Nước mắt thấm bến Sông Hàn

Từ chiều tối đến tận sáng hôm qua 23-5, những người thân của các nạn nhân từ Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã tụ tập và đông dần lên ở khu vực cảng số 1 (cảng Sông Hàn, Đà Nẵng) chờ những thi thể người thân đang trên tàu vào bờ. Tất cả lặng lẽ, nhưng tận sâu thẳm trong lòng họ đang cồn cào nỗi đau xé ruột, ai cũng thấp thỏm: liệu có xác người thân của mình trên tàu hay không? Và rồi, 13 giờ 55 phút, 2 tàu cứu hộ SAR mang số hiệu 411 và 412 hiện ra, từ từ cập vào cảng…
Nước mắt thấm bến Sông Hàn

Từ chiều tối đến tận sáng hôm qua 23-5, những người thân của các nạn nhân từ Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã tụ tập và đông dần lên ở khu vực cảng số 1 (cảng Sông Hàn, Đà Nẵng) chờ những thi thể người thân đang trên tàu vào bờ. Tất cả lặng lẽ, nhưng tận sâu thẳm trong lòng họ đang cồn cào nỗi đau xé ruột, ai cũng thấp thỏm: liệu có xác người thân của mình trên tàu hay không? Và rồi, 13 giờ 55 phút, 2 tàu cứu hộ SAR mang số hiệu 411 và 412 hiện ra, từ từ cập vào cảng…

  • Người người viếng tang

Tuyến đường trước Cảng Biên phòng Đà Nẵng từ 12 giờ trưa đến 15 giờ tắc nghẽn. Hàng ngàn người lặng lẽ đã trực chờ sẵn để đón thi thể các nạn nhân. Cái nắng như càng nung lên. Trong khu vực cảng, xen lẫn bóng dáng áo xanh của các chiến sĩ biên phòng là màu áo trắng của hơn 50 nhân viên y tế chờ sẵn đưa xác các nạn nhân lên bờ và chuyển về nhà xác bệnh viện.

Nước mắt thấm bến Sông Hàn ảnh 1
Anh Trần Công Sỹ (28 tuổi, trú xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam), ngư dân đầu tiên được đưa lên bờ tại cảng Sông Hàn, Đà Nẵng lúc 13 giờ 50 ngày 23-5. Ảnh: ĐẠI DƯƠNG

13 giờ 55 phút, tàu cứu hộ SAR 412 mang 8 thi thể đầu tiên cập cảng; khoảng 15 phút sau, tàu SAR 411 mang thêm 7 thi thể và 33 ngư dân còn sống sót tiếp tục cập cảng. Những xác nạn nhân được bọc riêng lẻ trong những tấm nilon, ướp muối, có lẽ bị lâu ngày quá nên đã rữa ra, đọng nước, phình to lên.

Những xác được lực lượng tiếp nhận lần lượt chuyển lên bờ, ai cũng nhẹ nhàng như sợ làm các thi thể đau thêm một lần nữa. Tất cả được bọc kín, không ai kịp nhìn thấy mặt nên ai cũng lặng lẽ, cúi đầu, tận sâu thẳm trong họ, có lẽ cũng như tôi, đang tưởng niệm cho những ngư dân xấu số, ai cũng nghĩ mình đang dự một đám tang, một đám tang tập thể.

Hơn 10 xe cấp cứu của Trung tâm Y tế thành phố Đà Nẵng đã túc trực sẵn, sau khi chuyển hết số tử thi lên bờ, tất cả được chuyển lên xe đưa vào nhà xác Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng phân ra từng địa phương, xác định người thân và cho vào nhận thi thể.

  • Buổi “điểm danh” tang tóc

Nước mắt thấm bến Sông Hàn ảnh 2
Gia đình nạn nhân Phan Văn Hoa (SN 1972, Thanh Khê Đông, Thanh Khê, Đà Nẵng) khóc nức nở khi đội cứu hộ đưa thi thể anh vào nhà xác. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tại cổng dẫn vào khu nhà xác Bệnh viện Đà Nẵng, hàng ngàn người thân của nạn nhân chờ trực nhận diện các thi thể. Trên tay cầm những tờ phiếu (phiếu báo vào nhận người thân). Thấp thỏm! Lo âu! Hồi hộp! Trông đợi! Ai ai cũng đứng ngồi không yên. Bất ngờ, đoàn xe cứu thương chở nạn nhân từ từ tiến đến cổng, mọi ánh mắt đau thương đổ dồn về phía đó. Tiếng nức nở bật ra và nước mắt lại rơi!

Phía sau băng ghế chờ, cụ Bùi Mới (SN 1935, Duy Hải, Duy Xuyên) già sọm đi, mắt đờ đẫn, trông chờ đã mấy ngày nay lả người đi nhưng bỗng chồm dậy khi nghe mọi người xôn xao. “Xác về, xác về! Đâu, thằng Thọ đâu? Thằng Thọ về với cha rồi hả?”. Chỉ được có vậy, ông gục xuống! Con trai ông, Bùi Ngọc Thọ, SN 1970 – có tên trong danh sách những tử thi được đem vào bờ.

Rồi giờ phút kinh hoàng đã đến. Tiếng loa phát thanh vang lên, buổi “điểm danh” vào nhận thi thể người thân bắt đầu. “Mời người nhà của nạn nhân Võ Văn Ba, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) vào nhận người thân! Dáng người phụ nữ xiêu vẹo, lầm lũi tóc rối bời, khập khiễng, nặng nhọc lê chân bước vào nhà xác…! Tiếng loa phóng thanh lại vang lên, mời người nhà của nạn nhân Bùi Ngọc Thọ… Ông già ban nãy tôi gặp như khọm xuống, vừa đi vừa nấc lên: “Cha vào với con đây Thọ ơi!”.

Nhưng khi đọc đến tên người thân của nạn nhân Phạm Phú Dũng, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thì bất ngờ một người phụ nữ đổ sập xuống, bất tỉnh. Lay mãi chị không dậy, người thân phải đưa chị qua khoa cấp cứu. Lại một tiếng thở dài: “Khổ thân nó, đã một tuần nay nó có ăn uống gì đâu!”.

Đến anh Phạm Văn Đường, nhà ở Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê cũng đã quỵ ngay tại khu nhận xác tại Bệnh viện Đà Nẵng khi loa phóng thanh “điểm” tên anh vào nhận xác anh mình là anh Phạm Văn Hòa. Nước mắt không còn để khóc cho người anh trai xấu số, anh rê bước chân nặng nề về phía có chiếc ghế, ngã lưng và lịm đi… Cứ mỗi lần loa phóng thanh vang lên, lại như một lưỡi dao xé gió kinh hoàng xuyên thẳng vào tim những còn sống có người thân đã chết…

  • Những nụ cười hòa nước mắt

Vừa bước qua chiếc cầu dẫn từ tàu SAR 411, anh Trần Công Sỹ – trú xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (đi trên tàu ĐNa... 45) khóc òa và chỉ thốt ra được một câu: “Trời ơi. Tui còn sống. Em tui đâu rồi” và ngất xỉu. Lực lượng y tế đã tiến hành sơ cấp cứu và cấp tốc đưa anh lên xe về Bệnh viện Đà Nẵng để cấp cứu. Các ngư dân khác còn sống sót lần lượt bước lên bờ.

Nước mắt thấm bến Sông Hàn ảnh 3
Chuẩn bị đưa thi thể nạn nhân vào nhà xác Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Vì quá vui mừng khi gặp lại chồng là anh Võ Văn Lệnh (35 tuổi, trú Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam), chị Vương Thị Chung chạy lại ôm chầm lấy chồng. Anh Lệnh như còn mơ: “Tui đã về với bà rồi sao?”. Như không yên tâm để cho nhân viên y tế đưa chồng lên xe, chị dìu anh lên và hai người cùng đến trung tâm y tế.

Phía bên kia, người vợ trẻ Võ Thị Nga cũng chạy đến ôm chầm lấy chồng là anh Trần Thanh Tới (Bình Hải, Thăng Bình, Quảng Nam). Trước khi đi biển, anh và chị mới cưới nhau được chừng một tuần. Anh Tới kéo áo lau nước mắt cho chị, thẹn thùng: “Kìa mình, thôi mà, tui đã về”. Nhưng anh chợt chựng lại… Đứa em của anh đã mãi mãi ở lại với mênh mông biển cả…

Ngay trong chiều 23-5, chúng tôi tìm đến gia đình Phạm Văn Hoa trong một con hẻm nhỏ thuộc tổ 26, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê và được gia đình cho biết: Khi vừa tiếp nhận thi thể của anh Hoa tại Bệnh viện Đà Nẵng về, gia đình tiến hành khâm liệm vì xác đã thối rữa. Gia đình cho biết thêm, hiện anh Phạm Văn Xinh (anh ruột của Phạm Văn Hoa), Phạm Văn Sáng (cháu ruột của Phạm Văn Hoa) vì đã trải qua những ngày vật lộn kinh hoàng với biển cả nên đã đuối sức và gần như hoảng loạn. Vì thế, dù rất muốn nhưng các anh không thể tiếp chuyện được với chúng tôi. Được biết, anh Phạm Văn Xinh và anh Phạm Văn Hoa đi trên 2 con tàu khác, khi biết tàu của em trai mình gặp nạn, anh Phạm Văn Xinh cho tàu quay lại và tiến hành cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, dù đã hết sức nỗ lực nhưng cũng chỉ tìm thấy 5 thi thể của nạn nhân, trong đó có thi thể của Phạm Văn Hoa.

  • Còn những xót xa, hy vọng

Nước mắt thấm bến Sông Hàn ảnh 4
Quyên góp ủng hộ tại Trường PTCS Phan Đình Phùng xã Bình Minh huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Buổi sáng, chúng tôi gặp anh Lê Mai, trú ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, đang ngồi thẩn thờ bên gốc cây ven đường trước cổng Cảng Sông Hàn. Mắt đỏ hoe, anh ngậm ngùi: “Tui ra đây (Đà Nẵng) từ ngày hôm qua đến chừ. Mong sao tìm được 2 đứa cháu là Lê Đạt (21 tuổi) và Lê Dưỡng (16 tuổi) đã mất liên lạc với gia đình gần 10 ngày nay. Qua máy bộ đàm, gia đình đã biết là 2 đứa nó đã bị chìm theo chiếc tàu ĐNa 9079 rồi. Nhưng vẫn hy vọng biết đâu chúng nó được cứu vớt, hay nó đã chết rồi thì cũng được nhận xác. Ba mẹ nó đã không còn sức để ra đây nữa. Quỵ cả rồi! Thương cho thằng Dưỡng, mới 16 tuổi đời và cũng mới đi biển lần đầu”. Nói đến đây anh đứng dậy và lầm lũi bước đi về trong phía cảng, ngóng ra mặt sông... Có lẽ anh vẫn còn chút hy vọng mong manh tìm được 2 đứa cháu của mình trong những chuyến tàu cập cảng sau.

Tôi gặp mẹ Huỳnh Thị A, 65 tuổi, ở Quảng Ngãi, đã ra chờ nhận xác con mình. Bà ngồi, mắt nhìn trân trân vào khoảng không? “Bà ra đây đã lâu chưa?”. “3 ngày rồi con ạ. Mẹ đã nghĩ rồi, một là nhận được con, hai là có xác nhưng đã biến dạng không nhận được lại phải chờ, ba là nó không về…”. Nói đến đây, mắt bà giật giật, nước mắt trào ra. Sau khi được tôi cho biết danh sách không có tên con bà (Võ Văn Thành, đi trên tàu DNa 90053), tôi theo bà đi 2 vòng qua Trung tâm cấp cứu để tìm cũng không có, bà tự vấn trong nước mắt: Nó đi đâu? Hàng ngày ở nhà cứ 11 giờ đêm là nó về gõ cửa gọi mẹ ơi mà…

Vẫn còn 205 người mất tích

Theo tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến cuối ngày 23-5, cả ba địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã xác định được 14 tàu chìm (Đà Nẵng 7 chiếc, Quảng Ngãi 5 chiếc, Quảng Nam 1 chiếc, Bình Định 1 chiếc, mới tìm thấy được 96 người trong tổng số 220 lao động; 6 tàu mất tích (3 tàu Quảng Ngãi, 3 tàu Đà Nẵng), với 81 lao động. Như vậy, tính đến thời điểm này vẫn còn 205 người mất tích.

Đến 17 giờ ngày 23-5, một tàu của Hải quân đang chở theo 3 tử thi và 27 ngư dân còn sống sót trên đường về Đà Nẵng, đang cách Đà Nẵng khoảng 500km. Dự kiến trong chiều tối hôm nay (24-5), tàu sẽ về đến cầu cảng sông Hàn (Đà Nẵng).

Theo tin từ TP Đà Nẵng, hiện vẫn còn trên 10 tàu của Đà Nẵng đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển. Số tàu này đã may mắn thoát được cơn bão số 1, được các tàu cứu hộ Trung Quốc tiếp ứng nhiên liệu, thực phẩm, nước uống… để tiếp tục công tác tìm kiếm trong vài ngày tới.

Chiều cùng ngày, tin từ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, cho biết: trong ngày 22-5, 2 tàu cứu hộ của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân là HQ 628 và HQ 629 đã tiếp cận được hơn 10 tàu của ngư dân đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên lãnh hải Trung Quốc và Đài Loan và đã tiến hành cung cấp lương thực, nước uống, dầu, thuốc men… để các tàu này tiếp tục thực hiện công tác cứu hộ. Hiện nay, tàu HQ 628 đang kéo một tàu của ngư dân bị hư hỏng máy móc về đất liền, trên đó có hơn 20 ngư dân. Công tác tìm kiếm dự kiến kéo dài trong 2-3 ngày nữa.

Quốc hội gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc tới các gia đình bị nạn

“Quốc hội gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc tới các gia đình bị nạn và nhân dân các địa phương như Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã phải gánh chịu do cơn bão số 1 – Chanchu gây ra”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã phát biểu như vậy trước khi Quốc hội tiến hành ngày làm việc hôm qua (23-5).

Trong bài phát biểu của mình Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương tinh thần đồng đội, đoàn kết tự cứu nhau của những ngư dân, tinh thần khắc phục khó khăn trong việc tìm kiếm, cứu nạn của các cơ quan chức năng, các lực lượng vũ trang; tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong cả nước đã tổ chức quyên góp, giúp đỡ, thăm hỏi các gia đình bị nạn. Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi nhân dân cả nước, các cơ quan, tổ chức,… phát huy truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai vượt qua khó khăn, tổn thất để nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm: Huy động mọi nguồn lực để vượt qua khó khăn do cơn bão số 1 gây ra

Chiều 23-5, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có buổi làm việc với các ban ngành trung ương và địa phương để nghe báo cáo tình hình và tìm phương hướng khắc phục hậu quả do cơn bão số 1 gây ra. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng hiện 2 tàu là HQ-629 và HQ-631 chạy theo đội hình biên đội (song song) đã đến vùng biển có ngư dân bị nạn. Theo thông tin mới nhất thì tàu cứu nạn của Trung Quốc đã ngừng tìm kiếm và đang quay về hướng Quảng Châu. Trong khi đó phía Đài Loan cho biết họ vừa tăng cường thêm một chiếc tàu (ngày 18-5 có một chiếc) tham gia vào việc tìm kiếm.

Cơ quan giám định pháp y của quân đội đã vào Đà Nẵng nhằm xác định AND của các thi thể, trước mắt là 2 thi thể mới được đưa về cảng Đà Nẵng chưa xác định được danh tính. Trước mắt, thể theo nguyện vọng của thân nhân người bị nạn sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết gia đình sẽ đưa nạn nhân về mai táng; mỗi nạn nhân bị chết sẽ được hỗ trợ ngay 2 triệu đồng, xe cộ và những hỗ trợ liên quan; mỗi ngư dân còn sống sau khi được chăm sóc sức khỏe ổn định sẽ được cấp quần áo và 500.000 đồng để về ngay gia đình; mỗi tàu tham gia cứu nạn khi cập bến sẽ được hỗ trợ ngay 10 triệu đồng, mỗi thuyền viên 500.000 đồng…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm thay mặt Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các ngành các cấp, đặc biệt là sự tương thân tương ái của bà con nhân dân 3 địa phương có người bị nạn. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng, khẩn trương, cố gắng hết sức trong việc tìm kiếm những người còn gặp nạn với tinh thần “còn nước còn tát”, các cơ quan tìm kiếm cứu nạn, các địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để việc tìm kiếm đạt hiệu quả cao nhất; các ngành các cấp liên quan chú ý chăm sóc sức khỏe, động viên cả về tinh thần và vật chất đối với người còn sống trở về, thân nhân của người gặp nạn… Huy động mọi nguồn lực để vượt qua khó khăn do cơn bão số 1 gây ra.

Cả nước tiếp tục hỗ trợ ngư dân bị nạn

Ngày 23-5, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã có thư gửi cán bộ, hội viên, phụ nữ chia sẻ nỗi đau thương, mất mát và sự cảm thông sâu sắc đối với các gia đình bị nạn và ủng hộ 3 tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 1 gây ra, mỗi tỉnh, thành phố 10.000.000 đồng.

- Ngày 23-5, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã có văn bản gửi LĐLĐ các tỉnh, thành phố; công đoàn ngành TƯ; các công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ đề nghị các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch, mở cuộc vận động trong cán bộ đoàn viên và CNVC-LĐ tích cực ủng hộ các gia đình gặp nạn do cơn bão số 1 gây ra. Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, cơ quan Tổng LĐLĐVN đã tổ chức ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 1. Sau lễ phát động, đã thu được tổng số tiền hơn 70 triệu đồng.

- Cùng ngày, ông Lê Truyền, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã dẫn đầu đoàn cán bộ đi thăm hỏi đồng bào các tỉnh miền Trung bị nạn. Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cũng tổ chức tiếp nhận ủng hộ nạn nhân cơn bão số 1 ở 46 Tràng Thi, Hà Nội. Tại đây, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hà Tây ủng hộ 150 triệu đồng; Đảng bộ, nhân dân Quảng Trị ủng hộ 40 triệu đồng, BHXH Việt Nam 50 triệu đồng…

- Cùng ngày, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thưởng đã ra lời kêu gọi toàn thể, cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên và người tình nguyện CTĐ trong cả nước với tinh thần “tương thân tương ái” quyên góp giúp đỡ các nạn nhân bị bão số 1.

- Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 23-5, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM tổ chức lễ phát động đóng góp ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 1 gây ra. Tại lễ phát động, đại diện chư tôn đức Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, tăng ni, phật tử tại các chùa, tự viện đã ủng hộ gần 30 triệu đồng.

- Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM đã ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 1 tại 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi 500 triệu (trong số đó, Chi hội Thiện Nhân đóng góp 150 triệu đồng). Trong những ngày tới hội sẽ tiếp tục mở đợt vận động các chi hội đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 1.

- Trong ngày 23-5, các cơ quan đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng tiếp tục tổ chức quyên góp, ủng hộ gia đình các nạn nhân bị nạn. Cụ thể: Tổng Công ty Cienco 5 và các công ty thành viên đóng góp gần 100 triệu đồng, VP UBND thành phố Đà Nẵng: 17 triệu đồng; Việt Nam Airlines tại miền Trung 60 triệu đồng, Quân khu V 70 triệu đồng và tổ chức thăm viếng gia đình có thân nhân bị chết 1 triệu đồng; Trường THPT Lê Quý Đôn 10 triệu đồng… Như vậy, đến nay, TP Đà Nẵng đã tiếp nhận khoảng 1 tỷ đồng tiền ủng hộ từ các các nhân, tổ chức trên địa bàn. TP Đà Nẵng cũng đang lập phương án khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ cho các chủ tàu có tàu bị chìm.

  • Báo SGGP chuyển 50 triệu đồng của bạn đọc hỗ trợ các ngư dân bị nạn

Ngày 23-5, Ban Xã hội từ thiện Báo SGGP đã chuyển cho Văn phòng đại diện của báo tại Đà Nẵng số tiền 50 triệu đồng để góp phần giúp các gia đình bị nạn tạm ổn định cuộc sống trong khi tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân. Đây là tiền do các đơn vị và cá nhân bạn đọc Báo SGGP đến góp trực tiếp tại báo sau 2 ngày mở đợt vận động ủng hộ các gia đình nạn nhân cơn bão số 1.

Ngày 23-5, đại diện Công ty cổ phần Vận tải Bông Sen đã đến báo góp 10 triệu đồng ủng hộ các nạn nhân (ảnh). Cũng trong đợt vận động này, Báo SGGP và Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) đã phối hợp mở đợt vận động trong các cổ đông, khách hàng và đặt thùng lạc quyên tại trụ sở Công ty HSC.


Nhóm PV

Tin, bài liên quan:

Nước mắt ngày về

Phòng bão hơn… khắc phục hậu quả!

Sáng 22-5: Tàu chở nạn nhân bão số 1 cập cảng Đà Nẵng

Hãy giúp đỡ các gia đình gặp nạn do cơn bão số 1

Trung Quốc: Cứu được 330 ngư dân Việt Nam

Đất liền gọi, nghe rõ không?

Bão Chanchu: Ngư dân miền Trung chịu hậu quả thảm khốc!

Tin cùng chuyên mục