Weinstein Company

Cầu nối điện ảnh giữa châu Á và Hollywood

Cầu nối điện ảnh giữa châu Á và Hollywood

2 năm và 60 triệu USD

Được sản xuất từ năm 2002, bộ phim Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc) đã phải mất 2 năm để đến được Bắc Mỹ. Vào lúc bấy giờ, Miramax – hãng giữ quyền phát hành bộ phim ở thị trường này – dường như không biết phải làm gì với nó! Dù rằng, trên quê hương mình, Anh hùng đã được dư luận hết sức khen ngợi từ lâu và thu được thành công vang dội.

Cầu nối điện ảnh giữa châu Á và Hollywood ảnh 1

Phim Dòng máu anh hùng của Hãng phim Chánh Phương

Năm 2003, Anh hùng còn được đề cử tranh giải thưởng Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất nữa! Theo lời người ta thuật lại, sở dĩ Miramax “lưỡng lự” như vậy là do hãng không biết phải dùng “con bài” gì để quảng cáo cho bộ phim!

Sự hiện diện của Lý Liên Kiệt trong vai nam chính khiến cho khán giả phương Tây dễ cho rằng chắc sẽ lại là một bộ phim hành động võ hiệp, tương tự như những bộ phim trước của anh, trong khi tên tuổi của đạo diễn Trương Nghệ Mưu lại làm họ liên tưởng tới những bộ phim “kinh điển”. Thêm vào đó, Anh hùng “bị coi” là “đặc sệt châu Á”, một số hãng phim Hollywood thậm chí đã có ý định làm lại phim cho “hợp gu” khán giả phương Tây hơn (“phương Tây hóa” bộ phim!).

Rồi đạo diễn Quentin Tarantino (Kill Bill) - một người rất hâm mộ điện ảnh châu Á - “nhảy vào cuộc”. Ông đã dùng danh tiếng và ảnh hưởng của mình thuyết phục các ông chủ Miramax. Và ông đã thành công khi hãng này quyết định cho công chiếu bộ phim trong nguyên bản, hoàn toàn không hề cắt sửa, chỉ làm phụ đề.

Tháng 8-2004, Anh hùng ra mắt khán giả Bắc Mỹ, thu về 60 triệu đôla, một việc chưa hề có tiền lệ đối với một bộ phim Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Và câu chuyện về Anh hùng mở đầu cho “chuyện tình” giữa Weinstein Company và dòng phim châu Á như thế…

“Sở thích” về dòng phim châu Á

Hai anh em nhà Weinstein, Robert và Harvey, thành lập hãng phim gia đình Miramax Films (Mira là tên của mẹ và Max là tên của cha các ông) vào năm 1979. Thời gian đầu Miramax chủ yếu làm công việc phát hành phim. Kể từ giữa những năm 1980, họ bắt đầu nghĩ tới chuyện làm phim để tăng lợi nhuận cho công ty.

Miramax đã sớm tạo lập được danh tiếng là người có tài phát hiện những bộ phim hay của nước ngoài hay của những người làm phim độc lập. Doanh thu của hãng tăng lên nhanh chóng, hãng cũng đã gặt hái được nhiều giải thưởng Oscar và Cành cọ vàng. Năm 1993, Walt Disney Pictures mua lại Miramax với giá 75 triệu đôla.

Năm 2005, do sự bất đồng với Walt Disney về đường lối phát triển Miramax, hai anh em Weinstein đã nhượng lại toàn bộ quyền sở hữu hãng phim này cho Disney và thành lập một hãng phim mới có tên Weinstein Company, tiếp tục theo đuổi những sở thích vốn có, trong đó có dòng phim châu Á.

Tháng 5-2006, Weinstein Company thành lập liên doanh với Genius Product cho ra đời nhãn hiệu (label) mang tên Dragon Dynasty (Triều đại Rồng) nhằm phát hành các bộ phim châu Á, ở rạp cũng như trên DVD.

Để khởi đầu, Weinstein Company đã mua được quyền phát hành 43 bộ phim Trung Quốc đương đại chưa từng được chiếu ở Mỹ (trong đó có Thất kiếm) từ hãng phim Trung Quốc Fortune Stars, 50 bộ phim của hãng Shaw Brothers và nhiều bộ phim của các đạo diễn độc lập (trong đó có những bộ phim của đạo diễn Ngô Vũ Sâm).

Việc Weinstein Co. mua quyền phát hành bộ phim Dòng máu anh hùng (The rebel – Heroic blood) của hãng phim Việt Nam Chánh Phương (theo tin Vietnamnet) chắc chắn cũng nằm trong chiến lược phát triển và mở rộng ảnh hưởng của dòng phim châu Á của hãng và là một tín hiệu đáng mừng đối với công nghiệp điện ảnh Việt Nam nói chung. Có thể đây cũng là một lối đi đáng tham khảo giúp các bộ phim Việt Nam đi ra với thị trường thế giới… 

NGỌC HÀ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục