Cán bộ bám trụ vị trí giúp dân

Cán bộ bám trụ vị trí giúp dân

Cây ven đường, cây sát nhà dân bị đốn trụi. Đài truyền thanh di động liên tục phát đi tin bão khẩn cấp. Nhà nhà chèn chống, dựng bao tải trên nóc, người người đào hầm trú bão… Lực lượng quân đội sơ tán nhà cửa, người già, trẻ em ra khỏi vùng nguy hiểm…

  • Đà Nẵng: Cuộc “di tản” lớn

Đà Nẵng sụt sùi mưa, bầu trời u ám đến nỗi ngay từ sáng sớm hôm qua 30-9, các cửa hàng, công ty, tiệm tạp hóa và nhà dân trên đại lộ Ngô Quyền (cách biển trên dưới 500m) đã đồng loạt đóng cửa. Chưa hết, tất cả các cửa sắt, cửa gỗ đều có cây chắn, dây thép và ống khóa giằng néo hết sức cẩn thận. Trên mái nhà, bao cát, đá tảng dùng làm vật nặng để ổn định phần nóc.

Cán bộ bám trụ vị trí giúp dân ảnh 1

Ngư dân Đà Nẵng đóng kè chắn sóng.

Xe chúng tôi vượt làn mưa chạy dọc theo biển Sơn Trà, len lách giữa hàng trăm chiếc áo lính, dân quân đang gò lưng đẩy những chiếc thuyền dài 10 - 15m từ mép biển lên mặt đường.

Sau đó, quận đội Sơn Trà huy động xe cẩu để cẩu từng chiếc thuyền sang hẳn phần đường bên trong. Theo thống kê, toàn TP Đà Nẵng có 2.019 tàu thuyền thì đến tối qua 30-9, tất cả 1.969 chiếc đã vào bờ neo đậu.

Người dân sống dọc bờ biển Đà Nẵng lâu nay chỉ “nếm” được sức gió giật trên cấp 11 là đã “kinh hoàng” lắm rồi. Cho nên ngoài sự vận động của chính quyền ra, chị Nguyễn Thị Đựa (Tổ 6K, số nhà 18, Thọ Quang, Sơn Trà) đã đội mưa ôm mùng, mền, chiếu, gối, và 2 đứa con nhỏ ra phòng học của Trường Lý Tự Trọng (cách biển khoảng 500m) để tránh bão. Chạy lúp xúp dưới cơn mưa, vấp té, đứa bé 6 tuổi con chị Đựa liền được một chiến sĩ Vùng 3 hải quân bế xốc lên đem vào nơi khô ráo. Ở đó, UBND phường Thọ Quang đã xuất tiền mua cho mỗi người ổ bánh mì thịt, gói mì tôm ăn sáng, cơm trưa và chiều thì “tạm dùng” cơm hộp.

UBND quận Sơn Trà đã điều động 2 ô tô xuống tại khu vực nhà liền kề Nại Hiên Đông để đưa người già, trẻ em và một số phụ nữ đi sơ tán. Trực tiếp xuống quận Sơn Trà để chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh yêu cầu BQL khu chung cư Vũng Thùng mở cửa cho nhân dân vào tá túc, kể cả súc vật.

Tuy nhiên, trở lại tổ 32 Nam Ô 2, lúc 18 giờ đêm qua 30-9, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân sống sát biển vẫn chưa chịu sơ tán đến nơi đã chỉ định. Chúng tôi đến hỏi một gia đình khoảng 7 người đang… ăn cơm thì một người bảo: “Để coi tình hình bão gió ra răng cái đã, đi chi cho sớm”.

Đến các điểm Trường Triệu Thị Trinh, Nguyễn Thái Bình… nơi bố trí người dân phường Hòa Hiệp Nam đến trú bão thì… chẳng có một bóng người. Đến UBND phường Hòa Hiệp Nam hỏi cho ra lẽ thì được ông Chủ tịch phường Bùi Văn Quốc cho biết “Chúng tôi cơ bản di dân khu vực này xong hồi 16 giờ 30.

Tuy nhiên, sau khi thành phố kiểm tra xong thì bà con bảo “khó khăn trong sinh hoạt” nên hầu hết về nhà ăn cơm nước hoặc đến nhà người thân trú bão”. TP Đà Nẵng nêu quyết tâm di dời khẩn cấp 15.300 nhân khẩu tại các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Hòa Vang đến các nơi an toàn. Nhưng rồi đêm nay gió mạnh lên, liệu...

  • Dân Quảng Nam phập phồng “đón bão”

Bầu trời xám xịt. Mưa như trút nước. 37 nhà dân ven biển thôn 5 (Trung Phường, Duy Hải) chuyển nốt vật dụng cuối cùng, rời làng, lánh nạn vào thôn 1. Bà Lê Thị Nghệ nhìn lại căn nhà của mình bên mép sóng vừa được lính đơn vị B15, Quân khu 5, chất lên xe chuyển đi.

“Tiếc thật, nhưng không còn cách nào khác, phải đi thôi. Ở lại là làm mồi cho bão. May nhờ các chú bộ đội, chứ không biết khi nào mới xong”, nói xong, bà đi trong mưa gió. Gia đình bà Nghệ có lẽ là căn nhà cuối cùng của 37 nhà dân xứ Trung Phường phải rời làng lánh nạn.

Âu thuyền Hồng Triều (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) trở nên nhỏ bé, không đủ chỗ để chứa 200 con tàu dân Duy Xuyên và cả Thăng Bình, Hội An vào trú ngụ. Ông Phạm Mai Thương, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Chúng tôi đã cho tàu chuyển dần lên phía sông Trường Giang. Không để một ngư dân nào ở lại tàu. Ông Nguyễn Văn Hiến, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên nói như quát trong mưa “Cứu người là trên hết. Còn người, còn của. Bà con không phải sợ gì. Hãy theo lệnh chính quyền, khẩn cấp di dời”.

Tin bão Xangsane tiến đến gần với mức độ khủng khiếp xoáy thêm nỗi bi thảm trong lòng dân Bình Hải, Bình Minh (Thăng Bình). Nỗi đau Chanchu chưa kịp hàn miệng thì tiếp thêm một cơn cuồng phong khác. Chị Nguyễn Thị Hương vội vàng bồng bế hai con nhỏ mất cha, bươn bả về chợ Được trú bão.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: dân đã làm mọi cách để đối phó với bão. Kể cả kinh nghiệm từ hồi chiến tranh – đào hầm cũng đã được sử dụng để tránh bão. Chỉ sợ nước dâng trong bão thì nguy”.

Tại Hội An, sân UBND thị xã đầy xe vận chuyển. 12 giờ ngày 30-9, toàn bộ 438 khách du lịch tại 7 khách sạn ven biển đã được chuyển về trú ngụ an toàn tại các khách sạn khác trong phố cổ. Bí thư thị xã Hội An Nguyễn Sự quát vào máy điện thoại: Không một cán bộ nào rời vị trí giúp dân. Ai không chịu đi khỏi vùng nguy hiểm, lập tức cưỡng chế. Không để một người dân Hội An nào bị thương vong.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị xã nuốt vội trái bắp, xắn quần, vừa lao đi trong mưa vừa nói: Số dân di dời khẩn cấp đã vượt khỏi dự kiến (khoảng 5.100 người), hiện đã lên đến 6.636 người. Con số đến cuối ngày khoảng 10 ngàn người đã về đến nơi trú ẩn an toàn, phập phồng “đón bão”.

  • Ngư dân Quảng Ngãi khẩn trương di dời

Thôn Đinh Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn là một trong những vùng nguy hiểm ven biển của Quảng Ngãi cần di dời dân. Tại đây hiện có 47 hộ cần di dời khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở ven biển.

Mặc dù, hôm qua Quảng Ngãi có mưa nhưng không khí di chuyển đồ đạc của bà con nơi đây rất khẩn trương, tất bật. Số hộ dân nơi đây di chuyển ở tạm 3 điểm Trường tiểu học xã Bình Châu, sân vận động và Hải đội 2. Như vậy, đến chiều 30-9, Quảng Ngãi đã hoàn thành di dời trên trên 2.300 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, ven biển ven sông, sạt lở núi.

Quân đội: Đến cuối ngày 30-9, có 8 máy bay trực thăng được huy động sẵn sàng cứu vớt nạn nhân, thả hàng cứu trợ… có 2 chuyên cơ phục vụ công tác chỉ đạo trong trường hợp khẩn cấp. Trung đoàn 176 Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều 2 tiểu đoàn bổ sung lực lượng cứu hộ, cứu nạn cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã điều động 1.085 bộ đội, 213 dự bị động viên, 2.350 dân quân tự vệ, 39 xe tải và xe ca, 7 xe cứu thương tham gia phòng chống bão ở các địa phương từ Đà Nẵng trở vào.

Công an:
Ngay trong ngày 30-9, Bộ Công an đã cung cấp cho các địa phương: 133 bộ lều bạt, nhà bạt, giường bạt; 403 cơ sở thuốc; 10 chiếc xuồng máy; 3.000 chiếc áo phao, phao cứu sinh; 1.666 chiếc đèn cứu hộ, đèn pin đặc chủng; 13.300 bộ quần áo đi mưa; 429 loa pin còi báo hiệu.

Ngoài ra, lực lượng công an các địa phương từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã triển khai nhiều chiếc xuồng máy, bo bo sẵn sàng ứng cứu nhân dân.

GT-VT:
Đến chiều 30-9, đã bố trí lực lượng túc trực tại các điểm thường xảy ra sạt lở; trong đó, tập trung bố trí tại các đèo như Hải Vân, đèo Cả, đèo Cù Mông… nhằm kịp thời giải phóng mặt bằng khi sạt lở xảy ra, gây ách tắc giao thông.

NHÓM PV

Thông tin liên quan

Cuồng phong lại đến miền Trung!

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Cưỡng chế người không chấp hành lệnh sơ tán

Bão số 6 đã mạnh trên cấp 13

Nỗi lo nơi “đầu sóng ngọn gió”

Chiều mai TP Đà Nẵng phải hoàn tất di dời dân ven biển

Nhiệm vụ cấp bách: Đối phó bão số 6

Xuất hiện bão mạnh trên cấp 12 ở Biển Đông

Tin cùng chuyên mục