Công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Bao giờ?

Từ Đại hội Đảng toàn quốc  lần thứ VII và tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), Đảng ta đã nêu quan điểm “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và coi đây là một trong những phương pháp cơ bản của quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Đến Đại hội Đảng lần thứ X, quan điểm này được xác định rõ thành mục tiêu: “Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Dù những năm qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), song dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đánh giá đã không đạt được mục tiêu đề ra và xác định lại là “Sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”…
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Bao giờ?

Từ Đại hội Đảng toàn quốc  lần thứ VII và tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), Đảng ta đã nêu quan điểm “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và coi đây là một trong những phương pháp cơ bản của quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Đến Đại hội Đảng lần thứ X, quan điểm này được xác định rõ thành mục tiêu: “Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Dù những năm qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), song dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đánh giá đã không đạt được mục tiêu đề ra và xác định lại là “Sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”…

Sản xuất linh kiện điện thoại di động tại Công ty THHH SONION Việt Nam trong Khu Công Nghệ cao TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Chậm so với nhu cầu phát triển

Khi triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX và X đề ra, Đảng bộ TPHCM đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Đề án “Quy hoạch phát triển đô thị” và “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 1996-2010”. Kết quả là trong hơn 20 năm qua, từ một đô thị sau chiến tranh với hạ tầng thấp kém, cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp, dịch vụ có tỷ trọng thấp, đến nay đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; nhiều khu đô thị mới, nhiều khu dân cư hiện đại, nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp, kết hợp với kết cấu giao thông đô thị được mở rộng, hoàn chỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận cư dân không ngừng được cải thiện…, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của một đô thị hiện đại đang trên đà phát triển. TPHCM đã kiên trì thực hiện CNH, HĐH không tách rời quá trình đô thị hóa; chủ động và sáng tạo, đi đầu trong nhiều mô hình để thúc đẩy quá trình CNH kinh tế theo hướng hiện đại như: thí điểm xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, xây dựng Khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Nông nghiệp công nghệ cao…

Thế nhưng, như nhận định của TS Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chất lượng và tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM sẽ cao hơn nếu các chính sách vĩ mô như thuế, tín dụng, đất đai và sự đầu tư của Nhà nước trong các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… được tăng cường và hoàn thiện, bổ sung kịp thời. Sự khiếm khuyết và thiếu đồng bộ của các chính sách vĩ mô đã tác động đáng kể đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ của TPHCM mà còn ở nhiều địa phương khác. Cụ thể, trong các chính sách khiếm khuyết thì nổi bật nhất là thiếu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, kéo dài tình trạng của một nền công nghiệp gia công dựa vào lao động rẻ…

Về thực tiễn, nhóm nghiên cứu chuyên đề CNH, HĐH (Hội đồng Lý luận Trung ương) qua thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước đã đưa ra 9 thành tựu và 10 hạn chế của tiến trình CNH, HĐH ở nước ta gần 30 năm qua. Trong đó, thành tựu quan trọng nhất là vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được quan tâm thúc đẩy theo hướng đồng bộ, bền vững; tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh; trình độ, năng lực sản xuất trong nền kinh tế bước đầu tạo những tiền đề để hướng tới kinh tế tri thức và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được chú trọng đầu tư phát triển. Thế nhưng, những thành tựu nổi trội trên chưa đủ tác động, ảnh hưởng và kéo giảm 10 hạn chế được cho là khá gay gắt khi đất nước ta tiến hành CNH, HĐH. Trong đó, đáng chú ý là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và vẫn còn lạc hậu; CNH, HĐH thiên về phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác, bán tài nguyên, vào các ngành sử dụng nhiều vốn và lao động tay nghề thấp hơn là sử dụng lao động có kỹ năng, công nghệ cao và các yếu tố khác của nền kinh tế thị trường hiện đại; tốc độ đổi mới công nghệ còn thấp, không đồng đều và không theo một định hướng phát triển rõ rệt. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế tri thức chưa có các giải pháp cụ thể và chưa đạt được nhiều thành tựu như mong muốn…

Bao giờ sẽ thành công?

“Đảng ta nhận định, có nhanh cũng phải đến giữa thế kỷ này, vào khoảng năm 2050 đến 2060”, GS-TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định như vậy khi nghe chúng tôi đặt câu hỏi bao giờ công cuộc CNH, HĐH ở nước ta thành công. Thế nhưng, như GS-TS Hoàng Chí Bảo, đó là trong điều kiện phát triển bình thường theo những dự báo của chúng ta về tình hình mọi mặt của thế giới và của đất nước ta. Chứ thực tế, tốc độ phát triển của thế giới ngày nay và vài thập niên nữa thì không ai đoán trước được điều gì xảy ra. Chúng ta tiến được 1 bước, các nước tiến 5-10 bước và hơn thế nữa. Xu thế phát triển của thế giới còn đặt công tác lý luận của Đảng về kinh tế thị trường phải gắn với xã hội công nghệ thông tin, toàn cầu hóa. Kinh tế thị trường phải đạt được kinh tế thị trường hiện đại, tức là kinh tế chất xám, kinh tế đi vào tài nguyên trí tuệ… CNH, HĐH cũng phải dựa trên cái nền lý luận như vậy mà xác định từng bước đi cho phù hợp để phát triển đến đâu vững chắc đến đó và làm nền tảng phát triển tiếp cho phù hợp với xu thế phát triển của CNH, HĐH mà rất nhiều nước trên thế giới đang tiến hành.

Về những kiến giải góp ý cho Đại hội Đảng lần thứ XII trong phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và đẩy mạnh CNH, HĐH, tới nay tầm nhìn của TPHCM và nhiều địa phương khi đưa ra bàn bạc, thảo luận ở các đại hội Đảng cũng chỉ đến năm 2020, còn sau đó 10 năm, hoặc vài thập kỷ nữa ra sao thì chưa có ý kiến nào nói đến. Như vậy, đây cũng sẽ là một khiếm khuyết về mặt lý luận, mà ở 6 kỳ đại hội Đảng trước đó, Đảng ta cũng có những hạn chế ở tầm nhìn và dự báo, nhất là từ thực tiễn ở các địa phương. Trong 6 nội dung kiến giải mà TPHCM đưa ra đến năm 2020, trọng tâm vẫn là đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển đô thị thông qua 6 giải pháp chủ yếu. Trong đó, vẫn là những vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các yếu tố động lực, phát huy vị trí, tiềm năng, vai trò của TPHCM trong vùng và cả nước… Các vấn đề kinh tế thị trường trong xã hội công nghệ thông tin, toàn cầu hóa, bùng nổ công nghệ, kinh tế thị trường hiện đại (kinh tế chất xám, kinh tế đi vào tài nguyên trí tuệ) như GS-TS Hoàng Chí Bảo đề cập ở phần trên không thấy nhắc đến. Và câu hỏi: Bao giờ công cuộc CNH, HĐH ở đất nước ta thành công, vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

“Về khách quan, việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa có tiền lệ trong lịch sử. Điểm xuất phát của nước ta khi bước vào CNH, HĐH rất thấp; điều kiện và khả năng còn hạn chế, trong khi đó phải đối mặt với nhiều thách thức trong cạnh tranh kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt.

Về chủ quan, tư duy lý luận về CNH, HĐH chưa bắt kịp với các thay đổi và chuẩn mực chung của thế giới, vẫn còn biểu hiện chủ quan, duy ý chí; chưa hoàn toàn phù hợp với cấu trúc của kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng”.


(Nguồn: Hội đồng Lý luận Trung ương)

Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong gần 30 năm qua, dù Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng vẫn còn thấp so với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới ở Đông Nam Á đạt được trong thời gian CNH; khoảng cách chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với mức chuẩn của một nước công nghiệp còn lớn. Các nước đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu là công nghiệp lắp ráp quy mô vừa, nhỏ và gia công.

Hoài Nam

>> Kinh tế thị trường định hướng XHCN - Từ thực tiễn TPHCM

>> Những bước chuyển tạo ra sự khác biệt

Tin cùng chuyên mục