Vi phạm văn minh đô thị ở TPHCM

Thiếu luật hay thiếu quyết liệt?

Thiếu luật hay thiếu quyết liệt?

“Việc xử phạt vi phạm văn minh đô thị (VMĐT) ở quận huyện chưa quyết liệt, nhất là xử phạt về lĩnh vực vệ sinh môi trường (VSMT), đến nay rất ít trường hợp bị phạt. Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn quá nhiều”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà chất vấn gay gắt các lãnh đạo sở ngành tại cuộc họp giao ban đánh giá việc thực hiện VMĐT trên địa bàn TPHCM 5 tháng qua, vào chiều 4-6.

Quá ít nơi phạt “nóng” hành vi vi phạm VMĐT

Thiếu luật hay thiếu quyết liệt? ảnh 1

Tuyến đường “kiểu mẫu” Nguyễn Trãi (Q5) chưa thể thông thoáng như tiêu chí của Ban Chỉ đạo thực hiện NSVMĐT đưa ra. Ảnh: Quý Lâm

Theo quy định, các hành vi xả rác, tiểu tiện, đổ nước, phóng uế, khạc nhổ… nơi công cộng có mức phạt 60.000 – 100.000 đồng, được áp dụng thủ tục phạt đơn giản. Người có thẩm quyền xử phạt không cần lập biên bản phạt mà đưa ra quyết định phạt, thu tiền ngay tại chỗ. Thế nhưng rất ít nơi thực hiện thủ tục này. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng vi phạm VMĐT trong lĩnh vực VSMT trên địa bàn TP vẫn còn tràn lan thời gian qua.

Giám đốc Sở VH-TT TP Nguyễn Thành Rum phân trần: Các lĩnh vực vệ sinh công cộng, nếp sống VMĐT, trật tự lề đường còn bị xử lý rất hạn chế. Nguyên nhân do khó khăn về… thủ tục! Ngay cả lãnh đạo Sở GTCC, thành viên của Ban chỉ đạo, cũng thừa nhận: Việc buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường còn phổ biến ở hầu hết địa bàn quận huyện. Mức phạt hành vi này hiện nay quá nhẹ…

Quy trình phạt: lòng vòng!

Đối với những trường hợp phạt “nóng”, bà Trần Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 11, than thở: Khó quá! Hiện quận gần như chưa phạt được các trường hợp này. Theo các quận huyện, những người có thẩm quyền xử phạt tại chỗ là chiến sĩ công an đang thi hành công vụ, trưởng công an xã, chủ tịch UBND cấp xã, phó chủ tịch UBND cấp xã (được chủ tịch UBND ủy quyền), lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) quận huyện xử phạt lĩnh vực VSMT (được chủ tịch UBND xã giao), thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, giao thông công chính có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến VSMT... Thực tế, các vị này quá nhiều việc nên không thể thường xuyên túc trực trên các tuyến đường, khu phố để bắt quả tang và xử phạt tại chỗ được!

Cũng đề cập đến bất cập của việc xử phạt, Phó Chủ tịch UBND quận 3 Phạm Ngọc Hữu nói: Hầu hết các phường sử dụng lực lượng TTXD để kiểm tra, xử phạt. Nhưng bản thân lực lượng này quá nhiều việc, lại quá mỏng (10 biên chế/quận và 2 - 3 biên chế/phường) nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm VMĐT vẫn chưa đạt.

Giải thích thêm nguyên nhân việc xử phạt chưa hiệu quả, ông Thái Đức Độ, Chánh TTXD quận 1, cho biết: Sau khi lập biên bản hành vi vi phạm, người lập biên bản quay về cơ quan làm phiếu đề xuất xử lý vi phạm, trình thủ trưởng cơ quan kiểm tra, rà soát hành vi vi phạm này thuộc điều nào trong quy định, sau đó thủ trưởng cơ quan chuyên môn tham mưu quyết định xử phạt trình lãnh đạo quận huyện, phường xã ký. Sau khi được ký, quyết định sẽ được chuyển về lại cho cơ quan chuyên môn để làm một số bước khác, sau đó quyết định được in ra thành nhiều bản; sau đó người vi phạm sẽ cầm quyết định ra kho bạc… đóng tiền phạt!

“Theo quy định, đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng thì việc ra quyết định xử phạt không quá 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Nhưng do lòng vòng như vậy nên chúng tôi hẹn người dân đến nhận quyết định xử phạt vào thời gian tối đa (ngày thứ 10), vì có muốn giải quyết cho người dân sớm hơn cũng không thể được”, ông Độ trình bày.

Không thiếu luật, chỉ thiếu quyết liệt!

Thiếu luật hay thiếu quyết liệt? ảnh 2

Cảnh tập kết thùng bia lấn chiếm lòng đường Võ Văn Tần ngay tại trụ sở Đội Vệ sinh số 1, thuộc Công ty Dịch vụ công ích quận 3 TPHCM. Ảnh: QUÝ LÂM

Bà Ung Thị Xuân Hương, Trưởng phòng Văn bản, Sở Tư pháp TPHCM, khẳng định như trên. Bà cho rằng việc xử phạt các vi phạm VMĐT đã được quy định rõ về thủ tục, thẩm quyền, mức phạt, chỉ cần kiên quyết thực hiện. Chưa kể, kể từ ngày 1-8-2008, Pháp lệnh số 04/2008 vừa được Quốc hội thông qua còn cho phép áp dụng thủ tục đơn giản trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 10.000 – 200.000 đồng, người có thẩm quyền có thể quyết định xử phạt tại chỗ không cần lập biên bản. Đây là cách tăng cường hình thức xử phạt hiệu quả.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay vẫn là không đủ lực lượng, không đủ người có thẩm quyền để phạt tại chỗ. Đồng tình với bà Hương, ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, nhấn mạnh: Hiện nay hầu hết các phường xã, quận huyện vẫn chưa ra tay quyết liệt, thời gian tới cần đẩy mạnh việc xử phạt và tăng cường nhân sự để việc xử phạt thực sự có hiệu quả răn đe.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà chỉ đạo: Tập trung 2 nội dung chính: lập lại trật tự lòng lề đường và kiên quyết xử lý việc xả rác. Các đoàn kiểm tra của TP phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện VMĐT ở các quận huyện, sở ngành, đặc biệt kiểm tra ở cơ sở (trường học, khu dân cư…). Tăng cường lắp đặt cơ sở vật chất (nhà vệ sinh công cộng, thùng rác…) cho quận huyện…”. Từ nay đến ngày 2-9 kết quả phải thấy được và thật sự có chuyển biến”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh. Bà cũng cam kết trong thời gian tới sẽ tăng cường đến các khu dân cư, phường, tổ dân phố hàng tuần để tham dự các cuộc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện VMĐT. 

87% các vụ vi phạm xử lý được là của giao thông!

Trong đợt kiểm tra đợt 2, 24 quận huyện và các ngành chức năng đã xử lý được 98.748 vụ vi phạm VMĐT với tổng tiền phạt trên 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả có đến 87% các vụ bị xử lý là vi phạm trong lĩnh vực trật tự giao thông (85.910 vụ).

HIỆP - ANH

Tin cùng chuyên mục