chuyên mục