Cháy xong mới lo... phòng chống

Cháy xong mới lo... phòng chống
Cháy xong mới lo... phòng chống ảnh 1

Bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra từ vụ cháy vừa xảy ra tại Trung tâm thương mại chợ Lớn ở Quy Nhơn (Bình Định) đã “trải dài” suốt Hội nghị toàn quốc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì tại Dinh Thống Nhất, TPHCM vào ngày 22-12. Và kết thúc với chỉ đạo mới nhất của Chính phủ: Dù chưa xảy ra sự cố hay xảy ra rồi thì việc đầu tư cho công tác phòng và chữa cháy phải được các địa phương lập quy trình, giải pháp cụ thể để thực hiện ngay trong năm 2007.

  • Nóng bỏng “bài học chợ Lớn - Quy Nhơn”

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: Tình hình nguy cơ tiềm ẩn cháy, hậu quả hay công tác phòng, chống cháy nổ thì mỗi địa phương mỗi khác và có đặc thù riêng. Nhưng có một thực tế là trước nay cháy lớn xảy ra ở tỉnh, thành nào thì ngay sau đó địa phương đó tập trung đề ra các giải pháp chấn chỉnh khá tốt về lực lượng, phương tiện phòng và chống cháy.

Cụ thể, như ở thủ đô Hà Nội (sau vụ cháy chợ Đồng Xuân) và TPHCM (sau vụ cháy ở ITC). Vụ cháy Trung tâm thương mại chợ Lớn Quy Nhơn (tỉnh Bình Định - ảnh) cũng không là ngoại lệ. Theo ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi xảy ra cháy, dù lực lượng chữa cháy rất dũng cảm đương đầu với cái nóng khủng khiếp của lửa nhưng vẫn “bất tòng tâm”.

Cả tỉnh Bình Định chỉ có 10 xe chữa cháy. Với địa bàn kéo dài hơn 100 cây số nên khi xảy ra sự cố thì điều động xe chữa cháy ở tỉnh Phú Yên đến còn nhanh hơn xe chữa cháy của tỉnh nhà. Chợ xây dựng từ năm 1985 với quy mô “chống trộm nhiều hơn chống cháy” nên khi xảy cháy thì không thể nào tiếp cận ngọn lửa. Đã vậy lực lượng tại chỗ còn “luýnh quýnh” (dù mới diễn tập PCCC chưa đầy tháng), họng nước có nhưng vòi dẫn nước bằng nhựa đã bị cháy.

Hàng ngàn bình xịt trong chợ cũng bị vô hiệu hóa vì lực lượng bảo vệ và Ban quản lý chợ hầu như không ai có mặt tại hiện trường. Và thiệt hại nặng nề là điều không tránh khỏi!”.

  • Hiểm họa luôn tiềm ẩn

Theo số liệu thống kê, 5 năm qua, trên toàn quốc đã xảy ra 8.271 vụ cháy; làm chết và bị thương 1.468 người; thiêu hủy tài sản trị giá 1.548,3 tỷ đồng; thiệt hại 33.273 ha rừng…

Bình quân mỗi năm nước ta đã xảy ra 1.654 vụ cháy. So với một số nước trên thế giới và trong khu vực thì số vụ cháy ở nước ta đã được kiềm chế ở mức thấp.

Tuy nhiên, trong số 90 vụ cháy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (gọi chung là khu công nghiệp) gây thiệt hại 343,3 tỷ đồng đã cho thấy tình hình PCCC tại khu vực vốn được đầu tư quy mô này chưa được quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “Thiên tai rồi sẽ đi qua nhưng hiểm họa về cháy thì vẫn còn tiềm ẩn”. Ông chỉ đạo các địa phương cần xem phòng và chữa cháy như một chiến lược lâu dài và không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Rút kinh nghiệm từ tỉnh Bình Định thì công tác “phòng” là chính nhưng “chống” lại có ý nghĩa quyết định! Hơn 5 năm qua ngân sách chỉ tập trung có 500 tỷ đồng là quá ít.

Trong năm 2007, Chính phủ sẽ vận dụng xã hội hóa PCCC, tận dụng các nguồn thu cần thiết bổ sung ngân sách để đầu tư “ba hay bốn lần 500 tỷ đồng” mới thỏa mãn nhu cầu trong tình hình mới. 

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Cục PCCC, Bộ Công an. Đây là phần thưởng cao quý cho các thế hệ lực lượng Cảnh sát PCCC trong việc dũng cảm tham gia bảo vệ tài sản của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục