Từ 1-7-2006

Hàng điện tử vào EU phải đạt tiêu chuẩn RoHS

THANH HÙNG-XUÂN QUYỀN
Hàng điện tử vào EU phải đạt tiêu chuẩn RoHS

Bắt đầu từ 1-7-2006, quy định về hạn chế chất nguy hại (RoHS-Restriction of the use of Hazardous Substances) đối với sản phẩm điện-điện tử sẽ được áp dụng ở tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa mặt hàng nói trên vào EU phải đạt được tiêu chuẩn RoHS.

Hàng điện tử vào EU phải đạt tiêu chuẩn RoHS ảnh 1

Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cần quan tâm đến tiêu chuẩn RoHS.

Hiện nay, ở EU các nhà sản xuất luôn bị kiểm soát rất chặt chẽ về hoạt động dễ gây nên ô nhiễm môi trường, đe dọa cuộc sống của người dân.

Chính vì vậy, ngoài quy định về chất thải điện-điện tử (WEE-Waste Electrical and Electronic Equipment), các giới chức EU còn ban hành thêm tiêu chuẩn về chất độc hại (RoHS) sử dụng trong các sản phẩm này nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn cho người tiêu dùng lẫn cộng đồng.

Thực tế cho thấy, hàm lượng thành phần các chất độc hại ngày càng được sử dụng nhiều trong thiết bị điện-điện tử và nó đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược quản lý chất thải của EU. Do đó, EU luôn xem trọng các quy định về giảm thiểu các chất nguy hiểm trong sản xuất công nghiệp, các chính sách khuyến khích tái sử dụng hoặc tái chế phế phẩm và RoHS hay WEE là những vấn đề của chiến lược đó.

Về nguyên tắc, WEE và RoHS không có nhiều khác biệt. Về phạm vi áp dụng, cả hai tiêu chuẩn RoHS và WEE đều áp dụng cho 10 loại thiết bị hoặc sản phẩm gia dụng điện-điện tử gồm: đồ gia dụng lớn (tủ lạnh, máy giặt), đồ gia dụng nhỏ (máy hút bụi, lò nướng), thiết bị tiêu dùng (ti vi, nhạc cụ, radio) thiết bị chiếu sáng…

Ngoài ra, các thiết bị điện-điện tử mới, có mức điện áp dưới 1.000 AC hoặc dưới 1.500 VDC, bóng đèn bầu và các thiết bị chiếu sáng trong nhà cũng thuộc phạm vi áp dụng của RoHS. Theo đó, tiêu chuẩn RoHS cấm sử dụng 6 chất sau: chì (Pb), cadmin (Cd), thủy ngân (Hg), Hexavalentchromium (Cr+6), polybromi-nated biphenyls (PBB) và poly-brominated diphenyl ethers (PBDE) trên các sản phẩm kể trên.

Đây được xem là những chất thải phá hoại môi trường với mức độ lâu dài và đáng lo ngại, đặc biệt là chì. Ngoài ra, tiêu chuẩn RoHS cũng có một số miễn trừ đối với những thiết bị điện-điện tử như dụng cụ công nghiệp lớn, phụ tùng để sửa chữa, các sản phẩm điện-điện tử và các thành phần thay thế lưu hành trên thị trường trước ngày 1-7-2006.

Theo Hội Chất lượng TPHCM, những nhà sản xuất toàn bộ hoặc một phần sản phẩm điện-điện tử có thương hiệu của chính công ty mình, những nhà nhập khẩu sản phẩm trên đều là đối tượng áp dụng tiêu chuẩn RoHS. Vì vậy, các doanh nghiệp có sản phẩm muốn đưa vào EU thì nhất thiết phải đăng ký với thị trường này.

Và bắt đầu từ 1-7-2006, các cơ quan có thẩm quyền trong khối EU kiểm tra mà sản phẩm điện-điện tử không có tiêu chuẩn này thì có thể áp dụng các hình phạt như không cho tiếp tục nhập, phạt tiền hoặc thu hồi sản phẩm.

Ông Lim Jit Ting, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Công ty DNV Worldwide (Na Uy) cho biết, các doanh nghiệp có thể tự công bố phù hợp với tiêu chuẩn RoHS bằng việc áp dụng đúng các hướng dẫn về tiêu chuẩn này. Quy trình tự công bố có thể tham khảo trên trang web: www.rohsdata.com

THANH HÙNG-XUÂN QUYỀN

10 loại thiết bị điện-điện tử nằm trong phạm vi áp dụng của RoHS

1- Đồ gia dụng lớn: tủ lạnh, máy giặt, lò vi ba.
2- Đồ gia dụng nhỏ: máy hút bụi, lò nướng.
3- Thiết bị IT và thiết bị viễn thông: bộ vi xử lý dữ liệu trung tâm, máy vi tính, điện thoại di động, máy fax…
4- Thiết bị tiêu dùng: radio, ti vi, nhạc cụ.
5. Thiết bị chiếu sáng: bóng đèn huỳnh quang.
6. Dụng cụ điện và điện tử: máy khoang, máy may.
7. Đồ chơi, các thiết bị giải trí, thể thao: các đồ chơi điện tử, bảng điều khiển game bằng tay, video game.
8. Dụng cụ y khoa: máy trợ khí.
9. Dụng cụ quan sát kiểm soát: máy hút khói, lò sưởi.
10. Máy chế biến tự động: máy pha thức uống.

Tin cùng chuyên mục