Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên: “Hoa tím ngày xưa ” là “Thời kỷ niệm”

Từ 17 giờ chiều hôm qua (25-11) nhiều cú điện thoại goi về Tòa soạn báo SGGP và gia đình hỏi thăm và chia buồn nhà thơ Cao Vũ Huy Miên qua đời. Bạn bè, dồng nghiệp, đồng hương …ai cũng thương cảm và bàng hoàng. Dẫu biết chuyện đi xa của anh là điều sẽ đến.
Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên: “Hoa tím ngày xưa ” là “Thời kỷ niệm”

Từ 17 giờ chiều hôm qua (25-11) nhiều cú điện thoại goi về Tòa soạn báo SGGP và gia đình hỏi thăm và chia buồn nhà thơ Cao Vũ Huy Miên qua đời. Bạn bè, dồng nghiệp, đồng hương …ai cũng thương cảm và bàng hoàng. Dẫu biết chuyện đi xa của anh là điều sẽ đến. 

Nhà thơ, nhà báo Cao Vũ Huy Miên

Nhà thơ, nhà báo Cao Vũ Huy Miên

Sáng thứ 2 (24-11) Huy Miên còn điện thoại xin nghỉ dự họp giao ban vì mệt. Vậy mà 17 giờ chiều thứ 3 (25-11-2008) anh đã ra đi. Khoảng hơn 2 tháng nay, Huy Miên cố gượng đến tòa soạn làm việc.

Bữa nào khỏe, anh còn đùa giỡn một cách hóm hỉnh. Anh em bạn bè mừng và lại lo cho anh. Trông anh yếu lắm rồi. Căn bệnh tiểu đường quái ác đã quật ngã anh ở cái tuồi sung sức, chín chắn của một người đàn ông viết văn, viết báo.

Cao Vũ Huy Miên tên thật là Đinh Đoan Hùng, sinh ngày 31-12-1955 tại xã Xuyên Trà, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Dáng người thấp đậm, vững chắc và có phần bặm trợn , khiến ai mới gặp có phần e ngại. Ngược lại tính tình Huy Miên lại hiền lành, chân thành và ngay thẳng, dung dị. Chữ Huy Miên rất đẹp hiện đại và dễ đọc.

Thơ Cao Vũ Huy Miên cũng thể hiện cái cốt cách tâm lòng anh, điệu tâm hồn của anh. Những bài thơ rải rác trên các báo, những bài thơ trong 2 tập thơ của anh là “Thời kỷ niệm” và “Hoa tím ngày xưa” phản ánh một Cao Vũ Huy Miên dễ gần, dễ thương, dễ cảm.

Cao Vũ Huy Miên thường viết về những kỷ niệm đẹp, về cô bạn gái có tên, không tên và gần như bao giờ cũng có các loài hoa …Kỷ niệm đẹp, đẹp như là có chút tình yêu trong sạch mà e ngại, đẹp như kỷ niệm có chút man mác buồn, nhớ lâu và sâu.

Tôi gọi Cao Vũ Huy Miên  là nhà thơ của kỷ niệm. Tôi nhẩm lại vài câu thơ của anh mới được NXB Trẻ in trong tập “Thơ tình Sài Gòn”:

"Anh xa em thật rồi
Bỏ lại sau lưng
Chuỗi ngày dài mùa hạ
Bỏ lại phía sau
Có những chùm hoa nở
Trên con đường
Mà chúng ta vẫn thường qua” …

Hay hàng loạt thơ Cao Vũ Huy Miên trên các báo Xuân TPHCM 2008

"Để rồi bỗng nhớ
Ra mình cô đơn
Từ nay thôi hết
Còn ai dỗi hờn”...

"Đôi khi ước mình trẻ lại
Chiều mưa khăn gói lên đường
Để được cùng em sống mãi
Một thời phiêu bạt gió sương”…

Đặc biệt là bài thơ “ Hoa tím ngày xưa” của anh , nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc, được đông đảo các thế hệ học sinh sau 1975 yêu thích, thuộc và hát.

Nhà thơ, nhà báo Cao Vũ Huy Miên mừng sinh nhật lần thứ 52
Nhà thơ, nhà báo Cao Vũ Huy Miên mừng sinh nhật lần thứ 52

Cao Vũ Huy Miên ơi, có điều gì trong thơ anh mà khi còn sống làm việc cùng anh, chúng tôi chưa thấu hiểu. Anh cứ nhớ về kỷ niệm. Bây giờ xa nhau thật xa, chúng tôi mới hiểu ra rằng, anh gởi lại những ngày chúng ta sống rồi sẽ là những kỷ niệm đẹp. Và thực ra, đó là những kỷ niệm đẹp.

Chị Hồng, vợ anh, một ca sĩ TNXP cùng thời với anh, kể lại rằng, trước khi đi xa, anh có nguyện vọng, đem đến Bình Hưng Hòa hỏa táng anh, lấy tro hài cốt của anh đổ xuống sông Sài Gòn.

Vợ và con gái hỏi, anh nói :Đừng xây mộ, vừa tốn kém lại thường xuyên phải  viếng thăm tội nghiệp và vất vả lắm. 

Anh ra đi mãi mãi trong giấc ngủ sâu, trầm tĩnh, yên lặng, đơn giản như tính tình của anh.

Mùa xuân năm ngoái, anh viết

"Ta ngồi bên sông
Thấy sông lồng lộng”…

mùa xuân năm nay, anh muốn được lẫn sóng sông …đi ra biển cả rồi, Cao Vũ Huy Miên ơi !

Vũ Ân Thy

Nhắc đến Cao Vũ Huy Miên, ai cũng nhớ đến Hoa tím ngày xưa. Nhưng giờ thì Hoa tím ngày xưa vẫn còn đó, vậy mà… 

Chúng tôi giới thiệu với độc giả bài thơ Hoa tím ngày xưa và bài viết của chính tác giả Cao Vũ Huy Miên về sự ra đời của bài thơ này!

Hoa tím ngày xưa

Con đường em về ban trưa
Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ
Tuổi em vừa tròn mười bảy
Tóc em vừa chớm ngang vai

Con đường em về mưa bay
Ta đứng trông theo bao ngày
Từ bao giờ lòng cứ ngỡ
Yêu người mà nào có hay!

Con đường em về thơm hương
Ngọc lan khuya rụng trong vườn
Tiếng dương cầm đâu lặng lẽ
Đưa ta về phía cuối đường

Con đường em về năm xưa
Có biết hay chăng bây giờ
Hoa tím thôi không chờ nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa...

Thời còn học trung học ở Đà Nẵng, mỗi sáng đến trường, tôi thường đi ngang qua một ngôi nhà đầy vẻ u tịch, phía trước có giàn hoa giấy màu tím sẫm và trong sân có cội ngọc lan già lúc nào cũng tỏa hương. Điều khiến tôi càng thêm chú ý là từ ngôi nhà, đôi khi lại văng vẳng tiếng dương cầm…Và một người con gái đẹp đi học chung đường…

Tôi làm quen được em nhờ những tháng ngày kiên trì lẽo đẽo theo sau với một tâm hồn lãng mạn rất thơ ngây và những bài thơ hoa bướm vụng dại. Mối tình học trò nẩy nở nhẹ nhàng với những buổi hẹn hò đi ăn bánh bèo Huế, chè đêm, cùng những câu chuyện mưa nắng bâng quơ, đôi khi cũng có những dỗi hờn để không gặp nhau vài ba bữa…

Nhưng rồi, đậu tú tài tôi phải đi học xa và xa mãi mối tình đầu. Em đi lấy chồng, gởi cho tôi một phong thư, bên trong chỉ là trang giấy trắng và những cành bông giấy màu tím sẫm ép khô! Nhìn những cánh hoa mỏng manh sắc tím, tôi có cảm giác như trong đó còn thấm đẫm những giọt nước mắt…

Tôi trở về thành phố cũ, một buổi chiều mưa bay, dù ngại ngần nhưng không hiểu sao vẫn muốn đi ngang qua ngôi nhà cũ của em và bất chợt dừng lại trú mưa dưới giàn hoa giấy…

Từ đây một tứ thơ sáu chữ bỗng hình thành trong đầu và trong đêm đó tôi đã viết nên bài Hoa tím ngày xưa: “Con đường em về ban trưa, Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ - Tuổi em vừa tròn mười bảy - Tóc em vừa chấm ngang vai… Con đường em về thơm hương, ngọc lan khuya rụng trong vườn - Tiếng dương cầm đâu lặng lẽ - Đưa ta về phía cuối đường… Con đường em về năm xưa - Có biết hay chăng bây giờ - Hoa tím thôi không chờ nữa - Chỉ còn ta đứng dưới mưa…”.

Bài thơ được đăng trên báo Tuổi Trẻ vào năm 1985, ngay sau đó được hai nhạc sĩ Võ Công Anh và Vũ Hoàng phổ nhạc, song lúc đó cả hai bài hát ấy chưa được chú ý. Vào khoảng năm 1998, trên thị trường băng, đĩa nhạc xuất hiện bài hát Hoa tím ngày xưa của tác giả Hữu Xuân với giọng hát của ca sĩ Lam Trường.

Lúc đó tôi nghĩ, Hữu Xuân chắc là một nhạc sĩ trẻ sáng tác bài hát trùng tên với bài thơ của tôi. Một bữa, ngồi coi tiết mục tập hát “Bài hát được nhiều người ưa thích - Hoa tím ngày xưa” do ca sĩ Võ Thu Hà hát trên sóng VTV3, tôi mới nhận ra đó là lời bài thơ của tôi.

Lúc đó, tôi thực sự băn khoăn và không hiểu vì sao nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc bài thơ, nhưng lại không liên hệ với tôi. Và vì sao tên tác giả bài thơ đã không được giới thiệu? Qua một bài viết trên báo, nhạc sĩ Hữu Xuân đã đến tòa soạn tìm gặp tôi.

Thật bất ngờ, khi biết nhạc sĩ Hữu Xuân là một bậc cao niên thuộc lớp nhạc sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, từng là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc (Nhà hát Ca múa nhạc trung ương). Ông than trời chuyện đi tìm tôi, bởi ông đã đến tòa soạn 10 lần, nhưng lần nào cũng được báo tôi đi công tác.

Sau này, ngồi nhâm nhi với nhau, nhạc sĩ Hữu Xuân kể: Một buổi chiều trú mưa dưới hiên một quán sách, anh thoáng thấy tập thơ có tên Hoa tím ngày xưa khá lãng mạn, anh mua về đọc và rất yêu cách chia tay của mối tình trong bài thơ cũng như khổ thơ sáu chữ giàu ngữ điệu.

Anh đã phổ nhạc và hoàn chỉnh bài hát ngay trong đêm.

Bài hát này có phần hay hơn là nhờ phần hòa âm của nhạc sĩ, ca sĩ Nhật Trung- con trai anh (hiện đang học tập và hoạt động âm nhạc tại Mỹ)- với tiết tấu dạo đầu khá ấn tượng, chỉ cần trỗi lên vài nốt là người nghe đã nhận ra… Hoa tím ngày xưa…

Thơ và nhạc thành duyên, điều quan trọng có lẽ là sự cảm nhận từ người nhạc sĩ. Tôi hết sức cảm ơn nhạc sĩ Hữu Xuân đã chắp cánh để bài thơ của mình thành một bản nhạc hay, được nhiều người yêu mến. Cũng từ bài hát này, giữa anh và tôi cùng ca sĩ Lam Trường đã trở thành những người anh em thân thiết...

Cao Vũ Huy Miên 

Tin cùng chuyên mục