Làm báo thời giãn cách

Những ngày thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, việc cập nhật thông tin để đưa đến người xem, người nghe đã khó, nói gì đến việc đưa tờ báo giấy đến tay bạn đọc. Vậy mà, với tất cả sự cố gắng, các cơ quan báo chí TPHCM đã duy trì và đảm bảo hoạt động như bình thường, trong điều kiện các sạp báo không được phép bày bán như trước, thậm chí ngay trong một số cơ quan báo chí, nhà in cũng có người là F0, nhiều người là F1 cần phải có thời gian cách ly...
Phóng viên Hoàng Hùng (Báo SGGP) tác nghiệp tại khu vực điều trị F0 Bệnh viện Dã chiến Xuyên Á - Củ Chi. Ảnh: QUANG HUY
Phóng viên Hoàng Hùng (Báo SGGP) tác nghiệp tại khu vực điều trị F0 Bệnh viện Dã chiến Xuyên Á - Củ Chi. Ảnh: QUANG HUY

Thời siết chặt giãn cách để đẩy lùi dịch Covid-19, làm báo cực hơn, căng thẳng, tất bật hơn, nhưng mọi người lao vào việc như không biết mệt, mong muốn chia sẻ với những người ở tuyến đầu và những hoàn cảnh còn nghèo khó. Có nhiều việc phát sinh, có nhiều việc phải xuống cơ sở để ghi nhận và có nhiều những thông tin chỉ đạo từ Trung ương, từ lãnh đạo thành phố phải cập nhật liên tục. Nhiều chủ trương, chính sách cần truyền đi nhanh, phản hồi nhanh, không chỉ mang giá trị phản ánh mà còn góp phần chỉ đạo thực tiễn.

Ở TPHCM - nơi tuyến đầu chống dịch, nhiều những hoạt động được triển khai tập trung cùng lúc như: xét nghiệm diện rộng, thu dung, điều trị F0, chiến dịch tiêm vaccine, chăm lo an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa, kiểm soát lưu thông trên đường… đòi hỏi phóng viên phải sâu sát, nhất là phát hiện những vấn đề đặt ra, những điển hình, nhân tố mới. Mặt khác, việc phòng chống “virus tin giả” cũng là vấn đề không kém phần quan trọng đối với báo chí chính thống. 

Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, báo chí được xem là một binh chủng và phóng viên như người lính xung trận. Báo chí được tạo điều kiện hoạt động và có một tỷ lệ phóng viên được phát thẻ ra đường, đến các địa bàn, các vùng xanh, vàng, cam, đỏ, được vào cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa, cách ly… xông pha như những “phóng viên chiến trường”. Tuy nhiên, để có được tin bài có chất lượng, đòi hỏi người làm báo phải vừa chịu thương, chịu khó, vừa chấp hành các quy định về phòng chống dịch, vừa phải có tâm lý vững vàng, có lòng dũng cảm…Có phóng viên còn là người đưa F0 đến cơ sở y tế, cũng có phóng viên tình nguyện đi chăm sóc F0 ở bệnh viện…

Làm báo thời kháng chiến đã có 511 nhà báo là liệt sĩ. Làm báo thời dịch đầy gian khó, hiểm nguy, có thể bị dịch bệnh cướp đi sinh mệnh, nhưng trên tất cả là niềm tin, là tình thương yêu con người. Hầu hết phóng viên đều muốn thâm nhập vào tuyến đầu chống dịch. Ở đó, mới có thể cận cảnh những tấm gương chiến đấu quên mình, những con người hoạt động gần như 200% công suất… Họ là những y bác sĩ giỏi, chấp nhận xa nhà vào tâm dịch. Họ là những “điều dưỡng viên” tình nguyện bước ra từ nhà chùa, tu viện… Họ là các cán bộ tận tụy trong hệ thống chính trị, là những người lính trẻ đang “đi chợ” giúp dân. Họ là những chiến sĩ đang thực thi công vụ ở các chốt kiểm soát giao thông…, biết ứng xử đúng mực và nhân văn đối với người dân. 

Trong thực tế, cũng có những điều chưa vui, cũng có những hành xử cứng nhắc, nóng vội…, nhưng trên diện rộng, bức tranh toàn cảnh của TPHCM trong những ngày giãn cách thể hiện sự kiên cường phòng chống dịch, sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân thành phố, sự nồng ấm tình cảm quân dân, tình nghĩa đồng bào khắp mọi miền cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, sự chia sẻ, chi viện của bạn bè quốc tế. 

Hoạt động của các nhà báo, các cơ quan báo chí TPHCM những ngày này không chỉ là hoạt động để có được sản phẩm báo chí tinh tươm, những thông tin bổ ích, mà còn có nhiều những hoạt động với vai trò cầu nối giữa chính quyền với dân, cầu nối giữa những nhà hảo tâm với người nghèo khó… Đó là những đề xuất từ thực tế cuộc sống, từ doanh nghiệp và người dân cần được phản ánh kịp thời để chuỗi sản xuất và phân phối không bị đứt gãy. Đó là việc rà soát, xử lý thông tin của bạn đọc gửi cho tòa soạn. Đó là những hoạt động sau mặt báo liên quan đến đời sống văn hóa, xã hội và những hoạt động thiện nguyện… ngay trong mùa dịch. Các báo làm việc này khá chuyên nghiệp, công khai minh bạch và có uy tín. Những ngày dịch bệnh, nhiều nhà hảo tâm cũng muốn thông qua báo chí giúp đỡ người nghèo một cách nhanh chóng, đúng địa chỉ, cùng các chương trình đồng hành, ATM thực phẩm, xe gạo nghĩa tình...

Báo chí là lực lượng có những đóng góp quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong những ngày siết chặt giãn cách, hoạt động có khó khăn, nhưng khó khăn nào cũng vượt qua để các tin bài nóng hổi vẫn đến với người đọc. Xin cảm ơn, chia sẻ và bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp quên mình và thiết thực của những người làm báo. Mặc dù còn nhiều những trăn trở, những hạn chế cần khắc phục, nhưng tinh thần chiến binh, năng lượng tích cực và tấm lòng của nhà báo đã truyền đi nhiều thông điệp không lời. Đó phải chăng là sự thôi thúc của trách nhiệm, lương tâm, là sự mách bảo của cái đẹp và cái cao cả đối với người làm báo.

Tin cùng chuyên mục