Cuồng phong lại đến miền Trung!

Cuồng phong lại đến miền Trung!

Để đối phó khẩn cấp với cơn bão số 6, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1554/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phải chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đối phó với cơn bão số 6 theo nội dung công điện khẩn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các bộ, ngành liên quan đã ban hành.

Cuồng phong lại đến miền Trung! ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng liên tục chỉ đạo các địa phương nhanh chóng di dời dân ven biển đến các nơi an toàn tránh bão.

Đặc biệt là phải tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện để sơ tán, di dời dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Các địa phương, bằng mọi biện pháp thông tin cấp báo đến số tàu thuyền hiện chưa liên lạc được để hướng dẫn việc tránh, trú bão an toàn, và triển khai việc cứu hộ cứu nạn trong trường hợp cần thiết.

Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng quyết định tại chỗ các biện pháp cần thiết để đối phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 6.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thêm công điện khẩn số 1555/CĐ-TTg yêu cầu: Ngoài việc các tỉnh miền Trung tập trung chỉ đạo quyết liệt để chống bão, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ và các địa phương khác cũng phải theo dõi sát diễn biến của bão, triển khai ngay các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, của Nhà nước.

Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam bộ phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền tại các nơi neo đậu, tránh trú bão.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên phải làm tốt công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và có ngay các biện pháp đối phó với gió lớn, kèm theo mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

Chiều tối ngày 30-9, sau khi đi kiểm tra tình hình tại các địa phương ở miền Trung, Ban chỉ đạo PCBL tiền phương tại miền Trung, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp khẩn để đánh giá cũng như giải quyết những khó khăn đang gặp phải trong việc phòng chống bão số 6.

Theo báo cáo nhanh, đến 19 giờ cùng ngày, việc di dời dân của các địa phương từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã cơ bản hoàn thành.

Cuồng phong lại đến miền Trung! ảnh 2

Ảnh chụp qua vệ tinh vị trí bão số 6 lúc 0 giờ ngày 1-10-2006.

Tại cuộc họp, sau khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi báo cáo qua điện thoại về việc có gần 100 chiếc tàu của ngư dân đang neo đậu ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không thể đưa tàu lên bờ hoặc không kịp vào đất liền. Và có khoảng 400 ngư dân không chịu lên trú bão trên đảo mà kiên quyết ở lại để giữ tàu; Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bằng mọi cách phải đưa được số ngư dân này lên đảo trú bão trước 20 giờ cùng ngày. Đồng thời yêu cầu Bộ đội Biên phòng cử ngay một tàu đến khu vực neo đậu tàu thuyền của ngư dân túc trực ở đó, nếu có tình huống xấu xảy ra thì tổ chức ứng cứu kịp thời.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ đạo cho các ngành chức năng chuẩn bị các phương án dùng đường Hồ Chí Minh để tiếp ứng lương thực cho các tỉnh một khi giao thông trên tuyến QL1A bị chia cắt do lũ.

  • Thừa Thiên - Huế: Chậm di dân khi bão cận kề

Cuồng phong lại đến miền Trung! ảnh 3
Người dân phường Thọ Quang, Sơn Trà (Đà Nẵng) dùng xe cầu đưa thuyền lên bờ sáng 30-9.

Với tiến độ di dân đến nơi an toàn chậm, vào trưa 30-9 mới đạt khoảng 2.000/11.000 hộ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh di dân tránh bão; xem xét di chuyển thêm các hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở vùng núi, ven biển; bảo đảm an toàn các tàu thuyền, chủ phương tiện đường thủy khi đã vào bờ tránh bão...

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đi thị sát tình hình PCLB tại 2 địa bàn xung yếu là eo biển Hòa Duân - Phú Thuận (huyện Phú Vang) và cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc), nơi đang có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng do bão lụt; thăm hỏi tình hình người dân chuẩn bị đối mặt với bão dữ.

  • Quảng Trị: Tháo dỡ 2 cầu phao trên sông Thạch Hãn

Cuồng phong lại đến miền Trung! ảnh 4

Bộ đội giúp ngư dân Sơn Trà đưa tàu thuyền vào sâu trong đất liền. Ảnh: THÁI BẰNG - NGUYÊN KHÔI - NHẬT PHONG

Đến 20 giờ ngày 30-9, tỉnh Quảng Trị đã di dời được trên 4.500 hộ dân ở những vùng thấp trũng và có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 6 đến nơi trú ẩn an toàn (chiếm khoảng 90% số hộ cần di dời). Ngành chức năng đã tháo dỡ 2 cầu phao trên sông Thạch Hãn, đoạn qua địa phận huyện Triệu Phong để phương tiện thủy qua lại.

Hiện tại Quảng Trị vẫn còn khá nhiều địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong đó, nghiêm trọng nhất là hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tại xã A Dơi, huyện miền núi Hướng Hóa.

  • Quảng Bình: Hàng ngàn người dân tự di dời

Sáng 30-9-2006 các địa phương ven biển Quảng Bình đã phát lệnh di dời dân sống ven biển vào sâu trong đất liền tránh bão, tránh triều cường dâng cao. Đến chiều ngày 30-9 hơn 4.000 người dân ở các xã Quảng Phúc, Quảng Phú, Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch đã được di dời lên các vùng cao gần đường quốc lộ 1A tránh bão và triều cường.

Cuộc di dời này được Bộ đội Biên phòng Quảng Bình ra sức hỗ trợ người dân. Chiều cùng ngày tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận từ Cục Dự trữ Quốc gia 1 ca nô, 500 áo phao, 500 phao cứu sinh để cấp phát cho các địa phương có nguy cơ xảy ra lũ lớn như Quảng Ninh, Lệ Thủy…

  • Hà Tĩnh: 8.000 người ven biển lên vùng cao tránh bão

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, lúc 10 giờ ngày 30-9, có 8 tàu với 44 lao động cố tình vượt trạm kiểm soát biên phòng ra biển đánh cá. Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã cưỡng chế, dẫn giải vào bờ, lập biên bản cảnh cáo.

Cuồng phong lại đến miền Trung! ảnh 5

Bộ đội giúp dân vùng biển Quảng Nam sơ tán.

Chính quyền địa phương đã huy động hơn 7.000 người cùng 8.000 bao cát, rọ đá, tre, 8.000m2 vải địa chất vào việc bảo vệ đê ven biển.

Hệ thống thông tin liên lạc của quân đội chuẩn bị 2 máy T18 và T12 bảo đảm thông tin liên lạc trong cơn bão. Tỉnh Hà Tĩnh đã di dời gần 8.000 người ven biển lên vùng cao tránh bão, tránh lũ.

  • Cà Mau: còn 526 phương tiện chưa vào bờ

Trên vùng biển Cà Mau có 1.367 phương tiện với gần 11.000 ngư dân hành nghề khai thác biển. Đến chiều ngày 30-9, tỉnh Cà Mau còn 526 phương tiện với 5.430 ngư dân chưa vào bờ. Hầu hết các phương tiện đều liên lạc được với gia đình và hiện đang tránh bão ở đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Thổ Chu, Phú Quốc.

Một số phương tiện đánh bắt khu vực đảo Côn Sơn, Bãi Cạn đang trên đường chạy vào bờ. Riêng tàu CM 95891 của ông Diệp Văn Cưng, ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh hành nghề câu mực, với 14 ngư dân bị hỏng máy và đang trôi dạt cách Hòn Khoai khoảng 10 hải lý về hướng Nam. Lúc 12 giờ ngày 30-9, tàu cứu nạn của Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã rời cửa biển Rạch Gốc (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) lên đường đi cứu tàu bị nạn.

Sáng hôm qua, triều cường ven bờ ở Kiên Giang đã mạnh lên, nhiều đoạn đường ven sông trong thành phố Rạch Giá đã bị ngập nước. Chiều cùng ngày, vùng biển Tây Nam đã có gió giật cấp 6, cấp 7, biển động mạnh. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Phải dự báo sớm, chính xác và cập nhật liên tục

Ngày 30-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến kiểm tra công tác dự báo cơn bão số 6 tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Sau khi nghe báo cáo về công tác dự báo lụt bão, nhất là dự báo cơn bão số 6 sẽ đổ bộ vào miền Trung nước ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã dự báo sớm, kịp thời và tương đối chính xác.

Nhờ đó, Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời chủ động phòng chống, trước hết là thông báo rộng rãi cho nhân dân tại chỗ biết để phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thủ tướng nhấn mạnh: nếu chúng ta không làm tốt được công tác dự báo sẽ không kiểm soát được thì hậu quả rất lớn là có lỗi với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Do vậy, yêu cầu cao nhất của trung tâm là phải dự báo sớm, cập nhật liên tục, chính xác và phát bản tin đến các cơ quan chức năng để thông báo rộng rãi trên địa bàn cả nước.

Đêm qua (30-9), do ảnh hưởng của bão số 6 (tên quốc tế Xangsane) vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ vĩ Bắc; 110 độ kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/giờ), giật trên cấp 13. Sáng hôm nay (1-10), vùng tâm bão đổ bộ vào khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.

Dự báo hôm nay, bão số 6 tiếp tục đi sâu vào đất liền qua các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực ngoài khơi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió xoáy mạnh cấp 11, cấp 12; vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13, giật trên cấp 13. Biển động dữ dội.

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và Kon Tum gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9; riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định gió bão mạnh lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật trên cấp 12.

Ở nhiều nơi, sóng biển cao trên 10m. Các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên có mưa và mưa vừa, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

NHÓM PV

Thông tin liên quan

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Cưỡng chế người không chấp hành lệnh sơ tán

Bão số 6 đã mạnh trên cấp 13

Nỗi lo nơi “đầu sóng ngọn gió”

Chiều mai TP Đà Nẵng phải hoàn tất di dời dân ven biển

Nhiệm vụ cấp bách: Đối phó bão số 6

Xuất hiện bão mạnh trên cấp 12 ở Biển Đông

Tin cùng chuyên mục