Những người tiên phong của kỷ nguyên toàn cầu hóa

Bài 2: Malcom McLean - Làm đảo lộn nền thương mại thế giới

Bài 2: Malcom McLean - Làm đảo lộn nền thương mại thế giới

Malcom McLean là người sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã phát minh ra phương thức đóng gói vận chuyển hàng hóa mới, làm nên cuộc cách mạng to lớn trong nền thương mại thế giới.

12 triệu “cái hộp” đang đi lại trên toàn cầu

Bài 2: Malcom McLean - Làm đảo lộn nền thương mại thế giới ảnh 1

Tàu chở hàng bằng container

Ngày 26-4-1956, chiếc tàu “Ideal-X” rời cảng Newark, New Jersey (Mỹ) tới Houston, bang Texas. Trên khoang và trong hầm tàu, 58 thùng kim loại xếp hàng ngay ngắn. Hình chữ nhật, dài khoảng 12m mỗi chiếc, những chiếc thùng này chất đầy hàng hóa đủ loại. Ngoài thủy thủ đoàn, khoảng 100 người khác cũng có mặt trên boong tàu. Các vị chủ tàu, chủ hãng vận tải, những nhà công nghiệp, nhà quản lý cảng, công chức chính quyền, nhà báo... thảy đều đang chăm chú lắng nghe lời giải thích của một người đàn ông trạc 40 tuổi: Malcom McLean.

Ông đang giới thiệu phương pháp đóng hàng mới vừa được ông phát minh và khẳng định nó sẽ làm thay đổi ngành vận tải hàng hải: container. Trên thực tế, “cái hộp” - như Malcom McLean vẫn gọi, đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền kinh tế thế giới…

50 năm sau chuyến tàu “Ideal-X” ấy, gần 12 triệu container đang đi lại trên khắp hoàn cầu. Thị trường vẫn đang tiếp tục phát triển: trung bình 12%/năm kể từ năm 2000. Ngày nay, chỉ riêng các container đã đảm đương tới 80% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển của thế giới.

Bước ngoặt từ một chuyến giao hàng

Trước khi bước vào kinh doanh trong lĩnh vực vận tải biển, McLean đã là một nhà công nghiệp khá thành công, là người sáng lập ra một trong những hãng vận tải đường bộ lớn nhất nước Mỹ. Sinh năm 1913 tại North Carolina, trong một gia đình trung lưu, cha đẻ tương lai của “cái hộp” nghỉ học năm 18 tuổi để trở thành người quản lý một trạm xăng. Năm 1934, cuộc đời McLean rẽ ngoặt khi một trong những khách hàng của ông nhờ ông dùng cam nhông chở các bi-đông xăng tới một nơi cách đó khoảng 100 cây số. McLean quyết định tự mình làm lấy việc này. Tiền công đủ cho ông mua được một chiếc cam nhông cũ, thành lập Công ty Vận tải McLean Trucking Company.

Mở đầu một cuộc phiêu lưu mới. Từ 1 chiếc năm 1934, 3 chiếc năm 1935, 30 chiếc năm 1940, 620 chiếc năm 1950, năm 1953 McLean đã sở hữu 2.000 chiếc cam nhông! Kiểm soát chặt chẽ giá thành vận chuyển, ông là người đầu tiên cho lắp đặt động cơ diesel trên các xe tải của mình. Thời kỳ đó, cơ quan liên bang giới hạn các tuyến đường khai thác của các công ty vận tải đường bộ nhằm điều tiết sự cạnh tranh và bảo hộ ngành đường sắt, việc này cho phép McLean mua lại quyền khai thác của một số công ty khác, mở rộng mạng lưới ra khắp nước. Năm 1953, 20 năm sau ngày thành lập, McLean Trucking Company trở thành công ty đứng hàng thứ hai trong ngành vận tải đường bộ nước Mỹ.

Giảm 3-4 lần giá thành vận chuyển

Không chỉ đơn giản là “cái hộp”, McLean đã tạo ra cả một hệ thống vận chuyển mới mà chỉ hơn 10 năm sau đã phổ biến khắp thế giới. Có hai sự kiện quan trọng đối với sự nghiệp kinh doanh của McLean: Việc tiêu chuẩn hóa các container vào năm 1961; tiếp đến là cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1967, giao việc vận chuyển hàng quân sự tới Đông-Nam Á cho Sea-Land Service, Lầu Năm Góc đã góp phần “áp đặt” việc sử dụng container trong ngành vận tải biển thế giới.

Những con đường nối tới các bến cảng bờ biển miền Tây nước Mỹ ngày càng hay bị tắc nghẽn, McLean nghĩ cách tiết kiệm thời gian. Ông tự hỏi, sao không đưa rơmoóc của các cam nhông lên thẳng các con tàu để vận chuyển chúng từ cảng này sang cảng khác thay vì cứ phải chất lên, bốc xuống mỗi lần như thế? Để làm chuyện này, có thể xây dựng cạnh biển các trạm chuyển rơmoóc từ tàu này sang tàu khác.

Nói đúng ra, đấy không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ. Hồi đầu thế kỷ, các công ty đường sắt cũng đã sử dụng những container bằng gỗ chất hàng ngay tại xí nghiệp xuất phát. Nhưng việc này sau đó bị lãng quên do không có đủ lượng hàng hóa để vận chuyển đến cùng một địa điểm. Ý định đưa nguyên cả chiếc cam nhông lên tàu thủy cũng được thử nghiệm nhưng rồi không thực hiện được vì trên các bến cảng tập trung quá nhiều xe, chiếm chỗ và gây tắc nghẽn.

Cái mới của McLean là tìm cách sử dụng tối ưu không gian vận chuyển và đưa rơmoóc lên tàu. Nhưng theo quy định lúc bấy giờ, là người hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, McLean không thể “can thiệp” vào lĩnh vực đường biển. Vì thế năm 1955 ông quyết định bán McLean Trucking Company (được 25 triệu đôla) và mua lại một công ty vận tải biển nhỏ, lập hãng Sea-Land Service. Ý tưởng không đưa cả chiếc rơmoóc lên tàu mà chỉ riêng phần đựng hàng của nó thôi - tức “cái hộp” - bỗng bật ra. Có vẻ đơn giản nhưng trước đó chưa từng một ai nghĩ đến.

“Cái hộp” cho phép giảm tới 70% giá thành nhân công. Các xí nghiệp không còn cần phải dựng nhà kho gần cảng, có thể chuyển tới những vùng gần người tiêu thụ hơn, hàng hóa được giao tận nơi bằng tàu hỏa hay xe tải. “Cái hộp” cũng gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có ở cảng New York - nơi có tới 50.000 docker, 20.000 nhân viên, hàng trăm km đường bộ và đường sắt - mà nhiều năm sau mới hồi phục.

Do các cảng cũ không còn phù hợp, nhiều cảng mới với những thiết bị hiện đại vận hành với container được xây dựng. Nhưng trên hết, việc sử dụng container đã làm giảm hẳn giá thành chuyên chở đường biển, xuống tới 3-4 lần. Việc bốc dỡ hàng hóa chỉ còn kéo dài chừng chục giờ. Container đã góp phần làm bùng nổ nền thương mại thế giới bắt đầu từ những năm 1960…

Năm 1969, McLean bán Sea-Land Service, nay thuộc về Maersk Lines. Năm 1977, ông mua lại hãng United States Lines. Năm 1987, hãng này phá sản, ông thành lập hãng thứ ba là Trailer Bridge Inc, hiện vẫn còn hoạt động. Ngày ông chết vào tháng 5-2001, tất cả cả các tàu container trên biển đều treo cờ rũ...

Bài 3: Thomas Lipton - Cha đẻ thương hiệu trà lớn nhất thế giới

 NGUYỄN VŨ (theo Les Echos)

Bài liên quan:

- Bài 1: Paul-Julius Reuter và hãng thông tấn xuyên lục địa

Tin cùng chuyên mục