Vụ “Bình Dương: Đua nhau chia phần… đất công”

Tiếp tục lộ diện những bất thường

Thông tin liên quan
Tiếp tục lộ diện những bất thường

Thông tin mới nhất cho thấy, những khuất tất tiếp tục lộ diện quanh vụ biến 700 ha đất công trồng cao su của nhà nước thành của riêng các cán bộ và nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh Bình Dương mà Báo SGGP đăng tải trong các số báo ra ngày 28, 29-9 và 3-10 vừa qua.

  • Bán đất là chủ trương của... tỉnh?

Như Báo SGGP đã phản ánh trong các bài viết trước, Thanh tra tỉnh Bình Dương sau khi thanh tra đã đưa ra kết luận, trong vụ “Bình Dương: Đua nhau chia phần… đất công”, việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) 52,9 ha đất “rừng cao su huyện ủy” và 650 ha đất trồng cao su của doanh nghiệp nhà nước SOBEXCO sau khi làm ăn thua lỗ bị giải thể, cho hàng chục đối tượng là cán bộ, cá nhân trong và ngoài tỉnh Bình Dương là trái pháp luật, sai quy trình và sai đối tượng. Thanh tra tỉnh Bình Dương khẳng định, những sai phạm này hầu hết “đều do Phòng TN-MT đã tham mưu sai để UBND huyện Bến Cát làm sai”.

Tiếp tục lộ diện những bất thường ảnh 1

Đây là những lô cao su “mua cây được khuyến mãi sổ đỏ” tại Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: C.T.V.

Sau khi báo chí thông tin về vụ việc này, lãnh đạo huyện Bến Cát đã phản ứng gay gắt. Mới đây, làm việc với phóng viên báo đài, ông Nguyễn Hữu Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát khẳng định: trong vụ “rừng cao su huyện ủy”, 14 hộ trong danh sách “chia nhau” 52,9 ha đất mà Thanh tra Bình Dương nêu đều là của cán bộ và gia đình họ, không có trường hợp nào thiếu tên trong danh sách, chưa rõ nghề nghiệp như kết luận thanh tra nêu.

Còn đối với vụ SOBEXCO mà Thanh tra Bình Dương cho rằng “tỉnh chỉ có chủ trương thanh lý tài sản trên đất, không có văn bản nào thể hiện tỉnh có chủ trương chuyển QSDĐ cho tư nhân”, lãnh đạo UBND huyện Bến Cát cũng khẳng định: “Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ mua cao su của SOBEXCO là căn cứ trên quyết định thu hồi đất và danh sách đề nghị cấp của UBND tỉnh. UBND huyện Bến Cát chỉ là cấp thừa hành. Lệnh của tỉnh, không thể không chấp hành!”.

Những thông tin trên cũng trùng khớp với các tài liệu mà phóng viên thu thập được. Cụ thể, tại cuộc họp ngày 4-3-2002, sau khi nghe các cơ quan ban ngành tham mưu, Chủ tịch tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ là ông Hồ Minh Phương đã kết luận: “Để giải quyết dứt điểm việc giải thể SOBEXCO, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng thực hiện phương án đưa giá trị tiền sử dụng đất vào để thanh lý nợ”. Tiếp đến, ngày 10-4-2002, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 2826 do một phó chủ tịch ký, chính thức cho phép thu hồi khu đất có diện tích 352 ha của SOBEXCO để “giao toàn bộ diện tích nêu trên cho UBND huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp cho người sử dụng”.

  • Tình tiết bất ngờ

Mới đây, tiếp xúc với phóng viên, các ông Phạm Soại, Huỳnh Ngọc Hải, Phạm Tấn Dũng – đại diện cho một số trong 36 hộ dân mua đấu giá 352 ha đất của SOBEXCO – đã cung cấp toàn bộ giấy chứng nhận QSDĐ và hợp đồng mua bán ký giữa các hộ dân và ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty SOBEXCO. Tất cả nội dung trong hợp đồng đều thể hiện: bên A (bán) chuyển nhượng cho bên B (mua) vườn cây cao su kiến thiết cơ bản gắn liền với QSDĐ khuôn viên và QSDĐ các đường lô theo bản đồ. Bên bán chịu trách nhiệm hoàn thành quyền sử dụng lô đất đã bán. Điều đó càng khẳng định, việc “mua cây được khuyến mãi… sổ đỏ” không phải là chủ trương của UBND huyện Bến Cát.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Thanh tra tỉnh Bình Dương mà phóng viên có được cho thấy, căn cứ trên các hợp đồng chuyển nhượng vườn cây cao su kiến thiết cơ bản giữa SOBEXCO và các cá nhân, trong 36 hộ dân trúng đấu giá 352 ha đất kể trên (bình quân mỗi người 10 ha), cho đến khi UBND huyện Bến Cát cấp giấy chứng nhận QSDĐ, chỉ còn 31 người.

Điều đáng chú ý là trong số này có 3 cá nhân có diện tích được cấp “sổ đỏ” tăng diện tích đất lên tới 48,46 ha, trong khi có 5 cá nhân khác lại giảm với diện tích đất tương ứng mà không có hồ sơ nào thể hiện có việc sang nhượng giữa các cá nhân sau khi mua đấu giá của SOBEXCO. Ba cá nhân được cấp sổ đỏ tăng diện tích là Hà Thị Lan (từ 10 ha lên 26,04 ha), Cao Thị Ngọc Quỳnh và Cao Thị Ngọc Chinh (mỗi người đều tăng từ 10 ha lên 26,2 ha).

Ngược lại, 5 người trúng đấu giá kể trên (gồm Nguyễn Thị Tha – 8,46 ha; Lưu Phước Thảo, Hà Thị Kim Huệ, Trần Đắc Đoàn, Hà Thị Hồng Đào – mỗi người 10 ha) đều bị giảm toàn bộ diện tích. Điều đó cho thấy những người này chỉ đứng tên “mua đấu giá giùm” cho 3 cá nhân Hà Thị Lan, Cao Thị Ngọc Quỳnh và Cao Thị Ngọc Chinh.

Vì sao lại có sự bất thường trên và những cá nhân tăng, giảm diện tích mua đấu giá cho nhau là ai? Nhiều nguồn tin từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương khẳng định, những khuất tất kể trên nằm ở chỗ: những cá nhân này đều có mối quan hệ “đặc biệt” với ông Cao Minh Huệ - Giám đốc Sở Địa chính Bình Dương (nay là Sở TN-MT), đồng thời là thành viên của Hội đồng bán đấu giá và thanh lý tài sản của SOBEXCO. Và đặc biệt nhất, 3 người được cấp sổ đỏ tăng diện tích bất thường: bà Hà Thị Lan và Cao Thị Ngọc Quỳnh, Cao Thị Ngọc Chinh - chính là vợ và 2 con gái của ông Huệ!  

NGUYỄN MINH

Thông tin liên quan

Kỳ 2: Giải thể doanh nghiệp để… chia chác 

Kỳ 1: Đất công “biếu không”... cán bộ! 

Tin cùng chuyên mục