Bão số 6 tàn phá thảm khốc miền Trung

NHÓM PV
Bão số 6 tàn phá thảm khốc miền Trung

Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo PCLB tiền phương tại Đà Nẵng vào đầu giờ chiều ngay 1-10, thông tin từ Đài khí tượng khu vực Trung Trung bộ cho biết khi tâm bão đi ngang qua miền Trung thì Đà Nẵng chịu sức gió mạnh nhất với cấp gió cấp 12 giật cấp 13, tiếp đến là Quảng Nam với sức gió cấp 9, giật trên cấp 11. Chỉ trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ, cây cối, nhà cửa, trụ sở, kho tàng, trụ điện… bị cơn bão càn quét.

16 người chết, hàng chục ngàn ngôi nhà hư hại

Bão số 6 tàn phá thảm khốc miền Trung ảnh 1
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thăm hỏi người dân phường Cẩm Phô, thị xã Hội An, Quảng Nam chiều 1-10.

Thông tin mới nhất đến 22 giờ ngày 1-10, số người chết do bão số 6 gây ra lên đến ít nhất 16 người, hàng trăm người bị thương ở các địa phương thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Bình, Nghệ An.

Về tài sản, tại Quảng Nam, bão đã làm 1.250 ngôi nhà bị sụp đổ hoàn toàn, 1.500 phòng học, 1.500 công sở, 10.000 ngôi nhà bị tốc mái; 30.000m2 đê biển, kênh mương thủy lợi bị sạt lở nghiêm trọng, 10.000 ha lúa đang kỳ thu hoạch bị mất trắng hoàn toàn, giao thông lên 8 huyện miền núi bị chia cắt hoàn toàn.

Hội An có thể là địa phương bị thiệt hại nặng nhất khi có đến 3.658 ngôi nhà bị sập và tốc mái, 100 thuyền bị chìm, 3 tàu cao tốc bị chìm (trị giá 9 tỷ đồng). Tại xã đảo Tân Hiệp (cù lao Chàm) có 12 nhà bị sập hoàn toàn, 70% nhà bị tốc mái (gần 1.000 hộ), 30 tàu thuyền bị chìm. Toàn bộ trụ điện bị gãy đổ. Đặc biệt, 4 tấn gạo cứu trợ trước bão bị ướt hoàn toàn. Riêng tại phố cổ Hội An 15 ngôi nhà cổ, trong tổng số 52 di tích và nhà cổ cũng bị ảnh hưởng do bão.

Tại Thừa Thiên-Huế, theo thống kê sơ bộ có 23 người bị thương; 10.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái, trong đó huyện Nam Đông bị nặng nhất với 3.000 ngôi nhà, trường học bị sập và tốc mái. Tại biển Hòa Duân (Phú Vang) đã bị sóng lớn và triều cuờng đánh vỡ hơn 5km. Tại đây, nước biển tràn qua khu dân cư Tân Lập (huyện Phú Vang) vào phá Tam Giang, gây ngập sâu hơn 1m. 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới hoàn toàn bị chia cắt với đồng bằng. Các xã ven biển Phú Lộc đặt trong tình tình trạng kêu cứu khẩn cấp. Tại xã Vinh Hiền (Phú Lộc) 100% nhà dân bị tốc mái và sập. Tại xóm Gành, xã Hải Dương (huyện Hương Trà) đê biển bị sạt lở nặng 300m và mở thêm một cửa biển mới.

Đến cuối ngày 1-10, tại Quảng Trị đã có 374 ngôi nhà bị gió bão và lũ quét làm sập, xiêu vẹo và tốc mái. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở và hư hại nghiêm trọng.

Bão số 6 tàn phá thảm khốc miền Trung ảnh 2

Một dãy nhà bị gió bão quật sập hoàn toàn tại Hòa Cầm (Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB tỉnh Quảng Ngãi, đã có 2 người bị thương ở huyện đảo Lý Sơn (tên Nguyễn Thuận) và một ở huyện Bình Sơn bị ngói va đập do chèn chống nhà cửa. Vào lúc 4 giờ sáng ngày 1-10, tại huyện đảo Lý Sơn, gió mạnh cấp 10 và giật trên cấp 12 đã làm 850 ngôi nhà bị tốc mái; 4 nhà bị sập hoàn toàn; 6 chiếc thuyền trong khu neo đậu bị chìm.

Do số người bị thương cao, với những lý do trên nên ngay trong cuộc họp vào buổi sáng 1-10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo ngay cho các địa phương ra lệnh cấm tất cả người dân ra đường trong lúc gió bão còn ở cấp 6-7.

Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất là hàng chục nghìn ngôi nhà của người dân, các trụ sở làm việc, kho tàng, bến bãi đã bị tốc mái, sập hoàn toàn, kể cả nhà kiên cố. Trên 100 tàu thuyền của ngư dân bị đánh chìm. Theo nhận định của Trưởng ban PCLB Trung ương Lê Huy Ngọ thì thiệt hại về tài sản là quá lớn và điều đó là nguyên nhân bất khả kháng.

Các bệnh viện quá tải

Bão số 6 tàn phá thảm khốc miền Trung ảnh 3

Tàu thuyền đã kéo lên bờ nhưng vẫn bị lật nghiêng sau cơn bão đi qua.

Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo tiền phương PCLB Trung ương, Phó Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo cho các địa phương, các cấp ngành cần tập trung và triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 6.

Trong đó, chú trọng đến việc tổ chức cấp cứu người bị thương, hỗ trợ ngay lều bạt, thuốc men, lương thực cho người dân, không để bất kỳ người dân nào bị đói, bị rét và không có chỗ ở. Khôi phục ngay hệ thống điện, điện thoại, giao thông, thủy lợi, trường học; triển khai lực lượng giúp dân dựng lại nhà cửa bị hư hỏng.

Trong ngày 1-10, Bộ Y tế đã họp đánh giá tình hình thiệt hại và công tác chủ động phòng chống bão số 6 của ngành y tế.

Theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế trong vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão đã tổ chức ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận, xử trí cấp cứu nạn nhân. Tại Thừa Thiên-Huế, Sở Y tế đã cấp 60 cơ số thuốc phòng chống bão lụt; 1,5 triệu viên CloraminB; 600kg CloraminB và 200 áo phao cứu sinh cho các cơ sở y tế.

Tại Quảng Nam, ngành y tế đã tiếp nhận và xử trí cấp cứu 44 nạn nhân, trong đó có 27 ca bị tai nạn, 1 ca tử vong do bão tại huyện Thăng Bình. đến 14 giờ ngày 1-10, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã tiếp nhận 130 ca cấp cứu, có 2 người tử vong. Phần lớn các nạn nhân này bị thương là do tôn bay, tường sập, cây đổ...

Ngay trong chiều 1-10, Ban chỉ đạo tiền phương PCLB Trung ương đã chia thành 3 hướng đi kiểm tra tình hình thiệt hại ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế, nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt khi bão số 6 đi qua.

Hệ thống điện, giao thông tê liệt

Bão số 6 tàn phá thảm khốc miền Trung ảnh 4

Tàu thuyền đã kéo lên bờ nhưng vẫn bị lật nghiêng sau cơn bão đi qua.

Bão số 6 cũng đã làm hệ thống điện ở các tỉnh miền Trung bị tê liệt hầu như hoàn toàn. Theo dự kiến thì sớm nhất cũng đến cuối giờ chiều hôm nay (2-10) điện mới có lại tại một số khu vực.

Về giao thông, tại hầu hết các địa phương nhiều tuyến đường bị tê liệt do ngập hoặc sạt lở. đến chiều 1-10, đường Hồ Chí Minh bị chia cắt nhiều điểm qua địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam... Hầm số 13 đường sắt qua đèo Hải Vân bị sạt lở trên mái vòm gây ách tắc trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Tại ga Quảng Ngãi, hai chuyến tàu SE6 và TN4 xuất phát từ TPHCM với trên 800 hành khách đã phải dừng lại, có khả năng phải nghỉ qua đêm tại Quảng Ngãi do bão đã gây nên tình trạng quá tải tại ga này. Tại ga Huế, đoàn tàu SE1 với 261 hành khách và 33 nhân viên đã phải tạm dừng để tránh bão. Ga Huế đã tổ chức các phương án hỗ trợ về ăn uống cho hành khách. Mưa lớn cùng với gió bão làm mực nước ở các con sông đang dâng cao, đến 16 giờ ngày 1-10 mực nước sông Hương 4,25m, sông Bồ gần 5m, nước sông tiếp tục dâng cao có thể vượt đỉnh lũ năm 1999.

Cuối giờ chiều 1-10, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng cho biết, trước tình hình mưa bão, ngành đường sắt tiếp tục hoãn lịch trình một số chuyến tàu trong ngày 1-10, riêng các chuyến tàu đã xuất phát trước đó khi đến vùng có bão đã được lệnh dừng tại các nhà ga dọc đường để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Theo ông Bằng, đến chiều 1-10, hệ thống cầu đường sắt vẫn chưa xảy ra hư hại nặng do bão, nhưng hệ thống thông tin tín hiệu chạy tàu đã hỏng ở nhiều nơi. Trên đèo Hải Vân cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất nhưng không nghiêm trọng, có thể khắc phục nhanh để sớm thông tàu. Dự kiến ngày sang ngày 2-10, các đoàn tàu sẽ tiếp tục xuất phát theo lịch trình bình thường.

NHÓM PV

Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ
Tiếp tục đối phó và khắc phục hậu quả bão số 6

Chiều qua (1-10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện khẩn số 1556/CĐ-TTg biểu dương công tác chuẩn bị, chủ động đối phó với bão số 6 của các bộ, ngành, các địa phương có bão đi qua, đồng thời tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nhất là các tỉnh, TP: Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum tiếp tục tập trung chỉ đạo các biện pháp chủ động đối phó với tình hình lũ trên các triền sông, lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo việc khắc phục hậu quả do bão gây ra. trước mắt, bảo đảm GTVT, thông tin liên lạc, khôi phục hệ thống điện; sửa chữa trường học, công sở và giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, tổ chức việc đưa dân từ nơi tránh trú bão trở về an toàn; làm tốt công tác vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh vùng bị thiên tai; chăm lo hỗ trợ các gia đình bị nạn; bảo đảm việc học tập bình thường cho học sinh; chỉ đạo các điều kiện cần thiết để các cháu vùng bão được đón tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm và an toàn. Các bộ: GT-VT, BC-VT, quốc phòng, CA, NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giúp đỡ các tỉnh bị bão sớm khắc phục hậu quả, khôi phục và phát triển sản xuất.

* Ngày 1-10, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có ý kiến chỉ đạo: TPHCM trích từ Quỹ dự phòng thiên tai số tiền 2 tỷ đồng chuyển ngay cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng để góp phần giúp đồng bào địa phương khắc phục hậu quả bão số 6, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu UBMTTQ TP phát động và chủ trì phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức, kiểm tra thực hiện cuộc vận động rộng rãi trong toàn xã hội hướng về đồng bào miền Trung với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thiết thực đóng góp giúp đỡ, cứu trợ nạn nhân cơn bão số 6. Cuộc vận động được tiến hành từ 1-10 đến hết hết tháng 10-2006.  HÀ LINH - V.T.

Di dân khỏi các vùng có nguy cơ lũ quét

Bão số 6 vừa đi qua thì nỗi lo khác đang đến với đồng bào miền Trung khi mưa lớn đã diễn ra trên diện rộng. Mực nước tại các sông ở hầu hết các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, nước lũ đang dâng cao rất lớn. Tối 1-10, nước sông Hương vẫn tiếp tục lên, đe dọa 13.000 hộ dân. Khả năng trong ngày hôm nay (2-10) và vài ngày tới lũ trên các sông miền Trung sẽ vượt báo động 3. Theo cơ quan chức năng, các địa phương ở khu vực miền Trung cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng sâu và nước dâng cao vùng cửa sông ở các tỉnh trên.

Trước tình hình trên, chiều qua, 1-10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão (BCĐ PCLB Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng ra công điện khẩn gửi BCH PCLB-TKCN các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Công điện nêu rõ: Hiện nay, mực nước các sông đang lên nhanh nguy cơ về lũ quét và sạt lở đất đang ở mức cao. Để chủ động bảo đảm an toàn cho người và tài sản, đề nghị các tỉnh, TP thực hiện ngay việc sơ tán dân tại các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác tại các bến đò ngang, đò dọc, ngầm qua sông, suối và những nơi nước chảy xiết để hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn, ngăn không cho dân sống ở ven sông, suối ra vớt củi. Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động.  T.A.


Các mạng điện thoại tê liệt

Trao đổi nhanh với phóng viên SGGP vào chiều tối qua (1-10), Bộ trưởng Bộ BC-VT Đỗ Trung Tá cho biết: Để chuẩn bị ứng phó bão số 6, Bộ BC-VT đã chỉ đạo đưa các xe thu phát di động túc trực sẵn ở khu vực có bão; triển khai hệ thống điện thoại vệ tinh để đảm bảo cho việc chỉ đạo phòng chống cũng như khắc phục bão. Nhờ vậy, thông tin liên lạc cơ bản, thiết yếu vẫn được duy trì, mặc dù trong bão, mạng điện thoại cố định và di động ở khu vực miền Trung gần như bị tê liệt hoàn toàn.

Ảnh hưởng nặng nề nhất của mạng viễn thông trong cơn bão số 6 là mạng di động, do hầu hết các khu vực đều bị cắt điện, hoặc anten của các trạm thu phát bị gió bão quật gãy, nên rất nhiều tổng đài không hoạt động được. Hệ thống đường truyền Internet của miền Trung cũng bị gián đoạn hoàn toàn, đến 14 giờ chiều ngày 1-10 mới được khắc phục xong. Hầu hết các trạm vi ba, tổng đài thu phát ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đến cuối chiều 1-10 cơ bản đã hoạt động trở lại.

Theo đánh giá của VNPT, dự kiến phải mất khoảng 1 tuần, toàn bộ mạng lưới viễn thông khu vực miền Trung mới có thể trở lại bình thường.  T.L.

Tin cùng chuyên mục