Nước mắt ngày về

Nước mắt ngày về

“…Khi tôi từ dưới khoang trở lên đã thấy nhiều người cuống cuống tìm dây cột can nhựa vô tay, vô chân, anh em thấy chết mười mươi, bảo làm thế này, may ra đất liền còn tìm thấy xác. Nước phủ lên tàu lá bên trái 5m, 7 phân, toàn bộ mặt kính trước vỡ tan, tôi gục xuống, chết chắc rồi…”.

  • “Còn nước còn tát”
 
Nước mắt ngày về ảnh 1

Anh Võ Văn Hết kể về thảm nạn kinh hoàng vừa trải qua. Ảnh: HÀ MINH

Rạng sáng 22-5, chúng tôi có mặt tại nhà anh Trần Công Tú (thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Vẻ hoảng hốt vẫn còn lộ rõ trong nụ cười gượng gạo của người đàn ông vừa thoát chết từ tâm bão. Anh Tú là tài công của tàu QNa 9073 của chủ tàu Nguyễn Hoa (Duy Hải - Duy Xuyên). Anh kể: “Tàu QNa 9073 đi từ 16-3 Âm lịch, trên tàu có 24 người đều là người Bình Minh, Thăng Bình.

Gần một tháng lênh đênh trên biển trong những ngày biển lặng, tàu QNa 9073 bắt hơn 10 tấn mực khô, ai cũng mừng, chuyến này về mỗi người cũng được chí ít 5-6 triệu đồng. Ngày 14-5, nghe tin bão từ đài duyên hải vùng biển, lúc đó chúng tôi ở 120 độ Đông, ở rất gần Philippines nên theo hướng Đông, hướng về phía đất liền Việt Nam chạy đến 116 độ Đông.

Khi bão mạnh lên dần, xuất phát ở 123 độ Đông, 12 độ Bắc tất cả anh em bắt đầu cuống lên. Nằm ngay tâm bão, tôi quyết định cho tàu chạy tiếp đến 116 độ Đông, 17 độ Bắc rồi 116 độ Đông, 19 độ Bắc để tránh luồng bão. Gió từ cấp 8 lên cấp 10 rồi giật lên cấp 12. Bão ầm tới, sóng phủ dập tàu. 21 giờ đêm, nước biển tràn vào lút hết hai phần khoang máy, tất cả máy đều chết, bộ đàm cũng không thể liên lạc được nữa.

Ban đầu tôi cho vứt bớt 7 tấn mực khô, tất cả ghe, can, dụng cụ làm biển, cái gì vứt được thì vứt hết để cho tàu nổi. Nhưng càng lúc, nước tràn vô càng nhiều, gió giật dữ dội, đánh bật hết người nào còn đứng trên hai chân được. Máy thì chết. Tôi gào lên kêu anh em ráng chút nữa rồi lặn xuống khoang, hú họa cố thay luyn (nhớt máy - PV) cho máy, biết đâu nhờ trời sửa được thì răng? Đêm tối om, không còn nhìn thấy gì, chỉ thấy nước và nước. Nước phủ lên tàu lá bên trái 5m, 7 phân, toàn bộ mặt kính trước vỡ tan. Tôi gục xuống, chết chắc rồi!”.

“Thế lúc đó, anh thực sự hết hy vọng?” - tôi hỏi. “Ừ, hết thiệt nhưng chợt nhớ hứa với con bé lớn (con gái anh là Trần Thị Ngọt, sắp thi tốt nghiệp cấp 3) rằng nếu đậu đại học, chuyến ni ba về thưởng cho cái đồng hồ, tôi lặn nhào xuống khoang lần nữa, hy vọng máy sửa được. Lần ni trời thương, máy chạy trở lại, tôi bơi lên, cố lấy hết sức la mắng anh em, máy chạy rồi, cố tát nước ra, neo tàu lại. Ơn trời, khi cả tàu lồm cồm tỉnh dậy thì thấy vắng ngắt. 6 giờ sáng 17-5, bão tan. Mặt biển sạch trơn, y như chưa hề có bão!”.

  • Lên bờ rồi vẫn khóc!

9 giờ sáng 22-5 tại bãi biển Thanh Khê, 65 ngư dân trên các tàu DNa 90324 của chủ tàu Võ Văn Hết ở Thanh Khê Đông; DNa 3622 và một tàu Hà Tĩnh HT 04536 của chủ tàu Hồ Tấn Phước, ở Thanh Khê Đông (Đà Nẵng) đã đặt chân lên đất liền. Cả dòng người ùa xuống biển, tiếng khóc vỡ òa nhưng không thê lương nữa; vợ chạy lại ôm chầm lấy chồng, con ôm lấy cha mừng mừng tủi tủi, mẹ già đưa tay lên lần từ mặt, mũi chân tay xem con còn nguyên vẹn không…

Tại nhà anh Võ Văn Hết, chủ tàu DNa 90324, người thân, vợ con những ngư dân đi trên chuyến tàu tập trung hỏi han, người nói, người cười, người khóc... Chị Nguyễn Thị Sen và 2 đứa con mấy ngày nay ruột gan như lửa đốt, lo lắng bỏ ăn, quên ngủ, giờ đây khi anh Mai Văn Sáng, 34 tuổi (chồng chị) trở về ngồi trước mặt chị mà mặt chị cứ mếu đi. Chị khóc nói như nựng: sau lần này không cho đi nữa; làm ít ăn ít cũng được, lỡ có chuyện chi khổ lắm, nói xong chị lại khóc.

Từ ngoài cửa bước vào, chị Hồ Thị Thu, vợ anh Võ Văn Hết khóc tức tưởi, tôi hỏi, anh đã về rồi sao chị còn khóc? Chị nói giọng khàn đi, mấy ngày mất liên lạc tưởng ổng đã chết rồi, mấy đứa con cũng khóc hết nước mắt... Từ xã Điện Dương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) khi tin chồng đã lên bờ, chị Trần Thị Bé, vợ anh Trương Xuân liền chạy một mạch từ quê ra Đà Nẵng để được nhìn thấy chồng. Vừa kịp nhìn thấy, chị bật khóc nức nở còn anh dịu dàng, tui đã trở về rồi. Như được thể, chị khóc to hơn rồi nghẹn lại !

Những ngư dân trở về, hàng xóm chạy ào đến chia vui. Những bà vợ, những đứa con ngồi ôm chân cha, nghe cha kể lại cơn hãi hùng, họ mới tin chắc là người thân của họ đã trở về. Mấy ngày qua, dù nghe tin từ điện đàm, rằng những tàu đó đã thoát bão, họ vẫn không dám tin. Nhưng dù, mừng chảy nước mắt, họ lại không dám cười vì các thôn bên kia đường, bạn tàu nhiều nơi, bao nhiêu người không còn trở về nữa...

Nhóm PV

Thông tin liên quan:

Sáng 22-5: Tàu chở nạn nhân bão số 1 cập cảng Đà Nẵng

Hãy giúp đỡ các gia đình gặp nạn do cơn bão số 1

Trung Quốc: Cứu được 330 ngư dân Việt Nam

Đất liền gọi, nghe rõ không?

Bão Chanchu: Ngư dân miền Trung chịu hậu quả thảm khốc!

Tin cùng chuyên mục