Teo cơ delta do tiêm chích

Nhiều khả năng

Nhiều khả năng

Gần đây, teo cơ delta đang gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, có nhiều ý kiến nghi ngờ nó là hậu quả của việc tiêm chích quá nhiều vào cơ delta. Bên cạnh đó, việc giải quyết teo cơ delta như thế nào cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau. Từ Mỹ, TS Daniel Trương Dũng đã gửi cho Trang Y học & Sức khỏe Báo SGGP bài viết xung quanh vấn đề này (Daniel Trương Dũng là chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về thần kinh học và bệnh cơ. Ông là cựu giáo sư thần kinh học tại các đại học y khoa Wayne State University và U.C. Irvine, là tác giả cuốn sách giáo khoa “Thần kinh học lâm sàng” hiện sử dụng tại Việt Nam). Để rộng đường dư luận chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Bệnh rất dễ phát hiện

Nhiều khả năng ảnh 1

Người bị xơ hóa cơ delta không thể kẹp hai tay vào thân. Họ bị hạn chế khép vai trên mặt phẳng nằm ngang. Họ không thể sờ bả vai đối diện khi kéo tay lên ngang bả vai. Theo sự sinh trưởng của trẻ em, biến dạng sẽ tăng dần do có những dải xơ nằm trong cơ delta gây ra.

Người lớn bị bệnh lâu năm thường bị đau do cơ delta co cứng. Bệnh nhân thường kêu đau đầu, đau hai vai hay đau cổ. Đau lan từ cổ và bả vai xuống phía bên ngoài của cánh tay. Đau này không liên quan với cử động của cổ, nhưng đau tăng khi bệnh nhân tìm cách kẹp sát cánh tay vào thân mình. Nhưng trẻ em bị bệnh thì ít bị đau.

Người ta cho rằng nguyên nhân gây đau là do sự co kéo giữa xương bả vai với cơ thang, và với những cơ bắp khác của xương bả vai. Những dải xơ hóa này thường thấy ở bó giữa của cơ delta. Những sợi xơ này thường chạy chéo ra hai bên như cánh chim. Nếu những sợi xơ hóa này rút ngắn, thì bả vai sẽ bị đóng cứng ở tư thế dang ra, và bệnh nhân không thể sờ được bả vai đối diện khi kẹp sát cánh tay vào ngực.

Khả năng do tiêm chích nhiều vào cơ delta

Teo cơ delta do những nguyên nhân như dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết phát triển, xơ hóa tiến triển bẩm sinh... Ngoài ra, có thể teo cơ delta do xơ hóa - thường do chích thuốc thường xuyên vào cơ bắp này. Xơ hóa cơ xảy ra ở một số nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Ấn Độ, Nhật (hiện tượng này ít thấy xảy ra ở Mỹ).

Giới chuyên môn lý giải: khi chích vào bắp thịt có thể gây ra chảy máu trong cơ bắp gây chết tế bào cơ và phù nề cơ bắp. Cơ bắp hay bị teo nhất là cơ vùng mông và cơ delta, vì đây là nơi hay được dùng để chích nhất. Mối liên hệ giữa teo cơ delta và chích bắp thịt càng rõ hơn khi người ta khảo sát trên 335 bệnh nhân bị xơ hóa cơ delta, trong số này 216 có tiền sử chích thuốc vào bắp thịt.

Thường khi chích thuốc vào cơ delta, kim chích được chích vào chính giữa hay phía sau để tránh dây tĩnh mạch cephalic, do đó hay tạo ra xơ hóa tại phần giữa hay phần sau của cơ delta. Phần giữa cơ delta có ít bắp thịt do đó dung lượng chích khó được thu nhập dễ gây xơ hóa. Vì chức năng của từng bó của cơ delta có khác nhau, nên khi xơ hóa làm khó khăn trong việc kéo tay vào và gập tay. Khi bị xơ hóa nhiều, vì khó khép cánh tay vào trong, trọng lượng của cánh tay trên xương bả vai sẽ tạo ra hình ảnh xương bả vai thành cánh như cánh chim.

Nếu xem xét về tuổi tác của bệnh nhân, thì có lẽ bệnh teo cơ xơ hóa thường xảy ra với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Cùng một tổn thương như nhau, thì triệu chứng có vẻ nặng hơn ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Theo tài liệu của Đài Loan thì bệnh này hay xảy ra nhất trong lứa tuổi 13-15 sau đó là 10 đến 12, thường xảy ra trên con trai nhiều hơn con gái.

Nhiều thuốc khi chích vào bắp thịt hay gây ra xơ bắp thịt. Những thuốc trị đau nhức như là thuốc Pentazocine, thường gây ra xơ hóa, nhất là những trường hợp lạm dụng thuốc (như với những người nghiện ngập). Ngoài ra, thuốc trụ sinh như Chloramphenicol, Oxytetracycline, Streptomycine và thuốc vitamin cũng có thể gây ra xơ hóa.

Thuốc Pentazocine đã từng cho thấy có thể làm ngưng sự phát triển tế bào ở những tế bào bắp thịt ở bào thai. Ảnh hưởng của tiêm chích tùy thuộc vào số lần tiêm chích, thời điểm chích, khối lượng thuốc được chích và bản chất của thuốc được chích. Những điểm này đều còn chưa được sáng tỏ.

(Kỳ sau: Teo cơ delta: Chỉ phẫu thuật khi bệnh nặng)

TS. DANIEL TRƯƠNG DŨNG

Theo y văn, xơ hóa cơ delta được biết tới lần đầu tiên vào năm 1965, khi một số bác sĩ Nhật báo cáo 3 trường hợp. Sau đó, những trường hợp tương tự xảy ra tại Ấn Độ vào năm 1966. Trước đó, một vấn đề tương tự đã xảy ra với bắp thịt đùi vào năm 1964.

Cơ delta bao gồm ba bó xuất phát từ xương đòn, xương bả vai, và mỏm cùng vai (acromion), nhưng cả ba bó đều tụ lại bám vào một điểm ở đầu trên xương cánh tay. Cơ bắp này có chức năng dang tay ra, tuy vậy những sợi delta phía trước có thêm chức năng gập cánh tay, và những sợi cơ delta phía sau có thêm chức năng dang tay ra sau và xoay ngoài.

Tin cùng chuyên mục