Hướng đi mới cho chợ Soái Kình Lâm

Chợ vải Soái Kình Lâm (còn được gọi là Thương xá Đồng Khánh), trước đây thuộc chợ Xóm Vôi, đường Xóm Vôi, phường 14, Q5. Năm 1989, UBND quận 5 quyết định quy hoạch lại ngành hàng vải sợi và di dời tiểu thương về đường Trần Hưng Đạo. Từ năm 1989 đến 1995, chợ phát triển khá mạnh với gần 1.000 sạp, chi phối nguồn hàng vải sợi đi khắp cả nước và ra cả các nước trong khu vực.

Từ năm 1995, thị phần vải sợi ở chợ Soái Kình Lâm dần bị thu hẹp do sự xuất hiện của hàng loạt chi nhánh của các công ty dệt may lớn và các sạp vải bán sỉ tại hai chợ Tân Bình (Q. Tân Bình), Tân Định (Q1). Mặc dù vậy, với gần 500 sạp vải hiện nay, chợ vải Soái Kình Lâm vẫn còn được xem là trung tâm vải sợi lớn nhất nước và có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam và khách du lịch nước ngoài.

Nhờ nguồn hàng phong phú, đa dạng hơn các chợ khác, đặc biệt là những loại vải cổ dùng để may những bộ trang phục sân khấu, mừng thọ, cưới hỏi, giỗ tổ các làng nghề… nên hàng ở chợ này ít “đụng hàng” với những chợ khác. Vải ở Soái Kình Lâm có nhiều nguồn gốc: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, giá dao động từ 19.000 - 150.000đ/m.

Mặt hàng bán chạy nhất có thể kể đến các loại vải truyền thống để may áo dài, sườn xám, áo bà ba như lãnh Mỹ A, sa tanh, tơ tằm, gấm, dạ với giá từ 20.000 - 80.000đ/m. Để cạnh tranh với các showroom vải hiện đại của các doanh nghiệp Thái Tuấn, Phước Thịnh, Khải Silk, tơ lụa Tân Cương… tiểu thương ở chợ Soái Kình Lâm phải giảm lãi, chủ động bán với giá rất linh hoạt.

Có thể nói, cách kinh doanh của tiểu thương ở chợ Soái Kình Lâm là một trong những yếu tố giúp chợ này “trụ” vững dù tình hình cạnh tranh giữa các chợ đầu mối vải sợi ngày càng diễn ra khốc liệt. Đó là cách kinh doanh lấy chữ tín làm đầu. Để giữ chân khách hàng, chợ vải Soái Kình Lâm chấp nhận kiểu kinh doanh: “mượn đầu heo nấu cháo”. Nhiều khách hàng nợ “gối đầu” từ 20, 30 đến 100 triệu đồng là chuyện thường!

Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại chợ Soái Kình Lâm đang xuống cấp, các lối đi ngày càng bị thu hẹp do hàng hóa về chợ ngày càng nhiều. Công tác phòng cháy chữa cháy ở chợ luôn phải trong tư thế “nóng”, nhất là vào những tháng nắng nóng.

Để giữ lại ngôi chợ truyền thống này, hiện UBND quận 5, Phòng Kinh tế quận 5 đang tích cực hoàn thành dự án Trung tâm Thương mại vải sợi Đồng Khánh 31 tầng tại số 504-516 Trần Hưng Đạo, Q5 do Công ty Kinh doanh Quản lý và Phát triển nhà làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 260 tỷ đồng trên diện tích xây dựng 48.000m2.

Theo ông Thái Băng Nghiệp, Phó phòng Kinh tế quận 5, địa điểm mới sẽ là nơi để 500 thương nhân cũ của chợ vải Soái Kinh Lâm tiếp tục phát huy truyền thống kinh doanh tốt đẹp. Hy vọng chợ vải Soái Kình Lâm, chợ có doanh thu cao thứ hai ở quận 5, sau chợ An Đông, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống là trung tâm vải sợi lớn nhất nước. 

LÊ MAI THI

Tin cùng chuyên mục