Nan giải quản lý rác dân lập. Bài 1: Rối như tơ vò

Tại TPHCM, có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt phải tiếp nhận và xử lý hàng ngày. Thế nhưng, có đến 60% tổng lượng rác này do lực lượng thu gom rác dân lập thu gom. Điều này đã tồn tại từ rất lâu và gây ra nhiều hệ lụy.
Nan giải quản lý rác dân lập. Bài 1: Rối như tơ vò

Tại TPHCM, có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt phải tiếp nhận và xử lý hàng ngày. Thế nhưng, có đến 60% tổng lượng rác này do lực lượng thu gom rác dân lập thu gom. Điều này đã tồn tại từ rất lâu và gây ra nhiều hệ lụy.

Việc cá nhân sở hữu các đường dây rác đã không đảm bảo được điều kiện lao động tối thiểu cho người lao động, không có sự phân công hợp lý để đảm bảo việc thu gom thông suốt, liên tục. Hơn nữa, chất lượng vệ sinh trên địa bàn TP cũng không được đảm bảo.

Thu gom rác dân lập tại quận Gò Vấp. Ảnh: Cao Minh

Thu gom rác dân lập tại quận Gò Vấp. Ảnh: Cao Minh

Không biết người thuê mình

Theo chân chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân thu gom rác dân lập trên địa bàn quận 10, TPHCM, chúng tôi mới hiểu được phần nào công việc khó khăn mà vợ chồng chị đang đeo đuổi. Chị Tươi là người phụ nữ gom rác “đặc biệt” được nhiều người chú ý. Lý do là  tại thời điểm đó, dù bụng bầu vượt mặt (tháng thứ 7), chị vẫn thoăn thoắt leo 3 tầng lầu chung cư Ấn Quang, gom rác trên tuyến đường Lê Hồng Phong (quận 10). Trông cảnh bà bầu đẩy xe rác nặng gần 700kg, người dân đều lắc đầu lè lưỡi. Hiện chị Tươi vẫn tiếp tục công việc này, trung bình mỗi ngày đẩy khoảng 6 xe.

Chỉ vào chiếc xe đẩy xộc xệch, chị Tươi nói: “Tôi tự bỏ tiền túi sửa nhiều lần rồi. Mỗi lần sửa cũng hết vài trăm ngàn đồng. May thì được chủ đường dây rác thanh toán tiền, còn không thì phải tự gánh”. Được biết, thu nhập mỗi tháng của chị Tươi khoảng 2 triệu đồng, không có phụ cấp nào khác. Còn các chế độ như bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bệnh tật… hoàn toàn không có. Thậm chí, chị còn không biết người chủ thực sự đang thuê và trả lương hàng tháng cho mình là ai.

Đó cũng là tình cảnh của rất nhiều người thu gom rác dân lập đang làm việc cho các chủ đường dây rác trên địa bàn TP. Phần lớn họ được giới thiệu và làm việc qua một người môi giới khác. Đến tháng, sẽ có người tìm đến họ để đưa số tiền như đã thỏa thuận bằng… miệng. Trường hợp người lao động gặp rủi ro, tai nạn hay bệnh nghề nghiệp đều phải tự chịu.

Ông Trần Thanh Son, Chủ tịch LĐLĐ quận 10 TPHCM, cho biết: Thực trạng người thu gom rác không được đảm bảo các quyền lao động không phải chuyện lạ. Chính quyền địa phương đã biết nhưng việc giải quyết lại không dễ. Phần lớn những người này tự thỏa thuận làm việc cho các chủ đường dây rác mà không đòi hỏi chế độ cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Họ cũng biết mình thiệt thòi nhưng vẫn chấp nhận vì đó là chén cơm manh áo của gia đình. Hiện nay, vào các dịp lễ, tết, chúng tôi chỉ biết chia sẻ với họ bằng cách tổ chức thăm hỏi, tặng quà các hộ công nhân thu gom rác dân lập.

Thực hiện “chuyển nhượng”

Trên thực tế, tình trạng trên tồn tại hàng chục năm qua. Các đường dây thu gom rác do một đầu nậu nắm giữ. Việc chuyển nhượng qua lại đường dây rác luôn diễn ra nhưng các đầu nậu rác không thực hiện kê khai hoặc đăng ký. Đại diện một công ty thu gom xử lý môi trường cho biết, để được sở hữu và khai thác đường dây rác tại quận Tân Phú, họ đã phải mua lại. Hình thức mua được tính là cho phép chủ đường dây rác cũ thu tiền rác của người dân khu dân cư trong vòng 2 năm. Còn rác sẽ do công ty thu gom. Sau 2 năm, đường dây rác đó mới được chuyển giao hoàn toàn cho công ty thu gom xử lý môi trường quản lý, thu tiền. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh thêm, hoạt động này chỉ là sự thỏa thuận giữa hai bên. Một số ý kiến cho rằng, trước đây chủ đường dây rác nhận chuyển nhượng với mức giá khá cao, nên việc hoàn lại vốn mua cho họ là hợp lý.

Đồng thuận với ý kiến này, bà Nguyễn Kim Hoa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vệ sinh môi trường liên minh quận Thủ Đức cho biết, hợp tác xã có 67 thành viên, đa số họ là chủ của các đường dây rác và những người đang được thuê để thu gom rác trong khu dân cư. Để sở hữu một đường dây rác, đa phần các chủ đường dây rác đều phải mua lại từ các chủ khác. Họ không biết những người chủ trước kia tồn tại khi nào, chỉ biết rằng từ trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thì đã có các chủ đầu nậu quản lý và thu gom rác tại các khu dân cư. Vì đã “mua” nên đường dây rác được xem như tài sản riêng của họ. Vậy khi có bất kỳ sự thay đổi nào liên quan ảnh hưởng đến tài sản này của họ, cơ quan chức năng nên xem xét yếu tố lịch sử. Nếu cơ quan quản lý đưa lực lượng chính quy vào thu gom rác mà không có sự thương thảo sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn. Còn nếu nhà nước mua lại đường dây rác với giá thỏa thuận hợp lý, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập có một chỗ làm mới như tại Công ty Dịch vụ công ích, các chủ đường dây rác sẽ chuyển nhượng.

UBND quận 12 vừa buộc ngưng hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt của tổ thu gom rác dân lập do bà Nguyễn Thị Chắt làm chủ. Nguyên nhân là trong quá trình hoạt động, tổ thu gom rác của bà Nguyễn Thị Chắt đã liên tục để xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, tổ thu gom rác đã không hợp tác với UBND phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú Đông trong việc thống kê, phân loại, báo cáo và ký hợp đồng với các chủ nguồn thải đang thu gom; thu gom rác không đảm bảo thời gian biểu, chậm trễ gây tồn đọng rác, ô nhiễm môi trường khu dân cư; tự ý thu mức phí sai với quy định mức phí do TP ban hành; không nộp phí đầy đủ cho chính quyền địa phương. Hiện tại, UBND quận 12 đã đình chỉ hoạt động thu gom rác tại các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú Đông của tổ thu gom rác dân lập này; đồng thời, giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 12 tổ chức thu gom thay thế.

MINH XUÂN - THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục