Tan hoang Đà Nẵng

Tan hoang Đà Nẵng

Dù đêm trước mưa, gió rất lớn nhưng sáng sớm 1-10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cùng tất cả các thành viên Ban chỉ huy tiền phương phòng chống lụt bão Trung ương và nhiều phóng viên đã có mặt tại “bộ chỉ huy” đặt tại lầu 6 khách sạn Bạch Đằng để chờ bão ập vào.

120 phút nghẹt thở

Tan hoang Đà Nẵng ảnh 1

Cây xanh gãy làm đứt đường dây điện.

Quả như dự đoán, toàn TP Đà Nẵng mất điện vào sáng sớm. Đại diện ngành khí tượng thủy văn vừa báo cáo tâm bão cách Đà Nẵng 25km thì mưa và gió đã phủ trắng mặt sông Hàn, tầm nhìn chỉ từ 10-20m. Tiếng rít ào ạt của gió dần chuyển sang tiếng gầm gào hung tợn.

Lúc này, thông tin từ Quảng Trị báo về có một người dân bị chết do sét đánh. 30 phút sau, cả tầng lầu kiên cố của khách sạn rung chuyển dữ dội, mái tole vỗ ầm ập, một tấm kính vỡ, mưa và gió ào vào… Mọi người di chuyển xuống tầng trệt. Điện thoại khọt khẹt báo tiếp: một xe công tác của Điện lực miền Trung bị lật trên đường Trưng Nữ Vương, Văn phòng báo SGGP gần đấy bị tốc mái, cần cẩu bị lật tại đường Nguyễn Văn Linh!

Rồi tâm bão đến! Đứng bên trong khách sạn kiên cố “như rứa” mà chúng tôi thấy rõ cây cau sâm banh, to bằng vòng tay người ôm, bị gió vặn gãy ngang, vất ngọn cau bay xa mấy chục mét. Xung quanh tối tăm bịt bùng, sức gió trên 120 km/giờ làm cho những cây bồ đề cổ thụ bị róc hết cành to, nghe rong róc như người ta róc mía!

Điện thoại bắt đầu mất liên lạc, ai nấy đều gào thét mong tìm lại hồi âm từ các “điểm nóng” hay gia đình nhưng khó mà thực hiện được nốt cuộc gọi. Gió giật trên cấp 12, tâm bão đã đổ bộ. Nước từ sông Hàn dâng lên ngập đường Bạch Đằng, đánh văng con tàu 120 sức ngựa của anh Nguyễn Văn Còng (ĐN 90242, đang neo trú bão) từ bên kia sông Hàn vào bờ bên này, vỡ tan, trơ lại khung sườn!

Gió mạnh đến nỗi ngay cả xe ô tô 4 chỗ đang đậu cũng bị xê dịch, đuôi xe nhỏm lên từng hồi. 10 giờ 30 phút, mưa có dịu xuống đôi chút, điện thoại lại khọt khẹt báo: Một em bé chết tại Đà Nẵng, Kon Tum đang chịu ảnh hưởng bão!

Những gì còn lại!

Cánh báo chí, công an, quân sự, văn phòng… “chịu hết nổi”, dắt díu nhau xuống tầng hầm và nhà ăn của khách sạn để trú bão và sốt ruột chờ đợi thông tin. Hai đồng nghiệp trẻ của chúng tôi ở một tờ báo lớn dự định “lao vào tâm bão” cũng bị bão đánh bật trở vào khách sạn. 12 giờ, mây đen vần vũ, hai xe thiết giáp lội nước số hiệu 433 và 373 được điều động đến đưa các tướng lĩnh quân sự đi giúp dân.

Bộ Công an cũng cử 7 đại đội cảnh sát cơ động tỏa khắp Trung bộ (riêng tâm bão tại Đà Nẵng là 3 đại đội) cùng bộ đội cứu dân, bảo vệ tài sản… Nhưng “còn gì nữa mô mà bảo vệ”, chị Nguyễn Thị Bé, nhân viên phục vụ khách sạn Bạch Đằng, nhà tại đường Trần Phú, trung tâm Đà Nẵng, than thở. Chị nói như mếu: “Hết gió là em tạt về ngay, nhưng nhà bay hết nóc và đồ đạc có còn chi mô”. Vật vờ đến 12 giờ 30, cả Ban chỉ huy tiền phương và báo chí đều nhai vội chén cơm, tô mì gói rồi ai nấy tỏa đi các “điểm nóng”.

Trong làn mưa, chúng tôi cho xe chạy ra đường và bất ngờ khi thấy cây cổ thụ trước cửa bảo tàng Chăm hôm nào, gốc to 5 người ôm, cao chừng 20m… bị bão vật bật gốc nằm chỏng chơ. Trên đường Trần Phú, mái nhà, biển hiệu, biển quảng cáo… không chiếc nào nguyên vẹn. Dây điện thoại, dây điện nằm vương vãi như mạng nhện. Mặt tiền khách sạn 5 tầng Green Plaza “nát bét”.

Càng di chuyển về phía biển càng thấy sợ. Dọc con đường Sơn Trà-Điện Ngọc, gạch củ đậu, đá tảng bị sóng cuốn trồi lên văng đầy mặt đường. Hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn nằm chất chồng lên nhau. Chị Nguyễn Thị Mười (tổ 18, Lộc Phước, Thọ Quang, Sơn Trà) khóc ri rỉ vì lạnh, vì tiếc ngôi nhà sập, và vì tình cảnh hiện tại phải hong củi cho khô để nấu cơm ngoài trời!

Sang khối Mỹ Thạnh thuộc phường Phước Mỹ càng thê thảm hơn. 400 căn nhà ở khối này đã sập hết, cát bay lấp đầy mặt đường. Ngay như cổng và hàng rào bê tông kiên cố của Hotel Mỹ Khê cũng biến mất, trơ cọc móng! Xác tàu, xác thúng chai… nằm xơ xác chồng lên nhau. Bãi biển chiều 1-10 thật ảm đạm.

Nói như Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, ngay sau khi tâm bão đi qua: “May mà chúng ta đón đầu bão số 6 tốt, di chuyển trên 19 vạn dân đến nơi an toàn. Nếu không thì tổn thất về người rất nặng nề”.

MINH ANH-NGUYỄN HÙNG

Quảng Bình:

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại Quảng Bình chiều 1-10, gió giật trên cấp 10 kèm theo mưa to đã làm tốc mái và giật sập 26 căn nhà tại xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy. Sóng đánh chìm 1 tàu đánh cá neo đậu tại cửa sông Nhật Lệ (không có người, chưa xác định được chủ).

Cùng ngày 2 xã vùng cao Tân Trạch và Thượng Trạch, thuộc huyện Bố Trạch - nơi đồng bào ARem và Coo Rgông sinh sống - mọi liên lạc đã bị cắt đứt. Lũ cũng đã cô lập hoàn toàn xã Tân Hóa, huyện Muyên Hóa với bên ngoài. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở một số đoạn đi qua huyện Muyên Hóa, đặc biệt là khu vực đèo Đá Đẽo.

Kon Tum:

Trong ngày 1-10, tại khu vực các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã có mưa to do cơn bão số 6 gây ra, lượng mưa đo được tại trạm Đăk Glei lên đến gần 200mm. Đáng chú ý, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện Đăk Glei đã có 30 điểm bị sạt lở, trong đó có 5 điểm bị sạt lở nặng với hàng chục ngàn mét khối đất đá, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Hạt Quản lý đường bộ huyện Đăk Glei đang khắc phục, nhưng chỉ với 2 xe ủi đất và một vài cán bộ thì đêm qua (1-10), tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn chưa được thông suốt. Điều nguy hại là huyện Đăk Glei có khoảng 7.600 hộ dân sống tại các vùng trũng, nơi rất dễ xảy ra lũ quét trong thời điểm hiện nay. Chính quyền địa phương đang tìm mọi cách để di dời bà con đến nơi an toàn. Tại huyện Kon Plong, 5 xã Đăk Nên, Đăk Pút, Đăk Tăng, Ngọc Tem, Đăk Ring cũng không liên lạc được với trung tâm huyện, giao thông đi lại bị cắt đứt.

Cà Mau:

Tính đến chiều 1-10, Cà Mau đã có 1.127 phương tiện, với 8.441 ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện còn 240 phương tiện, với 2.501 ngư dân chưa vào bờ; trong đó có 221 phương tiện đánh bắt xa bờ, với 2.286 ngư dân. Số tàu cá này vẫn giữ được liên lạc được với gia đình và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh, hầu hết đang trú bão ở những vùng biển khác hoặc đang vào bờ.

Ngoài ra, còn có 3 tàu bị nạn ngoài khơi là: tàu CM 95888TS (hiệu Tài Lợi 1, ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh) hành nghề câu mực, trên tàu có 13 người, tàu CM 99634TS của ông Lê Văn Bé Ba (ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), trên tàu cá có 13 người và tàu cá KG 8658TS của ông Hồ Thanh Liêm ở Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Phú Quốc:

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, tính đến chiều ngày 1-10, do nước biển dâng cao kèm mưa lớn, huyện đảo Phú Quốc đã có 406 căn nhà bị ngập chìm trong nước lũ. Số nhà bị ngập chủ yếu tập trung ở thị trấn Dương Đông, xã Cửa Dương, xã Hàm Ninh.

Ngoài ra, 45 cơ sở sản xuất lớn bị ngập, trong đó có 20 cơ sở sản xuất nước mắm; 8 tàu thuyền bị chìm. Về giao thông có 25km đường liên xã bị ngập chìm; 5 cầu giao thông bị cuốn trôi... Ngay trong 1-10, lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã hỗ trợ 141 hộ với 587 nhân khẩu đến nơi an toàn nên không có thiệt hại về người.

NHÓM PV

 

Thông tin liên quan

 

Tin cùng chuyên mục