Đã có, nhưng còn khó
Mới đây, Thủ tướng ban hành Quyết định số 23/2021 về gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổng kinh phí 26.000 tỷ đồng. Điểm mới của gói này là giản lược tối đa thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng cho DN, người lao động có cơ hội tiếp cận càng sớm càng tốt. Trong đó, 7.500 tỷ đồng sẽ dành riêng hỗ trợ DN, người kinh doanh. Cụ thể, DN được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Trước đó, năm 2020, với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mặc dù triển khai gấp, kết quả chưa được như mong đợi nhưng cũng đã giải ngân khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương trên 14 triệu người được thụ hưởng. Đáng chú ý, so với gói 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đợt này bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính DN, được đánh giá thuận lợi và dễ tiếp nhận hỗ trợ hơn.
Thế nhưng, ở góc độ DN, nhiều đơn vị cho biết vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ này. Ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt tâm tư, khoảng 300 công nhân lao động của DN phải nghỉ việc từ tháng 7-2021 đến nay và chưa biết khi nào mới có thể quay trở lại làm việc. DN nhỏ và vừa như Thành Đạt chưa được nhận bất kỳ gói ưu đãi nào từ năm 2020 đến nay. “Mỗi tháng công ty chúng tôi trả lãi suất ngân hàng vài trăm triệu đồng, nhưng để vay các gói hỗ trợ mới vẫn phải chứng minh đủ thứ, chẳng hạn ngân hàng vẫn yêu cầu DN không có nợ xấu tại thời điểm vay. Sẽ rất ít DN đáp ứng tiêu chí này”, ông Lê Nhung bày tỏ.
Cùng chung nhận định, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt thừa nhận, mảng du lịch của DN này xem như đã chết, nên DN phải “bơi” qua lĩnh vực khác là sản xuất thiết bị y tế để cầm cự, nhưng vẫn rất khó khăn. Mỗi tháng DN chi trả hàng tỷ đồng tiền lương cho một số nhân viên làm việc 3 tại chỗ ở nhà máy… mà doanh thu không khả quan.
Phân tích rõ hơn về những khó khăn hiện nay, các Hiệp hội Ngành hàng tại TPHCM cho rằng, đối với nhóm ngành hàng xuất khẩu, khoảng 20% DN thực hiện được mô hình 3 tại chỗ, còn lại đa số phải tạm ngừng sản xuất. Các DN chấp nhận doanh thu không có nhưng vẫn phải chi trả các khoản định phí lớn như thuê kho bãi, nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, trả lương chờ việc cho người lao động... Tính toán sơ bộ, 1 công ty thủy sản quy mô trung bình, mức thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng/tháng. Trong khi ngành dệt may, một DN trung bình có 4.000 lao động mà tạm ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả lương cho công nhân 14 ngày tạm nghỉ 4.000 người x 2,5 triệu đồng/người (bình quân) đã là 10 tỷ đồng.
Kiến nghị tạm dừng thu phí công đoàn
Hiệp hội Cơ khí - Điện TPHCM (Hamee) cho biết, vừa nhận được kiến nghị của một nhóm DN đề nghị hỗ trợ 100% lãi suất cho DN gồm khoản vay trả lương cho nhân viên và bảo lãnh tín chấp không còn hạn mức vay để trả lương nhân viên; miễn 100% mức đóng BHXH và chi phí công đoàn cho DN (áp dụng từ tháng 8-2021 cho đến sau 3 tháng kể từ ngày lệnh giãn cách được bãi bỏ); giãn các khoản nợ thuế tối thiểu 6 tháng từ ngày đến hạn; khoanh gốc và lãi ngân hàng tối thiểu 6 tháng kể từ ngày Chính phủ công bố hết dịch; không thay đổi nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay và tăng hạn mức cho vay với tài sản đảm bảo hiện có.
Trước đó, ngày 2-9, đại diện 15 Hiệp hội Ngành hàng tại TPHCM trên cơ sở phân tích các khó khăn của DN đã kiến nghị có thêm chính sách hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội cho người lao động và DN trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam không chỉ dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn cho DN và người lao động trước mắt đến 30-6-2022 mà còn cho phép DN phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn kết dư tại đơn vị trả phí test nhanh, xét nghiệm người lao động, hỗ trợ người lao động khó khăn. Ngoài ra, đề nghị cho đóng BHYT, nhưng tạm dừng đóng BHXH từ lúc giãn cách đến 6 tháng sau khi chính quyền tuyên bố hết dịch.
Để DN có thể từng bước quay trở lại hoạt động, các DN đề nghị được ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, kiến nghị bãi bỏ việc xin phép đi đường với hàng hóa của DN khi lưu thông nội địa, cho phép các DN tự chịu trách nhiệm về lưu thông hàng hóa để khôi phục sản xuất.