Báo chí thời @: Mỗi công dân là một phóng viên

Khái niệm “nhà báo công dân” (CJ – citizen journalist) nay không còn xa lạ khi Internet bùng nổ đã giúp “truyền thông công dân” (CM – citizen media) phát triển mạnh mẽ. Với CJ, báo chí không còn là “nghề nghiệp” mà là “hoạt động”...
Báo chí thời @: Mỗi công dân là một phóng viên

Khái niệm “nhà báo công dân” (CJ – citizen journalist) nay không còn xa lạ khi Internet bùng nổ đã giúp “truyền thông công dân” (CM – citizen media) phát triển mạnh mẽ. Với CJ, báo chí không còn là “nghề nghiệp” mà là “hoạt động”...

  • Những nhà báo công dân
Báo chí thời @: Mỗi công dân là một phóng viên ảnh 1

Nhà sáng lập OhmyNews Oh Yeon-ho (bìa phải) cùng các nhà báo công dân trẻ tuổi

Đầu tháng này, cô Desi Zavatta Musolino, 27 tuổi, một nhân viên bán hàng ở Bologna (Italia), đã đoạt “Giải thưởng tháng” 1.000 USD đầu tiên do GroundReport trao cho tác giả bài viết được xem nhiều nhất trên website này. Musolino cho biết “hết sức ngạc nhiên, choáng, không tưởng tượng nổi có thể đoạt giải, đúng là… trời cho”. Cô thường viết lúc rảnh và thích viết về du lịch. Musolino tự hào là thành viên cộng đồng GroundReport và tin rằng, CM là cách thức mới chia sẻ thông tin trên toàn cầu.

GroundReport.com là website CM thành lập hồi tháng 6-2006, đến tháng 3 qua mới chính thức hoạt động nhưng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Sắp tới sẽ có thêm GroundReport TV, truyền hình CM đầu tiên trên thế giới. Rachel Sterne, người sáng lập và Tổng Giám đốc GroundReport, cho biết, Musolino chính là một ví dụ cụ thể về CJ, những công dân bình thường, tận mắt chứng kiến các sự kiện gây chú ý và... đưa tin. Cả những hãng truyền thông lớn cũng không thể biết được hết những tin tức như vậy, và đó chính là “đất” của các CJ.

“Mỗi công dân là một phóng viên” là phương châm đã đem lại thành công cho OhmyNews, báo trên mạng ở Hàn Quốc, nổi tiếng nhất thế giới hiện nay với hầu hết tin bài đều của độc giả. OhmyNews do Oh Yeon-ho lập ra tháng 2-2000, chỉ có hơn 40 phóng viên và biên tập viên, 80% tin bài do những công dân bình thường đóng góp. Còn OhmyNews International (tiếng Anh) có gần 100% tin tức từ các CJ khắp thế giới. Tháng 2-2006, OhmyNews được Tập đoàn Softbank Nhật Bản đầu tư 11 triệu USD. Từ năm 2005, mỗi năm OhmyNews đều tổ chức “Diễn đàn phóng viên công dân” với thành phần tham dự từ khắp thế giới. Diễn đàn năm nay sẽ diễn ra ở Seoul từ ngày 27 đến 29-6.

Tại Hàn Quốc, OhmyNews có hơn 50.000 CJ đăng ký và được đánh giá là Top 6 nguồn tin có ảnh hưởng ở nước này. OhmyNews nhiều lần chứng tỏ vai trò trong việc tác động đến chính trị, xã hội Hàn Quốc. Sau khi được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 12-2002, ông Roh Moo Hyun đã chọn OhmyNews để trả lời phỏng vấn đầu tiên...

  • Trách nhiệm trong xã hội mở

Tại Hội nghị thường niên thứ 57 của Hội Truyền thông quốc tế (ICA) tổ chức tại San Francisco (Mỹ) cuối tháng 5 qua, CM là một chủ đề thảo luận lớn. Theo những quan điểm chính, CM hiện nay chứng tỏ sự thành công, cạnh tranh đáng kể với truyền thông truyền thống về độc giả và phát hành. Nhiều nguồn CM dần được xem là nguồn tin chính thức. CJ là kết hợp giữa công dân-nhà báo và nhà báo-công dân. Sự phát triển của Internet đã tác động mọi mặt xã hội, truyền thông hiện đại cũng thay đổi mạnh mẽ. CM chính là cách công dân thể hiện trách nhiệm của mình trong một xã hội mở...

Đặc điểm chính của CM là nội dung được tạo nên bởi những người không phải dân làm báo chuyên nghiệp. Từ blog, podcast (audio blog), vlog (video blog) đến các diễn đàn, trang tin trên web... và xu hướng mới gần đây là hyperlocal journalism (báo chí tập trung vào tin tức địa phương): các website mời gọi mọi người đóng góp mọi tin tức về chính nơi họ sống, trong đó nhiều thông tin thường bị bỏ sót bởi báo chí truyền thống, cả báo địa phương.

Website video YouTube có thể gọi là “cách mạng”, giúp CM tăng giá trị và lan tỏa mạnh. Los Angeles Times đã nhận định YouTube đã “mở đầu kỷ nguyên mới”, tạo nên một “YouTube Effect”, tương tự “CNN Effect” (hiệu ứng CNN) trước đây, chỉ sự tác động và lan tỏa đáng kinh ngạc vì tin tức 24/24 đến từ khắp thế giới.

Hệ thống truyền hình tiếng Pháp của Tập đoàn truyền thông Canada (CBC) cũng lập chương trình hàng tuần “5 sur 5” dành riêng cho các CJ. Trong chương trình, người xem đặt câu hỏi mở rộng vấn đề và cùng các nhà báo phỏng vấn chuyên gia để giải quyết. Hiện cả CNN, NBC cũng có website dành cho các CJ....

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục