Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 kết thúc với một thực tế đáng báo động khi danh sách các ngành học ở một số trường ĐH được tuyên bố ngưng đào tạo tăng đột biến so với năm 2009. Trong đó, những ngành mang ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của các địa phương như Kỹ thuật cơ khí, Nông lâm qua nhiều năm lay lắt cũng chính thức khai tử. Vậy nguyên nhân do đâu?
Nhìn lại những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều chuyên gia bỗng giật mình khi nhiều ngành nghề đào tạo mọc lên như nấm. Nếu như mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009, cả nước có hơn 4.300 ngành học thì đến năm 2010, con số này đã nhảy lên hơn 4.500 ngành học. Đối với những trường ĐH mới được thành lập hay nâng cấp từ CĐ, tốc độ mở ngành còn nhanh hơn nhiều.
Với phong trào phát triển “trường ĐH đa ngành”, nhiều cơ sở đào tạo vừa được nâng cấp lên ĐH đã ôm đồm một loạt ngành nghề từ khoa học, kỹ thuật, đến kinh tế lẫn khoa học xã hội... Và như thế quy mô đào tạo ở các trường được phình to qua mỗi mùa tuyển sinh, bất chấp đội ngũ giảng viên, các điều kiện đảm bảo chất lượng vẫn như cũ.
Phải chăng việc quản lý và mở ngành đào tạo đang có vấn đề, cứ đề xuất là được đồng ý mà không cần tính đến khảo sát, nghiên cứu nhu cầu phát triển thực tế của xã hội? Thực tế, yêu cầu và điều kiện đăng ký mở ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT ngoài yêu cầu về các điều kiện thiết yếu như đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất còn có yêu cầu cơ sở đào tạo phải chứng minh được cơ sở khoa học về nhu cầu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các trường không đảm bảo các yêu cầu vẫn được cấp chỉ tiêu.
Từ cách quản lý đến phương pháp tuyển sinh còn nhiều khiếm khuyết như hiện nay, nhiều trường ĐH (ngoài công lập, công lập và một số ĐH vùng) đã nghẹn ngào khai tử nhiều ngành đào tạo vì không có người học. Tổng kết cả 3 NV, nhiều trường ĐH tại TPHCM như ĐHDL Văn Hiến, ĐHDL Hùng Vương, ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học… phải chính thức ngưng đào tạo nhiều ngành như tiếng Nhật, tiếng Trung, Công nghệ sau thu hoạch, Điện tử viễn thông, Văn hóa học, Việt Nam học… vì chỉ có lèo tèo vài thí sinh đến làm thủ tục nhập học.
Đặc biệt, ngay cả ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Nông lâm TPHCM cũng “méo mặt” với một số ngành như song ngữ Nga – Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc vì luôn rơi vào cảnh “ế ẩm”. Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt ngành đào tạo của ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên như Vật liệu và cấu kiện xây dựng, Sư phạm giáo dục đặc biệt, Công nghệ kỹ thuật công trình thủy, Công nghiệp và công trình nông thôn, Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Chế biến lâm sản cũng nhiều khả năng dừng đào tạo.
Nghiêm trọng hơn, tại ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp, ĐH Tây Nguyên, nhiều ngành có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương như Mỹ thuật công nghiệp, Chăn nuôi, Trồng trọt, Thủy sản… sau nhiều năm cố gắng duy trì, năm nay đành buông xuôi vì quá ít người học. Và cứ thế, một điều rất lạ được lặp đi lặp lại: dù ngưng đào tạo hoặc “khai tử” nhưng cứ đến hẹn, trường lại xin chỉ tiêu và lại được chấp thuận.
Thực tế, mục tiêu mỗi tỉnh đều có một trường ĐH nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương đã gần như hoàn thành (cả nước chỉ còn tỉnh Đắc Nông là chưa có trường ĐH-CĐ). Tuy nhiên, những gì mà các cơ sở đào tạo đã và đang thể hiện xem ra khó có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Hơn bao giờ hết, đã đến lúc cấp quản lý cần đặt dấu chấm hết cho việc đào tạo theo kiểu phong trào, thiếu định hướng; phải dự báo nguồn nhân lực, hoạch định chiến lược đào tạo một cách khoa học, chú trọng đến chất lượng đào tạo.
Thanh Minh