Xét xử vụ án tại Vinashin - Thử nghiệm và gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Càng hoạt động càng lỗ
Xét xử vụ án tại Vinashin - Thử nghiệm và gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Những sai phạm về quản lý kinh tế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen và dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân, Quảng Ninh là những nội dung được Hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung làm rõ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) diễn ra hôm qua 27-3.

Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin (giữa) cùng đồng phạm đứng trước vành móng ngựa.

Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin (giữa) cùng đồng phạm đứng trước vành móng ngựa.

Càng hoạt động càng lỗ

Kết thúc phần làm thủ tục tại phiên tòa và phần đọc cáo trạng, HĐXX bắt đầu phần thẩm vấn, bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin, được HĐXX hỏi đầu tiên về dự án nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân (Quảng Ninh). Đây là dự án thực hiện trong giai đoạn 2002 - 2005, thiệt hại 66,5 tỷ đồng. Phạm Thanh Bình đã cho cấp dưới mua và tháo dỡ thiết bị từ một nhà máy nhiệt điện cũ ở Trung Quốc về lắp đặt tại Cái Lân, trị giá gần 600 tỷ đồng.

Bị cáo Bình cho rằng, dự án máy điện diesel Cái Lân bị lỗ chẳng qua là do nhà máy mới đi vào hoạt động nên bị lỗ. Cũng liên quan tới dự án này, bị cáo Tô Nghiêm, nguyên Phó trưởng ban quản lý dự án, đã thừa nhận những sai phạm và trách nhiệm khi thiếu kiểm soát chặt chẽ, không kiến nghị đề xuất dừng vận hành nhà máy nhiệt điện nên đã gây lỗ nặng.

Trong khi đó, cáo trạng nêu rõ, hành vi của các bị can Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm… đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế như: Quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng không có kết quả thẩm định tổng mức đầu tư tăng thêm; ký biên bản bàn giao công trình, nghiệm thu chạy thử, thanh toán hết cho nhà thầu toàn bộ giá trị hợp đồng khi công trình chưa hoàn thành...

Đặc biệt, khi đưa nhà máy vào vận hành, do mức tiêu hao nhiên liệu quá lớn nên nhà máy càng hoạt động càng lỗ. Từ năm 2007 - 2009 lỗ 57,5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2009, nhà máy phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa.

Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa.

Đột phá hay gây thiệt hại?

Sau đó, HĐXX chuyển sang vụ mua tàu Hoa Sen, đây là dự án Vinashin gây thiệt hại nặng nề nhất. Bị cáo Phạm Thanh Bình cho biết, tổng mức đầu tư dự án khoảng 64 triệu USD và do chính bị cáo ký phê duyệt vào tháng 5-2007 trong khi các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án chưa xong. Bị cáo Bình cho rằng, dự án tàu Hoa Sen có tính cấp bách cho đầu tư phát triển nên đã quyết định phê duyệt mua tàu.

Hơn nữa, việc đầu tư dự án tàu Hoa Sen là một đột phá của Vinashin, nhằm tạo ra một con đường cao tốc Bắc Nam vận tải trên biển, đồng thời thử nghiệm một hình thức vận tải mới, cũng như việc điều khiển vận hành một con tàu hiện đại như tàu Hoa Sen. Bị cáo Bình cũng cho rằng, thử nghiệm một con tàu sẽ lỗ, nhưng do có niềm tin rằng nếu sau này khi hình thành được một đội tàu hoàn chỉnh hơn 10 chiếc thì sẽ không còn bị lỗ.

Trái với những lời lẽ bao biện của bị cáo Bình, tại phiên tòa, đại diện của cơ quan giám định Vinacontrol cho biết, tính đến thời điểm 31-7-2010, tổng chi phí cho dự án tàu Hoa Sen lên tới trên 1.982 tỷ đồng. Còn đại diện của Công ty TNHH Viễn Dương thừa nhận, hiện nay dự án mua tàu Hoa Sen vẫn chưa quyết toán. Con tàu đang trong quá trình bảo dưỡng, không khai thác được vì không có khách.

Cáo trạng nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen của Công ty Viễn Dương nêu trên, các bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm… cùng một số bị cáo khác đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây thiệt hại trên 469 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại tiền lãi vay và phí vay vốn là hơn 464 tỷ đồng và chi phí sửa chữa vết nứt ở đáy tàu là 346.989USD (hơn 5,2 tỷ đồng).

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ 27-3 đến 30-3.

 
 

9 bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa gồm:

- Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin

- Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Vinashin

- Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban kiểm soát tập đoàn

- Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ tàu thủy Hoàng Anh

- Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long

- Tô Nghiêm, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển kinh tế Hải Hà

- Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV công nghiệp tàu thủy

- Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV công nghiệp tàu thủy

- Đỗ Chính Côn, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh.

 
 
 

Khánh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục