50 năm Xuân Mậu Thân 1968 - Những ký ức không phai

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày 2-2, Sở VH-TT TPHCM và Bảo tàng TPHCM đã khai mạc trưng bày chuyên đề “50 năm Xuân Mậu Thân 1968 - Những ký ức không phai”. 
Học sinh TPHCM tham quan trưng bày chuyên đề “50 năm Xuân Mậu Thân 1968 - Những ký ức không phai” Ảnh: MINH AN
Học sinh TPHCM tham quan trưng bày chuyên đề “50 năm Xuân Mậu Thân 1968 - Những ký ức không phai” Ảnh: MINH AN
Chuyên đề giới thiệu đến đông đảo công chúng trên 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn liền với các nhân vật, sự kiện lịch sử trong từng mảng hoạt động của các lực lượng cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định, được bố trí theo 3 cụm chủ đề: công tác chuẩn bị, diễn biến và ý nghĩa thắng lợi từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Chuyên đề giới thiệu nhiều tài liệu và hiện vật quý như: Tài liệu học tập lần 8 do nhà in Trung tâm Mới ấn hành năm 1968, sách Áo vải cờ đào chiến thắng Đống Đa, tài liệu Vấn đề tổng công kích - tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, Thư của Bác Hồ gửi đồng bào và chiến sĩ miền Nam ngày 19-3-1968…

Ngoài ra, còn là những tư liệu, hình ảnh cộng đồng các quốc gia trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Nổi bật là các hình ảnh: Nhân dân Liên Xô biểu tình tại thủ đô Mátxcơva phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam; nhân dân Cuba mít tinh tại thủ đô La Habana ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước… Chuyên đề đón khách tại số 65 Lý Tự Trọng, quận 1, từ nay đến hết ngày 15-6. 

Cùng ngày, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra chương trình giao lưu giữa các cựu chiến sĩ thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn từng trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Là một trong những lực lượng chủ công trong các trận đánh tại Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động thành mang trọng trách tập kích đúng giờ G, đánh chiếm, khống chế các mục tiêu quan trọng như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa… Nhiệm vụ chủ yếu của biệt động thành là đánh chiếm và giữ mục tiêu trong khoảng 1 giờ, đảm bảo cho các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng học sinh, sinh viên, thanh niên đến tiếp ứng. Cũng vì vậy, lực lượng biệt động thành đã phải chịu sự phản công điên cuồng của kẻ địch, chịu nhiều tổn thất và xuất hiện nhiều tấm gương về tinh thần bất khuất của các chiến sĩ. 

Buổi giao lưu gây xúc động với khán giả qua lời kể của các nhân chứng như ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Biệt động Sài Gòn; bà Võ Minh Nghĩa, chiến sĩ biệt động, tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập…

Cũng dịp này, đường sách đã mở cửa nhà triển lãm chủ đề “Sài Gòn - TPHCM, Những mùa xuân: Tạo dựng - tự hào - phát triển”. Dự kiến, nhà triển lãm sẽ hoạt động đến ngày 19-2.

Tin cùng chuyên mục