Bão số 6 đã mạnh trên cấp 13

TPHCM: Triển khai các phương án phòng chống bão
Bão số 6 đã mạnh trên cấp 13

Hồi 22 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 113,7 độ kinh Đông, trên khu vực giữa Biển Đông, cách bờ biển Thừa Thiên - Huế - Quảng Ngãi khoảng 610km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/giờ), giật trên cấp 13.

Bão số 6 đã mạnh trên cấp 13 ảnh 1

Hơn 5.800 người dân huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cố gắng gia cố những nơi xung yếu và nâng cao đê biển Hội Thống dài 8km trước khi cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền.

Dự báo, bão số 6 tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Như vậy, hôm nay (30-9), bão sẽ đi sát phía Nam quần đảo Hoàng Sa và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 10, cấp 11; vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13. Biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi từ Nghệ An đến Phú Yên, gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Riêng khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió xoáy mạnh cấp 12, cấp 13. Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên chiều nay (30-9), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7. Cơn bão này có nhiều khả năng đổ bộ vào đất liền vào sáng sớm mai (1-10).

Sơ tán hơn 180.000 người ra khỏi nơi nguy hiểm


Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tại khu vực miền Trung (BCĐ PCLB TƯ) lúc 19 giờ 30 ngày 29-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phải thường xuyên theo dõi diễn biến bão để có những thông tin mới nhất, chính xác nhất về cơn bão.

Bão số 6 đã mạnh trên cấp 13 ảnh 2

Lực lượng vũ trang Quảng Ngãi giúp người dân gia cố nhà cửa chống bão.

Chính phủ giao trách nhiệm cho chủ tịch các tỉnh thành có tàu thuyền đang còn ở ngoài khơi phải gấp rút liên lạc và báo cáo cho Chính phủ cứ 2 giờ một lần.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng và các bộ ngành liên quan khẩn trương lập phương án sơ tán 183.140 dân dọc ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Phú Yên ngay trong sáng ngày 30-9 và kết thúc vào cuối giờ chiều 30-9.

Các lực lượng phải kiên quyết sơ tán dân, đặc biệt ưu tiên người già và trẻ con. Nếu ai không chấp hành có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Chủ tịch UBND tỉnh thành từ Hà Tĩnh đến Kiên Giang phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tình hình tàu thuyền và tình hình sơ tán dân. Nếu tỉnh nào không nắm được tình hình tàu thuyền đang ở ngoài khơi, tình hình sơ tán dân thì Chính phủ sẽ cách chức lãnh đạo tỉnh.

Thừa Thiên - Huế: Chuẩn bị 300 tấn gạo, 30 tấn mì tôm

Đến chiều 29-9, hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới thường bị chia cắt dài ngày vì mưa lũ, đã tiếp nhận xong 45 tấn gạo dự phòng của tỉnh. Các địa phương đang di dời khẩn cấp khoảng 5.000 hộ dân vùng cửa sông, ven biển, cư dân vạn đò đầm phá đến nơi an toàn và thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết.

Đến chiều qua, vẫn còn 4 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, với 37 ngư dân Thừa Thiên - Huế, chưa về đến nơi an toàn, mặc dù đã kết nối được liên lạc với đất liền. Các đơn vị vũ trang trên địa bàn như Trung đoàn 176, Sư đoàn 968, Bộ đội Biên phòng, công an đang chuẩn bị lực lượng, với quân số hàng ngàn người, tập trung về cơ sở, các vị trí xung yếu, sẵn sàng giúp người dân bảo vệ tính mạng, tài sản khi xảy ra thiên tai.

Công ty Lương thực tỉnh dự trữ và chuẩn bị sẵn sàng 300 tấn gạo, các HTX Thuận Thành, Vĩnh Lợi dự trữ 30 tấn mì tôm để có thể cứu đói ngay khi bão lũ xảy ra.

Đà Nẵng: Ngư dân bỏ mặc tàu trên sông Hàn

Thiếu tá Phùng Tấn Phước, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy (Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, tính đến chiều 29-9 vẫn còn 130 tàu thuyền của ngư dân (chủ yếu tàu của Sơn Trà và Thanh Khê) neo đậu trên sông Hàn mặc dù UBND thành phố ra lệnh không được neo đậu nơi này. Ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó BCH PCLB&TKCN TP Đà Nẵng cho biết đã xin ý kiến UBND TP Đà Nẵng về việc cưỡng chế số tàu thuyền trên và đưa vào âu thuyền Thọ Quang neo đậu.

Quảng Nam: Di dời khẩn cấp 20.400 người dân và 438 du khách

Lúc 16 giờ ngày 29-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải đã tuyên bố: phải tìm mọi cách liên lạc, hướng dẫn tàu thuyền vào tránh bão, không để bất cứ thuyền viên nào ở lại trên tàu và ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học cho đến hết ngày 2-10…

Hiện Quảng Nam khẩn trương di dời gần 20.400 người dân vùng ven biển và các huyện miền núi có nguy cơ bị sạt lở nặng; 438 khách du lịch đang lưu trú tại các khách sạn ven biển Hội An cũng sẽ được đưa về nơi trú ẩn an toàn. Toàn bộ việc di dời dân sẽ được hoàn tất trước 12 giờ ngày 30-9.

Đến cuối giờ chiều 29-9, toàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 54 phương tiện với 961 lao động đang còn trên biển. Còn lại, hầu hết các tàu thuyền đã vào cảng neo đậu tại Quảng Ngãi và các nơi neo đậu của các địa phương lân cận. Để thực hiện tốt công tác ứng cứu, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã thành lập 2 đội gồm 30 chiến sĩ, chuẩn bị 3 tàu; 12 ca nô, 2 xe tải và 4 xe chỉ huy, 15.000 lít xăng, dầu và 450 lít nhớt sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. 

* Trao đổi với báo SGGP tối qua (29-9), Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Việt Thắng khẳng định, trong số 21.600 tàu thuyền đánh bắt ngoài biển khơi đã có 20.840 tàu quay trở về địa phương tránh bão. Có khoảng 760 tàu chưa kịp trở về đều nhận được thông tin về tình hình bão số 6. Trong số 760 tàu trên, đến khoảng 20 giờ tối qua (29-9), 250 tàu đã neo tránh bão tại đảo Trường Sa, 152 tàu tránh bão tại vịnh Bắc bộ. Có 2 tàu xin tránh bão tại hải phận quốc tế trong đó, một tàu xin trú bão tại đảo Đông Sa, một tàu trú tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).

NHÓM PV

TPHCM: Triển khai các phương án phòng chống bão

Chiều 29-9, UBND TPHCM có văn bản (khẩn), chỉ đạo triển khai ngay các phương án, biện pháp phòng chống cơn bão số 6. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, UBND huyện Cần Giờ thông báo cho ngư dân, tàu thuyền ngoài khơi tìm nơi trú ẩn và neo đậu an toàn. Quản lý chặt chẽ khu vực cửa sông, cửa biển, không cho các tàu thuyền ra khơi. Phối hợp kiểm tra lượng tàu thuyền, ngư dân ra khơi, vào bờ và trú bão. Thông báo các tần số liên lạc cho các tàu thuyền, thường xuyên thông tin cho ngư dân, kể cả cho thân nhân của ngư dân để biết tin tức về sự an toàn của thân nhân trên các tàu thuyền.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Thả 5.000 khối phá sóng và bảo vệ đê

Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu khẩn trương chuẩn bị các biện pháp để thi công an toàn Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Công ty Xây dựng Lũng Lô đã thả 5.000 khối phá sóng Acropode dọc theo mái đê và đổ đá đến độ cao 3,7m; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp chủ yếu là lắp ghép Accropode với cấu kiện đá từ 1 đến 3 tấn, vừa phá sóng vừa bảo vệ phần đê đã thi công.

Tạm ngưng chạy đôi tàu TN1/TN2 từ ngày 30-9 đến 2-10

Do cơn bão số 6 có tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho tạm ngưng đôi tàu TN1/TN2 xuất phát Hà Nội, TPHCM các ngày 30-9; 1 và 2-10. Kể từ ngày 3-10, các tàu TN1/TN2 hoạt động bình thường. Số vé đã bán của đôi tàu TN1/TN2 trong các ngày trên được chuyển sang đi tàu TN3/TN4 cùng ngày do trưởng tàu sắp xếp, bố trí (không phải đổi vé, không thu tiền chênh lệch).
 

Tin cùng chuyên mục