Ai Cập: Phủ xanh sa mạc Sahara

Ai Cập: Phủ xanh sa mạc Sahara

Phủ xanh sa mạc Sahara, nghe tưởng chuyện hoang đường, nhưng khi nhìn thấy những luống súp lơ, dưa hay những vườn mơ xanh mát mắt, tươi mơn mởn ở phía Bắc sa mạc Sahara, người ta mới tin rằng dự án do Chính phủ Ai Cập đề ra không phải “điên rồ”.

70 tỷ USD để... tiễn biệt sa mạc

Ai Cập: Phủ xanh sa mạc Sahara ảnh 1

Một khu vườn ở sa mạc Sahara

Khí hậu trái đất thay đổi từng ngày và hiện tượng sa mạc hóa đang là mối đe dọa lớn với cuộc sống con người. Ai Cập đang cố phủ xanh những bãi cát nóng bỏng của mình để tạo thêm môi trường sống cho người dân.

Tarek el-Kowrney, 45 tuổi, hãnh diện giới thiệu với mọi người về vườn chuối của mình ở sa mạc Sahara, nằm gần Trung tâm Phát triển sa mạc, phía Bắc Cairo, nơi các nhà khoa học đang thử nghiệm nhiều tiến bộ khoa học với mục đích xóa bỏ hoang mạc. Tại đây, nước tưới cây được lấy từ một kênh đào dài khoảng 15km nối liền với sông Nile. Các loại hoa màu đều phát triển xanh tốt. Các nhà khoa học hy vọng cải thiện được sa mạc Sahara sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống người dân nước này.

Với chỉ 5% lãnh thổ đủ điều kiện sinh sống, hầu hết 74 triệu người Ai Cập tập trung sống dọc sông Nile và ven biển Địa Trung Hải. Mật độ dân số nước này vào hàng dày đặc nhất thế giới và sẽ “khủng khiếp” hơn nữa khi dân số Ai Cập dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Chính những bó buộc về điều kiện sống như vậy nên chính phủ nước này đã khuyến khích người dân “phủ xanh sa mạc” với dự án trị giá 70 tỷ USD để “tiễn biệt” 3,4 triệu ha sa mạc trong vòng 10 năm tới.

Nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, nhiều bất cập nảy sinh quanh dự án này. Đầu tiên, để cải tạo đất có thể trồng trọt được đòi hỏi lượng nước rất lớn. Các quốc gia quanh sa mạc Sahara chỉ phụ thuộc vào nguồn nước sông Nile, còn những cơn mưa dường như không đáng kể trên vùng đất này. Với dự án này, Ai Cập sẽ cần một lượng nước nhiều hơn nữa từ sông Nile quý giá. Nhưng điều này là không thể vì trong cam kết ký giữa Ai Cập và Sudan năm 1959, Ai Cập đã được quyền khai thác đến 55,5 tỷ m3 nước/năm. Nếu tăng lượng nước cung cấp cho Ai Cập thì nước láng giềng Ethiopia, ở thượng nguồn sông Nile, sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng nước, nông nghiệp vốn đã không phát triển do thiếu nước càng trở nên kiệt quệ và nạn đói sẽ hoành hành dữ dội hơn hiện nay nhiều lần.

Ông Anders Jagerskog, giám đốc Viện Nghiên cứu nước quốc tế Stockholm (Thụy Điển) cho biết, việc sử dụng những nguồn nước quý giá vào canh tác nông nghiệp là vô cùng lãng phí, nước sẽ nhanh chóng bốc hơi dưới cái nóng gay gắt của sa mạc và “sa mạc không phải là nơi trồng cây ăn quả”.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, dự án không đơn thuần chỉ là mở rộng điều kiện sống cho người dân mà còn có cả yếu tố chính trị chi phối. Chính phủ Ai Cập đang lo lắng cơ sở hạ tầng sẽ không đáp ứng được nhu cầu do bùng nổ dân số và các nhóm Hồi giáo đối lập trong chính phủ nhân cơ hội này để nắm chính quyền. Ông Mostafa Salh, giáo sư sinh thái học của Đại học Azhar ở Cairo, cho rằng, chính phủ đang tìm cách giảm mật độ dân số hơn là tìm cách cải tạo đất để canh tác.

Bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ trích khác còn cho rằng, chính phủ nước này muốn cải tạo sa mạc để phát triển ngành công nghiệp không khói siêu lợi nhuận – du lịch sa mạc – chứ không phải với mục đích phát triển nông nghiệp. Du lịch sa mạc đang trở thành “mốt thời thượng” và đem lại thu nhập cho chính phủ gấp nhiều lần so với nông nghiệp.

Các nhà hoạt động môi trường đã phản đối mạnh mẽ những “toan tính” của chính phủ vì dự án phủ xanh phía Nam sa mạc cuối thập kỷ trước từng phá hủy môi trường sống hoang dã của nhiều loài động thực vật, trong đó có loài linh dương sừng đen quý giá. Một phần lớn ốc đảo Wadi Raiyan cũng đã bị hủy hoại trong đợt cải tạo sa mạc này.

ANH VĂN (theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục