Ghi nhanh trước giờ bão số 6 đổ bộ vào miền Trung

Nỗi lo nơi “đầu sóng ngọn gió”

Hôm qua, đi đâu cũng nghe người dân ven biển miền Trung cũng bàn tán về bão số 6 và tỏ ra hết sức lo lắng. Trước mắt họ là một cơn bão dữ. Trên 600 hộ dân sống dọc ven biển Đà Nẵng thuộc các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ (quận Sơn Trà) khi họ đang sống nơi “đầu sóng ngọn gió” - nơi hứng chịu đầu tiên và nặng nề nhất mỗi khi bão đổ bộ vào Đà Nẵng.

Bám trụ nơi đầu sóng

Chạy dọc theo tuyến đường mới mở Sơn Trà – Điện Ngọc trong chiều ngày 29-9, cảnh nhiều người ngồi tụm ba, tụm bảy bàn tán xôn xao về cơn bão số 6 cùng với việc tất bật chống đỡ nhà cửa, chúng tôi cảm nhận được nỗi lo của người dân nơi đây khi phải đối mặt với cơn bão dữ sắp tràn vào bờ.

Anh Lê Minh Chúc, trú tại tổ 18 phường Mân Thái, tỏ ra lo lắng: “Mấy hôm nay nghe đài báo bão lớn sắp tràn vào, cả nhà cứ chộn rộn mãi. Không biết ngôi nhà của chúng tôi có chịu đựng nổi những cơn sóng dữ không. Cả gia đình hơn 5 người chỉ có cái nhà chui ra chui vào, nếu bị sóng biển cuốn đi thì không biết phải sống ra sao nữa”. Đó không chỉ là nỗi lo của riêng anh Chúc, mà của hàng trăm hộ dân thuộc các phường Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ khi những ngôi nhà của họ nằm chỉ cách mép nước biển chưa đến 30m và hầu hết đều thuộc nhà cấp 4, hoặc tạm bợ.

Cuộc sống của người dân ven biển Sơn Trà chủ yếu dựa vào những chiếc ghe, chiếc thúng để làm nghề xúc tôm, cào cá ven bờ. Những chiếc ghe, chiếc thúng đó dù nhỏ nhưng là cả một gia tài của họ (khoảng 20 triệu đồng) là phương tiện để nuôi sống cả gia đình.

Thế nhưng, đã mấy ngày nay, nhà nào cũng mang nỗi lo canh cánh trong lòng là liệu rằng, với sức gió của bão số 6 này, những chiếc ghe của họ được kéo lên khỏi mép nước biển chỉ vài chục mét và được xếp nằm dọc theo con đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc liệu có còn nguyên vẹn hay bị sóng cuốn trôi mất dạng? Cũng vì nỗi lo này mà những ngư dân là những chủ ghe, thuyền ở đây đều quả quyết sẽ “bám trụ” để giữ phương tiện làm ăn của mình”.

Nỗi lo còn đó

Thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức) và xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) thuộc tỉnh Quảng Ngãi cách nhau bởi cửa biển Sa Kỳ, là hai điểm đầu hứng chịu trực tiếp hiểm họa của thiên tai. Trước khi cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền, ở hai điểm đầu “ngọn sóng” này, không khí chống bão đang rất khẩn trương.

Chị Nguyễn Thị Kiệm, sinh 1950, tay quệt mồ hôi ngang trán nói: “Phải di dời chứ chú, ngày nào tivi và đài cũng thông báo bão sắp đến và Nhà nước đã kêu gọi khẩn trương di dời các hộ dân vùng sạt lở đến nơi ở an toàn mấy ngày nay rồi, phải di dời kẻo lại như mọi năm”… Nói rồi chị “đẩy” chiếc xe ba gác chở vật dụng gia đình chạy về hướng có khu tái định cư mới.

Tính đến hết ngày 29-9, thôn An Chuẩn đã có 30/56 hộ dân đã di dời đến khu TĐC Tân Hải để tránh bão. Ấy thế nhưng, ngoài những hộ hăng hái “chạy” bão vẫn còn một số gia đình rất chủ quan, thờ ơ.

Chị Trần Thị Lệ, ở xã Nghĩa An, 37 tuổi, có 4 đứa con nhỏ, bình thản trả lời khi tôi hỏi: Chị không biết bão đang vào sao? Biết chứ! Chị không sợ à? Sợ chứ, nhưng từ từ mà chú (!?). Không riêng chị Lệ, chị Nguyễn Thị Lan, 36 tuổi, có chồng và 2 đứa con, nhà ngay mép biển thôn An Chuẩn, thản nhiên nói: “Bão chưa đến mà chú, vả lại chưa có tiền hỗ trợ của Nhà nước lấy gì làm nhà mới mà đi (?)”.

Đến xã Nghĩa An, chúng tôi còn bất ngờ bởi những bức xúc của người dân nơi đây.

Chính quyền xã chưa thống kê được các hộ dân cần di dời nên các hộ dân dù đang bị thiên tai đe dọa nhưng không biết đi đâu, ở đâu… Với cách làm việc thế này thì quyết tâm của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ông Nguyễn Xuân Huế là kiên quyết không để xảy ra người chết và mất tích do bão xem ra khó thực hiện.

NGUYỄN HÙNG - HÀ MINH

Sẵn sàng tiếp nhận và cứu chữa nạn nhân không thu viện phí

Ngày 29-9, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Công ty Dược TƯ3, Công ty Thiết bị y tế TƯ3 Đà Nẵng; Bệnh viện C, Bệnh viện TƯ Huế, Viện Pasteur Nha Trang yêu cầu chủ động giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 6 gây ra. Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không để bất cứ bệnh nhân và cán bộ y tế nào bị chết, bị thương do mưa bão gây ra. Cần di chuyển ngay thuốc, hóa chất và thiết bị y tế lên nơi cao, vững chắc không để thiệt hại do mưa bão.

Vẫn theo chỉ đạo của Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh phải phân công nhau xuống ngay các khu vực trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão. Bộ đã lệnh cho các Công ty dược và thiết bị y tế TƯ tại Đà Nẵng cấp và vận chuyển đến tận Sở Y tế cơ số thuốc, áo phao, viên Cloramin để sẵn sàng sử dụng phòng chống, khắc phục hậu quả do bão. Sở Y tế phải chuyển ngay số thuốc và thiết bị đó đến các trọng điểm trước khi bão đổ bộ vào. Các cơ sở y tế tăng cường thêm các kíp trực chuyên môn, sẵn sàng tiếp nhận và cứu chữa nạn nhân không được thu bất cứ khoản phí nào.  Q.P. 

Tin cùng chuyên mục