Tháo gỡ và thí điểm

Tính từ năm 2003 đến nay, TPHCM chưa có công trình thể dục thể thao (TDTT) mới (ở cấp độ thành phố), ngoài sân Phú Thọ được ráo riết xây dựng phục vụ SEA Games.

Trong khi các nhà thi đấu đa năng có trên dưới 20 năm tuổi đều đã xuống cấp nghiêm trọng, đang để trống hoặc vá víu, cho thuê làm phim trường, triển lãm, hội chợ…; một số dự án tầm vóc (như Nhà thi đấu Phan Đình Phùng hay Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc), do thay đổi khung pháp lý, vướng giải phóng mặt bằng hoặc chưa có đầy đủ nguồn lực đầu tư, vẫn bất động.

Quỹ đất của TPHCM vốn khan hiếm, quỹ đất dành cho đầu tư, phát triển các công trình thể thao, văn hóa cộng đồng lại càng eo hẹp. Cùng với đó, quy trình sáp nhập khiến hầu hết trung tâm TDTT của TPHCM trước đây thuộc đơn vị loại 1 nay xuống loại 2, càng hạn chế điều kiện nâng cấp, đầu tư.

Khi nguồn lực nhà nước đang dồn sức ưu tiên cho các lĩnh vực trọng yếu thì cơ sở pháp lý để đầu tư xã hội hóa ở lĩnh vực này lại còn nhiều bất cập, thiếu cơ sở để triển khai. Theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4-5-2018 của Chính phủ ban hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thì lĩnh vực văn hóa (VH) và thể thao (TT) được áp dụng thực hiện của nghị định này. Tuy nhiên, đến ngày 18-6-2020, Quốc hội ban hành Luật PPP số 64/2020/QH14 về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tại Điều 4 - Lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP, thì lĩnh vực VH và TT không được áp dụng triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư.

Đây chính là lực cản, ngược với chủ trương “xã hội hóa hoạt động đầu tư TDTT”, từ con người đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Do không được áp dụng theo phương thức đối tác công tư nên chưa có nhà đầu tư tư nhân nào thực sự “nhập cuộc”, trích lập từ nguồn ngân sách thì càng khó, càng thiếu, dẫn tới xã hội hóa chưa đến nơi đến chốn. Chưa kể, Điều 79, Luật PPP, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai nhưng do VH, TT không thuộc lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP nên không có cơ sở để áp dụng.

Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp chỉ cho phép các khoản chi tài trợ cho Giáo dục (khoản 2.21), Y tế (khoản 2.22), Khắc phục thiên tai (khoản 2.23), Nhà tình nghĩa, tình thương (khoản 2.24) được đưa vào hạch toán trong chi phí của doanh nghiệp; riêng lĩnh vực VH và TT không được áp dụng thực hiện. Một số doanh nghiệp “lách” sang chi theo hợp đồng quảng cáo, tuy nhiên việc đơn vị thể thao thực hiện chức năng quảng cáo là không phù hợp, tỷ lệ chi quảng cáo của doanh nghiệp cũng bị khống chế, đồng thời phải chịu khoản thuế trên số tiền tài trợ… Chính vì sự “trói tay” này, nhiều doanh nghiệp đã từ chối tài trợ, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển VH và TT của TP.

Ở hai lĩnh vực đặc thù này, yếu tố con người - cụ thể là vận động viên, diễn viên và các thành phần sáng tạo khác - mang tính quyết định thành bại. Đã có nhiều nỗ lực đãi ngộ, thu hút, nhưng vẫn đang tồn tại nhiều bất cập (và chậm được chỉnh sửa) trong chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, môi trường hoạt động. Về đào tạo, hiện nghệ thuật Hát bội chẳng hạn không có khoa/trường đào tạo, chủ yếu chỉ là cầm chừng “truyền nghề - giữ nghề” giữa các thế hệ nghệ sĩ ở tại đơn vị. Mà nguồn tuyển chọn lứa sau càng lúc càng khan hiếm. Hay bộ môn đặc sản là sân khấu Cải lương ngày càng khó tuyển chọn đầu vào lẫn đảm bảo chất lượng đầu ra. Ở phía Nam, cũng chưa có trường đào tạo Rối, Xiếc.

Chưa kể, chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện còn nhiều vướng mắc. Theo Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30-3-2018 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, phạm vi và đối tượng áp dụng của Thông tư này chỉ quy định đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi một số đối tượng năng khiếu, tiềm năng nghệ thuật chưa đúng đối tượng áp dụng của Thông tư, gây khó khăn cho công tác đào tạo đối với lực lượng văn nghệ sĩ.

TPHCM là đô thị với sự sống từ nhịp đập của hàng triệu thị dân. Họ đang sống, làm việc và có nhu cầu về một cuộc sống đầy đủ, đa dạng về vật chất lẫn tinh thần. Những nỗ lực trong thời gian vừa qua của TP phải được tiếp tục “hà hơi, tiếp sức”; trước mắt cần tháo gỡ những rào cản đang hạn chế nhu cầu chính đáng này. Về lâu dài, thông qua chủ trương thí điểm, TP cần có cơ chế để có thể thu hút sự tham gia từ xã hội, từ cộng đồng và từ mỗi công dân đang khao khát vươn lên từng ngày!

Tin cùng chuyên mục