Những bước chuyển tạo ra sự khác biệt

Những bước chuyển tạo ra sự khác biệt

30 năm đổi mới - Từ thực tiễn đến lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Trong bài trước, chúng tôi đã đề cập đến động thái phát triển các thành phần kinh tế qua các giai đoạn - từ thực tiễn các mô hình kinh tế của TPHCM, tạo ra những bước chuyển quan trọng của nền kinh tế đất nước. Phát triển lý luận từ thực tiễn của đường lối đổi mới kinh tế cho thấy, nền kinh tế nước ta từ chỗ áp dụng cơ chế thị trường tiến đến phát triển kinh tế thị trường, đưa ra quan điểm và từng bước cụ thể hóa mô hình, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN…

Từ thực tiễn phát triển

Được giao cùng nhóm các nhà nghiên cứu lý luận thực hiện chuyên đề tổng kết 30 năm đổi mới về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tiến sĩ Lê Minh Nghĩa, Hội đồng Lý luận Trung ương, dành khá nhiều thời gian đi sâu tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế của TPHCM, vì như ông nói: thực tiễn sinh động của TPHCM trong nhiều năm qua không chỉ là nơi khởi phát các mô hình và cơ chế thí điểm mang tính đột phá nhằm tạo ra những bài học thực tiễn làm cơ sở hình thành những chính sách và cơ chế chung của cả nước, mà còn góp phần vào hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Theo TS Lê Minh Nghĩa, có thể khái quát quá trình đổi mới tư duy lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam 30 năm qua được thể hiện qua 11 bước chuyển. Đó là, bước chuyển từ sản xuất theo mô hình kinh tế hiện vật, phi thị trường sang sản xuất theo mô hình kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; bước chuyển từ đơn sở hữu với sự phân biệt đối xử sang đa sở hữu, đa thành phần kinh tế; bước chuyển từ quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, làm cho con người ỷ lại, thụ động, sang quản lý theo cơ chế thị trường, đòi hỏi tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bước chuyển từ phân phối bình quân, cào bằng đến đa dạng hóa hình thức phân phối mà phân phối theo lao động là chủ yếu, gắn với phân phối theo vốn, tài sản; bước chuyển từ quan điểm đảng viên không làm kinh tế tư nhân sang đảng viên được làm kinh tế tư nhân; bước chuyển từ quan điểm kinh tế “khép kín” sang cách nhìn mở, chủ động hội nhập quốc tế, chấp nhận kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; bước chuyển từ quan điểm “Nhà nước làm thay thị trường”, “Nhà nước làm tất cả”, độc quyền sang quan điểm Nhà nước chủ yếu thực hiện vai trò quản lý, kiến tạo môi trường phát triển, khắc phục các khuyết tật của thị trường…; bước chuyển từ việc coi Nhà nước đóng vai trò phân bổ các nguồn lực chủ yếu sang thị trường đóng vai trò phân bổ các nguồn lực là chủ yếu; bước chuyển từ quan điểm công nghiệp hóa bằng con đường “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ” và sử dụng vốn của Nhà nước sang chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức và phát triển rút ngắn, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa theo cơ chế thị trường; bước chuyển từ chủ trương phát triển mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng với năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên và lao động giản đơn sang mô hình kinh tế tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường...

Sau nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế TPHCM không ngừng phát triển. Ảnh: Một góc TPHCM nhìn từ khu đô thị mới quận 2      Ảnh: Thái Bằng

Điều quan trọng hơn cả là sự khác biệt giữa nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được rút ra trong quá trình nhóm nghiên cứu đánh giá thực tiễn ở nhiều địa phương, trong đó cơ bản, chủ yếu từ TPHCM. Đó là: Trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, người làm chủ là giới chủ tư bản, còn trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, người làm chủ là đông đảo nhân dân lao động, do nhà nước của dân, do dân, vì dân đại diện quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng; kinh tế thị trường định hướng XHCN không dùng quyền chiếm hữu tư liệu sản xuất để nô dịch, bóc lột đa số người lao động như kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nó cũng không giống như mô hình kinh tế bao cấp, quan liêu, phi thị trường kiểu mô hình Xô viết trước đây. Nó lấy những nguyên tắc của thị trường làm nền tảng cho cơ chế vận hành, sử dụng những nhân tố tích cực và loại bỏ những hạn chế, khuyết tật của hai mô hình nêu trên và của chính bản thân kinh tế thị trường…

Giải “bài toán” phát triển của Việt Nam

Thực tế đã chứng minh, quá trình đổi mới tư duy lý luận luôn được nuôi dưỡng và bổ sung, phát triển bằng quá trình đổi mới thực tiễn; còn đổi mới thực tiễn lại được dẫn dắt, được tiếp sức bằng đổi mới tư duy lý luận. Đây là một đặc điểm nổi bật, là bài học nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan nhất tiến trình phát triển tư duy lý luận và thực tiễn sinh động trong 30 năm đổi mới vừa qua, để khẳng định tính đúng đắn, khách quan, đúng quy luật trong mục tiêu tiếp tục hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cho những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lý luận cũng chỉ ra những khiếm khuyết, hạn chế, tồn tại, chưa giải quyết được mà Đại hội Đảng lần thứ XII phải đưa ra được những giải pháp để hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, yếu kém của nền kinh tế bộc lộ rõ nét nhất là sức cạnh tranh của nền kinh tế đang “đuối sức” trong cuộc chạy đua toàn cầu, là căn bệnh nhập siêu có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, là đầu tư công thiếu hiệu quả cùng với sự bội chi ngân sách ngày càng nặng, là nền kinh tế có nguy cơ rơi vào bẫy “tự do hóa thương mại toàn cầu”… Mặt khác, thể chế kinh tế thị trường nói chung còn thiếu đồng bộ, nhất quán; chưa hình thành được một khuôn khổ đầy đủ về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nên trong một số mặt nào đó chưa tôn trọng đầy đủ và nhất quán những nguyên tắc của kinh tế thị trường trong xây dựng, vận hành và xử lý các vấn đề của nền kinh tế…

Từ những khiếm khuyết, tồn tại nêu trên, Tổ nghiên cứu Thành ủy TPHCM đề nghị cần làm rõ 3 vấn đề trọng tâm còn vướng mắc, gồm: Tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ trung ương đến địa phương trong điều kiện vận hành của thị trường; định chế vận hành cơ chế thị trường trong điều kiện nước ta; giải quyết những xung đột, mâu thuẫn giữa các chủ thể khác nhau của thị trường.

Về lý luận, Tổ nghiên cứu Thành ủy TPHCM đã đưa ra luận điểm: Hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hai mặt của vấn đề để giải bài toán phát triển của Việt Nam trong nhiều năm tới. Trước mắt, cần sớm hoàn thiện cơ chế vận hành của 5 loại thị trường: thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa tương lai và phát triển mạng lưới thương mại hiện đại, thị trường lao động và thị trường công nghệ. Các cơ chế vận hành của 5 loại thị trường trên sớm được hoàn thiện sẽ thúc đẩy sự hoàn thiện của 3 loại thị trường chính gồm: thị trường hàng hóa, thị trường vốn và thị trường dịch vụ. Đây là yêu cầu tiên quyết để giải quyết những vướng mắc, tồn tại, đã làm kéo giảm tính hiệu quả khi vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN những năm qua và cả những năm tiếp theo.

HOÀI NAM

>> Kinh tế thị trường định hướng XHCN - Từ thực tiễn TPHCM

Tin cùng chuyên mục