Từ vụ “nhốt” người ở Viện Thẩm mỹ Á Châu

Xem lại biện pháp và hiệu quả của Thanh tra Sở Y tế

Theo thông tin từ báo SGGP (ngày 5-10), Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM Nguyễn Đức An cho biết: Kết thúc đợt thanh tra hành nghề y dược đợt 1 năm 2006, đã phát hiện trên 500 cơ sở hành nghề y và nhà thuốc vi phạm.

Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử lý hành chính các cơ sở vi phạm trên 1,4 tỷ đồng, buộc ngưng hoạt động 21 phòng khám-phòng mạch tư, 18 nhà thuốc và 10 phòng chẩn trị y học cổ truyền.

Những con số nêu trên cho thấy việc vi phạm của các cơ sở hành nghề y và nhà thuốc đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.

Với trên 500 cơ sở vi phạm, nhưng chỉ xử lý theo hướng buộc ngưng hoạt động 21 phòng khám, 18 nhà thuốc, xem ra là chưa thỏa đáng. Biện pháp xử lý không kiên quyết, dẫn đến việc sai phạm trở nên phổ biến. Chưa nói đến thực tế là còn nhiều cơ sở hành nghề y chưa được thanh tra, thì liệu con số vi phạm có dừng lại 500?

Việc sai phạm này liệu có liên quan đến việc cấp phép hành nghề cũng như hoạt động thanh tra của Sở Y tế? Trở lại vụ việc “nhốt” người bệnh và mổ “liều” tại Viện Thẩm mỹ Á Châu của ông Nguyễn Xuân Ái, dư luận nghi ngờ về công tác thanh tra cũng như cấp phép hoạt động của Sở Y tế chưa hiệu quả.

Theo thông tin, ngày 9-5-2006 Sở Y tế TPHCM phát hiện văn bằng tiến sĩ y khoa của ông Nguyễn Xuân Ái có một số điểm bất thường: Văn bằng được viết bằng bút lông.

Dấu của Tòa Viện trưởng Viện Đại học Huế đóng ở góc phải bị nhòa. Văn bằng ghi làm tại Sài Gòn ngày 26-4-1975 và Viện Đại học Huế cấp ngày 27-4-1975, nhưng vào thời điểm này Huế đã giải phóng được 1 tháng, còn Sài Gòn thì đang trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thì làm sao việc xét và cấp bằng ở hai địa điểm cách nhau trên cả ngàn kilômét mà chỉ diễn ra đúng 1 ngày, vào một thời điểm đi lại rất khó khăn?

Những biểu hiện được phát hiện như thế mà thanh tranh Sở Y tế không xác minh ngay. Đến khi vụ việc của chị P.T.N.D. bị giam lỏng được “giải cứu” thì ngày 4-10-2006, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP mới cho biết sẽ đích thân làm văn bản gửi Trường Đại học Y khoa Huế nhờ xác minh.

Chưa nói đến, trước đây hơn 1 tháng, qua kiểm tra một số cơ sở giải phẫu thẩm mỹ do ông Nguyễn Xuân Ái và người thân của ông đứng tên, Thanh tra Sở Y tế đã phạt 6 cơ sở với mức phạt 7,5 triệu đồng/cơ sở vì quảng cáo quá lố.

Chăm sóc sức khỏe của người dân, trước hết là quyền lợi và trách nhiệm của chính bản thân mỗi người. Các cơ sở y tế của nhà nước vẫn hoạt động trong tình trạng quá tải, nhiều thủ tục hành chính phiền hà, phức tạp.

Người dân vẫn tìm tới những cơ sở hành nghề y tư nhân. Nhưng với việc cấp giấy phép hành nghề, hoạt động thanh tra, kiểm tra còn nhiều “lỗ hổng”, cũng như việc xử lý chủ yếu là phạt tiền, thì chưa đủ hiệu quả để chấn chỉnh hoạt động các cơ sở y tế tư nhân. Hậu quả cuối cùng người dân gánh chịu. Vụ việc của chị D. là một minh chứng rõ ràng. 

NGỌC LỮ

Thông tin liên quan

Bằng tiến sĩ y khoa của BS Nguyễn Xuân Ái có dấu hiệu bất thường

Đề nghị rút giấy phép hoạt động của Viện thẩm mỹ Á Châu 

Thêm một nạn nhân của giải phẫu thẩm mỹ

Tin cùng chuyên mục