PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Người góp phần khai phá loại hình đại học tư thục

Người tiên phong trong loại hình trường đại học tư thục
Người góp phần khai phá loại hình đại học tư thục

Từ vóc dáng cao, tầm thước, khoan thai, đĩnh đạc, đến gương mặt xuất hiện những nếp nhăn do tuổi già của ông, thoạt nhìn thấy ông có vẻ nghiêm nghị, khó gần, khô khan… Nhưng gần 15 năm gần gũi, chúng tôi phần nào đã “cảm” được sự thân mật, tình cảm từ con người thật của ông cùng sự bộn bề của công việc vẫn đang cuốn hút ông như một niềm đam mê bất tận. Không phân định ngày và đêm, không quản thời gian ngả bóng chiều tà. Ở ông, năng lượng và nhiệt huyết tràn đầy dành cho những ý tưởng nóng bỏng đang được tích cực góp phần cho giáo dục.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (bìa phải) trong lần thuyết giảng tại Mỹ.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (bìa phải) trong lần thuyết giảng tại Mỹ.

Người tiên phong trong loại hình trường đại học tư thục

Có lẽ đam mê đã trở thành cái “nghiệp” vận vào ông. Bởi lẽ, cho đến giờ, khi đã cao tuổi để sẵn sàng nghỉ ngơi nhưng ông vẫn cảm thấy như vừa bắt đầu là người quản lý trường đại học được nhiều người biết đến với gánh nặng lo toan cơm, áo, gạo, tiền… cho một tập thể hơn 600 giáo viên cùng hơn 25.000 sinh viên thuộc 22 khoa của ngôi trường đại học tư thục có quy mô và bề thế. Chỉ có đam mê thôi thúc mới khiến ông biến những điều không thể thành có thể… Trong con mắt của nhiều người, ông là một con người khá đặc biệt, chuyên làm những việc tiên phong, không sao chép, không rập khuôn.

Ngày nay hệ thống các trường tư thục Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đủ các cấp học, các ngành nghề. Nhưng, ít người biết, để có thành quả hôm nay, ngay từ năm 1985, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- lúc bấy giờ là thư ký công đoàn Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, đã vượt qua biết bao trở ngại khi chưa có “tiền lệ” đào tạo ngoài chính quy để khai phá thành công mô hình “Đại học ghi danh”. Thời đó, đây được coi là bước đột phá mở ra một chương mới, đa dạng hóa mô hình đào tạo, tiếp cận đúng nguyện vọng được tiếp tục học ở bậc cao hơn của biết bao cán bộ đã từng bỏ dở việc học tại đại học để tham gia kháng chiến và còn rất nhiều những thanh niên xung phong đã cống hiến thời trai trẻ đi “đào kênh đắp núi” và những con em gia đình cách mạng, con em quần chúng lao động nghèo, học lực kém không đủ sức thi vào đại học công lập…

Không ít những sinh viên, thành quả của thời “sáng lập” đại học ghi danh đã trở thành những nhà lãnh đạo, nhà khoa học và những doanh nhân, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước ngày nay. Nếu như “Đại học ghi danh” là một dấu ấn trong cải cách đa dạng mô hình giáo dục của những tháng năm cả nước đi qua khó khăn cuối thời bao cấp, chuẩn bị đón làn gió mới của đổi mới; thì đại học tư thục với mô hình Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng là một đóng góp lớn mang phong cách của thời đại công nghệ. Một nhà giáo dục tiến bộ, ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng giáo dục quốc tế hiện đại, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hùng đã là tấm gương lao động, khiêm tốn, giản dị trong đời sống bình thường của xã hội.

Đam mê, trăn trở với sự nghiệp trồng người

Đam mê đọc, viết, và suy tư đã cuốn ông đi như một sức hút vô hình. Những người biết ông chắc sẽ không ngạc nhiên khi nhận được những cuộc điện thoại của ông vào lúc 3h - 4h sáng. Bởi giờ đó, ông vẫn đang ngồi trong “thư phòng” nhỏ, bề bộn sách - thế giới đích thực, biệt lập của riêng ông trong căn nhà không phải của ông - lóe lên những ý tưởng cần trao đổi, cần giải tỏa để giúp ông thư thái đi vào giấc ngủ của một đêm chờ sáng. Ông đã và đang làm việc như một cỗ máy và chưa hề ngưng chạy. Đối với ông, thời gian 24h trong một ngày quả thật là không đủ, khi sáng ông vừa thuyết trình đề tài về Bộ Đại từ điển Bách khoa Hà Nội học ở Hà Nội, chiều đã có mặt trên sân bóng đá để chỉ đạo cầu thủ. Còn tối đến, ông lại chỉn chu trong vai trò ban giám khảo để chấm thi trong đêm ca nhạc thời trang của Hội sinh viên. Rồi rạng sáng sau lại thấy ông xuất hiện ở phòng tập thể dục như mọi ngày để rèn luyện “con chuột mỏng manh” ở bắp tay trước khi vào trường đứng lớp với phong thái khỏe khoắn, tươi tỉnh. Đam mê - đó là tiếng gọi mãnh liệt khiến ông chưa bao giờ dừng bước với sự nghiệp giáo dục.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang) xuống sân chúc mừng hai đội bóng chuyền nam nữ ĐHQT Hồng Bàng đoạt chức vô địch hội thao sinh viên TPHCM vừa kết thúc tháng 11-2012.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang) xuống sân chúc mừng hai đội bóng chuyền nam nữ ĐHQT Hồng Bàng đoạt chức vô địch hội thao sinh viên TPHCM vừa kết thúc tháng 11-2012.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hùng là một trong số nhà nghiên cứu có khả năng sử dụng thành thạo 4 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Hán. Ông là một tiến sĩ sử học, nhà nghiên cứu Hán Nôm và Hán Nhật. PGS, TS Nguyễn Mạnh Hùng bước vào ngành sử học Việt Nam với một phương pháp nghiên cứu mới và ông đã góp phần phát triển và nghiên cứu để công bố ra thế giới 4.755 bức ký họa khắc gỗ về xã hội Việt Nam đã bị quên lãng cả 100 năm. Ông đã hoàn thành một số công trình biên soạn từ điển Hán, Nhật, từ điển Bách khoa Việt Nam học và đặc biệt hoàn thành tiểu thuyết văn học về chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam trải rộng trong giai đoạn lịch sử 1945-1975 cộng với một năm sau giải phóng. Ông mơ ước thành lập xưởng phim Đại học Hồng Bàng để giới thiệu những tác phẩm hoạt hình manga 3D do ông sáng tác. Tác phẩm đầu tay của ông mang tên Con Kên Kên Và Thằng Bé để  tái hiện khá đầy đủ nguồn tư liệu về nạn đói năm Ất Dậu 1945 ở miền Bắc và mong được biến thành truyện tranh triết lý nhân bản. Đây cũng có thể được xem là phim hoạt hình thể loại manga đầu tiên do người Việt Nam thực hiện. Trong suốt cuộc đời giáo dục của ông, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hùng đã từng được Bộ Giáo dục tuyển chọn giảng dạy về Việt Nam học tại Đại học Ngoại ngữ OSAKA Nhật Bản; thuyết giảng tại Đại học California State University Fullerton Hoa Kỳ  với đề tài  “Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”. Ông cũng được mời thuyết giảng tại nhiều trường đại học nước ngoài như: Đại học Hoàng gia Thái Lan Suan Dusit tại Chiang Mai và Đại học Payab - Cheng Mai của Hoa Kỳ tại Thái Lan, Đại học Inchon (Hàn Quốc)… Đó là chưa kể những cuộc thuyết giảng hay tham dự nhiều hội nghị quốc tế…

Thay lời kết

Và, không khó khăn để hiểu vì sao ông trở thành người được yêu mến của đông đảo sinh viên đã và đang được ông giảng dạy, được ông cùng tham dự chính các trò chơi: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… hay các buổi ca vũ nhạc kịch… Một ngày đến tìm ông với ngồn ngộn những câu chuyện, những đam mê chưa từng mệt mỏi. Ông – “con ngựa thồ bất kham”- mong muốn một ngày nào đó sẽ được nghỉ ngơi trong sự quên lãng của mọi người. Nhưng với niềm đam mê vẫn rừng rực trong ông truyền sang, chúng tôi hiểu rằng, với tiếng gọi mãnh liệt của đam mê, “con ngựa thồ” này đáng được nhắc đến như một tấm gương - về lòng khiêm tốn và độ lượng...

Sông Hương

Tin cùng chuyên mục